Văn hóa – Di sản

Nguyễn Kiều – nhà thơ sứ thần và mối chung tình “tài tử giai nhân”

Nguyễn Vinh Phúc 09/11/2023 16:46

Nguyễn Kiều hiệu là Hạo Hiên, người làng Phú Xá, nay thuộc Phú Thượng, quận Tây Hồ, sinh năm Ất Hợi (1695). Từ nhỏ Nguyễn Kiều đã nổi danh học giỏi. Năm 18 tuổi, đi thi lần đầu đỗ ngay Giải nguyên. Năm 21 tuổi đậu Tiến sĩ. Năm 1771, được bổ làm Đốc đồng trấn Tuyên Quang. Năm 1734, cải bổ vào Nghệ An, làm chức Đốc thị, hai năm sau thăng Thừa Tuyên trấn ấy. Ông lại từng là Chánh sứ đi tuế cống nhà Thanh năm 1742 - 1745. Ông có tập thơ Hạo Hiên thi tập.

nguyen-kieu.jpg
Bức hoành phi ở nhà cũ tương truyền là của TS Nguyễn Kiều được chuyển từ nhà dải vũ trước điện Kính Thiên trong Cấm Thành Thăng Long về dựng làm nhà ở tại Phú Xá (Ảnh tư liệu).

Ngoài ra khi đi sứ, ông có thơ xướng hoạ với Phó sứ Nguyễn Tông Quai (còn đọc là Khuê), tập hợp thành bộ Sử Hoa tùng vịnh. Xin trích một bài khi ông đi sứ qua tỉnh Sơn Đông:

Vạn lý bình pha liệt hạng cư,

Tục cao ngoạ ốc nụy mao lư.

Điền phu thốn chuỷ sừ tam độc,

Lữ khách trùng nang giá sổ tư.

Thân đạo trì khu song bí mã,

Hoà triền giao thác nhất luân xa.

Cô chiêm địa thế tri dân sản,

Trúc mạch đa ư cốc mễ trừ.

Bản dịch thơ của nhóm Lê Thước:

Muôn dặm đồng bằng ở xúm nhau,

Nhà tranh lúp xúp, ngói xây cao.

Nông dân làm ruộng bừa ba nghé,

Hành khách dùng lừa chở cặp bao.

Nào ngựa hai cương đi gấp rút,

Lại xe một bánh đẩy xôn xao.

Xem qua địa thể biết nông sản,

Mì đậu trồng hơn lúa gạo nhiều.

Trước khi đi sứ, ông đến cầu hôn bà Đoàn Thị Điểm. Đương thời cho là có số phải lấy nhiều vợ. Bà vợ đầu là con gái đại thần Tham tụng Lê Anh Tuấn, người Thanh Hóa. Bà này mất sớm, ông lấy con gái đại thần thượng thư Nguyễn Quý Đức. Bà này cũng sớm qua đời. Nguyễn Kiều nhờ người mối mai đến với bà Điểm. Ban đầu bị từ chối, ông không nản, tiếp tục qua lại. Cuối cùng trong thư chính thức cầu hôn, ông khẩn khoản trình bày: “Tôi rất bận việc quan. Vó ngựa hoàng hoa (đi sứ) đã gần ngày lên đường. Việc nhà không ai coi sóc cai quản, tôi nghĩ rằng phu nhân cùng nội trợ tôi xưa có tình chị em, có phận keo sơn (người vợ trước là con gái Lê Anh Tuấn, vị đại thần từng đã nhận Đoàn Thị Điểm là con nuôi). Nếu phu nhân bằng lòng đùm bọc cho nội trợ tôi, thì thực là may cho cả nhà tôi đó”.

Có lẽ vì cảm động về “quyết tâm” của ông Kiều, và có lẽ còn là “vì cây dây quấn” nên bà Điểm chấp nhận.

Cưới nhau được hơn một tháng, Nguyễn Kiều phải lên đường đi sứ, mãi đến năm 1745 mới về. Trong ba năm vắng chồng, Đoàn Thị Điểm sống chẳng khác nào người “chinh phụ”. Có lẽ chính trong thời gian này (1742 - 1745), bà đã dịch ra quốc âm tác phẩm nổi tiếng của Đặng Trần Côn ra đời chưa lâu.

Năm 1748, Nguyễn Kiều được cử vào Nghệ An, giữ chức Đốc đồng. Đoàn Thị Điểm theo chồng, xuống sông Nhị vào Nghệ An và mắc bệnh lúc đang trên đường. Đến trấn lỵ ngày 4 tháng 8 (âm lịch), bệnh bà đã nguy kịch lắm. Đến ngày 11 tháng 9 năm ấy, bà mất, thọ 44 tuổi, không có con cái. Thế là Nguyễn Kiều lại một lần nữa goá vợ. Có lẽ sau đó ông ở vậy dù lúc đó ông mới 53 tuổi và còn sống thêm 23 năm nữa (mất năm 1771), vì tại làng quê Phú Xá của ông nay chỉ còn ba ngôi mộ của ba bà táng song song.

Nếu không là như thế thì vẫn thấy rằng tình cảm của ông đối với bà Điểm thật sâu nặng. Có thể là ông cảm được sự “hy sinh” của bà khi đang là gái tân mà nhận về làm vợ kế cho ông và hơn thế, tài năng cùng đức độ của bà đã thuyết phục ông nhiều. Về đức độ thì như bà đã viết trong bản dịch Chinh phụ ngâm:

Nay một thân nuôi già dạy trẻ,

Nỗi quan hoài mang mẻ sớm trưa.

Ba năm ông đi sứ sự, bà phụng dưỡng chu đáo thân mẫu ông và dạy bảo chăm sóc các con (với hai bà vợ trước). Về tài năng thì khỏi phải nói, nhả ngọc phun châu chẳng thua gì ả Tạ, nàng Ban, bao nhiêu năm lịch sử Việt Nam mới có một người phụ nữ tài tình như vậy.

Cảm và phục nên khi bà mất, ông lưu quan tài ở nơi làm việc hàng tháng trời, ngày ngày cơm nước cúng lễ. Đến lúc phải chuyển linh cữu về bắc, về Phú Xá, ông vì công việc không theo về được, đã tổ chức lập đàn tế ở trên bến trước khi thuyền rẽ sóng. Lại dặn con lớn đi tháp tùng phải tế một tuần trên đường đi và khi về đến làng, lúc hạ huyệt cũng phải cúng tế một lần nữa. Ông đã soạn sẵn thêm hai bài văn tế để đọc trong hai dịp lễ đó. Cả ba bài văn tế đều thể hiện một tấm lòng xót thương sâu sắc và chung một tình cảm thắm thiết yêu thương. Như bài văn tế đọc khi thuyền chở lĩnh cữu rời bến Xứ Nghệ vừa tỏ lòng biết ơn, vừa ngợi ca tài năng, vừa bày tỏ niềm xót xa vô hạn:

Ô hô! Hỡi nàng!

Huệ tốt, lan thơm.

Phong tư lộng lẫy, cử chi đoan trang,

Nữ đức trọn vẹn, tài học ngõ ngàng.

Giáo mác, ấy bàn luận; gấm vóc, ấy văn chương,

Nữ trung, rất hiếm có như Nàng!

Sao mà lại:

Gia thất chậm hơn Mạnh Quang,

Con cái hiếm hơn Trang Khương.

Dứt tuổi Từ phi; vùi tài Ban nương,

Sao hoá cơ khó đoán; mà thiên mệnh phi thường lắm thay!

Xưa được nghe tiếng Nàng: Bèn kết thân hai họ,

Nàng về nhà tôi; vẹn tròn đạo vợ.

Việc bút nghiên tài lạ hằng chuyên; nghề kim chỉ tay sành chẳng bỏ,

Thường thường đàm luận cổ thi; ngày ngày xướng thơ hoạ phủ.

Ba năm đi sứ Bắc, mày liễu buồn chau; năm ngựa trở về nhà,

mặt hoa cười nở,

Lúc rảnh việc, cùng vui thú văn hàn; mới chỉ sai trở vào xứ Nghệ.

Non sông chẳng ngại đường dài; tần tảo quyết theo nội trợ,

Đường sông nghìn dặm gian nan; doanh liễu ba tuần tới đó.

Một bệnh càng thêm; trăm phương khôn chữa,

Đào chưa quả đã vội khô; quế đang thơm mà đã rũ!

Rừng sâu, bể rộng, Nàng hỡi đi đâu? Ngọc nát, châu chìm,

lòng tôi quặn nhớ.

Những muốn:

Chèo thuyền lan mà sớm phát; đưa giá liễu để chóng về,

Hẹn lại quê nhà an táng; dốc đem ý hậu theo đi.

Nhưng:

Nghĩa cùng thời, trái; việc chẳng lòng, tuỳ,

Nửa bước khó rời trấn sở; một thân khó vẹn công tư.

Lối về trên bến; tạm dựng bàn thờ,

Lễ tiễn hai hàng chan chứa; tình thương một lễ đơn sơ.

Sóng gió xin đừng kinh sợ; đường đi chớ ngại rù rờ.

Hương hồn Nàng yên nghỉ; cố ấp, tôi hằng mơ.

Thượng hưởng!

(Hoàng Xuân Hãn dịch)

Hay như bài văn tế đọc lúc hạ huyệt, nỗi đau dâng cao hơn, lòng thương xót da diết hơn, sự mất mát to lớn hơn và tấm tình của người chồng mất vợ thật đau đớn tan nát cõi lòng:

Dẫu trăm tấm thân cũng khôn chuộc, hận đến nghìn đời cũng chẳng cùng,

Kìa những người đàn bà tầm thường lại thường sống lâu tuổi hạc da mồi, cớ sao người tài hoa tót bậc dường này mà phúc lộc lại rất mỏng manh.

Tội nghiệp thay nương tử, ở yên không có chỗ, nối dõi không có con, ngoài ba mươi tuổi mới lấy chồng, hơn bốn mươi tuổi đã tạ thế,

Vùi âm dung ở một chỗ, ném tài nghệ vào khoảng không, trốn bà từ mẫu đã già, bỏ mấy cháu côi còn lại.

Há chẳng phải là mệnh giời không thường mà tạo vật không công hay sao,

Luống để cho người chồng goá bụa, thở ngắn than dài, ruột sầu đau thắt, mắt lệ tuôn rơi.

Việc nhà đương bề bộn, ai người trông nom?

Cư xử có nhỡ nhầm, ai người ngăn bảo?

Thơ muốn làm cùng ai bình phẩm?

Sách muốn xem cùng ai bạn bầy?

Mùa thu có trăng cùng ai chơi?

Mùa xuân có cảnh cùng ai ngắm?

Than ôi! Đường chia đôi ngả duyên đứt sáu năm, vui ít sầu nhiều, tài dài mệnh ngắn...

(Trúc Khê dịch)

Tóm lại, điều làm ông Kiều được sách vở ngày nay nhắc tới không phải vì ông đỗ tiến sĩ, làm quan đến Thừa tuyên sứ - những vinh hoa này nhiều người đạt và cũng không phải ông là tác giả tập thơ chữ Hán Sứ Hoa hay Hạo Hiên, hai tập thơ này không mấy đặc sắc, mà chính là ông có vinh dự làm chồng của Đoàn Thị Điểm, một nhà thơ nữ tài hoa tuyệt vời làm danh giá cho giới nhà thơ nữ Việt Nam. Tất nhiên cũng phải kể đến tấm chân tình của ông đối với bà vợ quý giá này đã tạo nên nhân cách đáng trọng của ông./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Vinh Phúc