Giáp Hải - trạng nguyên, nhà ngoại giao xuất sắc
Giáp Hải (1507 - 1585), còn gọi là Giáp Trưng, hiệu là Tiết Trai tiên sinh, quê quán ở làng Công Luận, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sau ông được nhận làm con nuôi ở tổng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc xã Dĩnh Kế, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Ông đỗ Trạng nguyên năm Đại Chính thứ 9, Mậu Tuất (1538), đời Mạc Thái Tông, làm quan đến Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ.
Ngay từ khi còn đi học, Giáp Hải nổi tiếng thông minh, cần mẫn, khiêm nhường nên học trò trong làng ngoài tổng ai cũng khâm phục. Giáp Hải học một biết hai, ứng đối như thần. Ông không ỷ vào sự thông tuệ của mình, rất chăm chỉ dùi mài kinh sử. Tương truyền, Giáp Hải có thể ngồi thâu đêm suốt sáng mà không tỏ ra mệt nhọc, gần tối ông thường rang một túi hạt hồ tiêu, khi nào buồn ngủ lại nhấm nháp cho miệng cay cay mà quên ngủ. Hàng ngày, Giáp Hải thường đến chân núi Cốc Lâm (đồi Kế) ngồi dưới lùm cây đọc sách.
Học chừng hết chữ các ông đồ trong vùng, Giáp Hải được cha cho đi kinh đô học. Đến khoa thi năm Mậu Tuất (1538) niên hiệu Đại Chính thứ 9 đời Mạc Đăng Doanh, khi thi hội, Giáp Hải đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh, tức Trạng nguyên. Năm ấy ông 32 tuổi.
Giáp Hải làm quan trải lục bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh diễn coi việc ở tòa Kinh Diên, sau thăng tới Thái bảo, tước Kế Khê bá, đặc phong Sách Quận công, nhiều lần đi sứ phương Bắc và được phong Thiếu Bảo.
Thời kỳ giữ chức Tuyên Phủ đồng tri rồi lên Nam Quan thương nghị giám sát biên giới, ông luôn tỏ ra là người lịch thiệp, lý lẽ sắc bén, được quan lại nhà Minh nể trọng, thường gọi là Giáp Tuyên Phủ.
Tính tình Giáp Hải dễ chịu, nói năng nhẹ nhàng, khúc triết. Ông rất giỏi văn từ, bởi thế nên sau khi đỗ trạng, ông được vua cử đi sứ đến năm lần. Sau các chuyến đi sứ, ông đã soạn ra sách Ứng đáp giao bang tập, trong đó có những câu thơ cảm tác.
Giáp Hải và Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có công lao lớn trong triều nhà Mạc. Ông đỗ Trạng, làm Tể tướng, là thầy dạy cho vua, cuộc đời sáng trong như ngọc. Ông trung thực, liêm chính, căm ghét xu nịnh, tranh lợi, xách nhiễu. Ông luôn nhắc vua: “Tôn trọng gốc nước, cố kết lòng dân”, không say đắm yên vui. Ông là một danh sĩ có tài, ra sức phù giúp cơ đồ nhà Mạc, nhưng sinh phải buổi mạt thời của vương triều ấy. Ông đã có nhiều chủ trương vì dân vì nước nhưng không được triều đình trọng dụng. Ông xin về hưu và mất ở quê nhà.
Không chỉ là một nhà chính trị, một nhà ngoại giao tài ba, Giáp Hải còn là một nhà thơ, nhà văn lớn. Sáng tác của ông được ghi trong một số sách như Tuy phong tập, Ứng đáp bang giao tập, Cổ kim bang giao bị lãm... Nổi tiếng nhất là giai thoại bài thơ Bèo, Giáp Hải họa thơ với tướng Mao Bá Ôn người Trung Quốc. Đó là vào năm Đinh Dậu, nhà Minh mượn cớ phò Lê diệt Mạc hòng thôn tính nước ta, sai đô đốc Cừu Loan và tướng Mao Bá Ôn đem quân hùng hổ tiến vào cửa ải Pha Luỹ. Chúng gửi chiến thư cho triều đình Mạc, bảo phải đầu hàng thì mới tránh khỏi hoạ. Kèm theo thư là một bài thơ Bèo thách hoạ, dưới ký tên Mao Bá Ôn. Bài thơ có nội dung như sau:
Tuỳ điền trục thuỷ mạc ương châm,
Đáo xứ khan lai thực bất thâm.
Không hữu căn miêu không hữu diệp,
Cảm sinh chi tiết, cảm sinh tâm.
Đồ chi tụ sứ ninh chi tán,
Đản thức phù thời ná thức trầm.
Đại để trung thiên phong khí ác,
Tảo quy hồ hải tiện nan tầm.
Dịch thơ:
Mọc theo ruộng nước hóp như kim,
Trôi dạt lênh đênh chẳng đứng im.
Nào có gốc sâu, nào có lá,
Dám sinh cành nhánh, dám sinh tim.
Tụ rồi đã chắc không tan tác,
Nổi đó nào hay chẳng đắm chìm.
Đến lúc trời cao bùng gió dữ,
Quét về hồ bể hẳn khôn tìm.
Tuy là bài thơ vịnh bèo nhưng dụng ý của Mao Bá Ôn là coi khinh nước Nam sức yếu lực nhỏ, mong manh trôi dạt như cánh bèo mặt nước lênh đênh, chỉ một cơn gió là tan tác. Trạng Giáp Hải đã hoạ đáp một cách đầy dũng khí rằng:
Cẩm lân mật mật bất dung châm,
Đại diệp liên căn khởi kế thâm.
Thường dữ bạch vân tranh thuỷ diện,
Khẳng giao hồng nhật truy ba tâm.
Thiên trùng lãng đã thành nan phá,
Vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm.
Đa thiểu ngư long tàng giá lý,
Thái công vô kế hạ câu tầm.
Dịch thơ:
Ken dầy vải gấm khó luồn kim,
Rễ lá liền nhau, động vẫn im.
Tranh với bóng mây che mặt nước,
Chẳng cho tia nắng rọi xuyên tim.
Sóng dồi muôn lớp thường không vỡ,
Gió táp ngàn con cũng chẳng chìm.
Nào cá nào rồng trong ấy ẩn,
Cần câu Lã Vọng biết đâu tìm.
Trong bài thơ họa, thấy lời lẽ mạnh mẽ, Mao Bá Ôn và Cừu Loan bàn bạc với nhau, nhận định rằng nước Nam có thực lực, chưa thể đánh chiếm được, bèn lặng lẽ cho lui binh về.
Giáp Hải là người nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Đến năm 60 tuổi, ông mong muốn dứt việc triều chính để được về nghỉ ngơi. Sau khi được nhà vua tấn phong Thái bảo, Sách Quốc công, vua đồng ý cho ông được nghỉ việc sau những năm tháng phục vụ triều đình không biết mệt mỏi.
Giáp Hải đã để lại một số tác phẩm khá đặc sắc, thể hiện một lối thơ độc đáo. Thơ ca Giáp Hải đã phần nào diễn tả lại được tâm tư tình cảm của ông trong những năm tháng vẻ vang chốn quan trường, diễn tả lại những gì ông đã trải qua và cả những băn khoăn suy nghĩ về quê hương, đất nước, về những người dân nơi thôn cùng ngõ hẻm. Giáp Hải có tài thơ ca nên cứ có dịp đi đâu hay diễn tả lại một sự việc nào đó, ông đều có những bài thơ ghi lại khoảnh khắc đồng hiện khó quên ấy. Trong lần thăm Lam Sơn, ông viết:
Chính thuyền kiệu giá phỏng Lam hương
Thành quách nhân dân các nhất phương
Chức bố hữu phường lai vấn tín,
Chủng liên thùy chủ hốt văn hương
Hạc thê lão bách càn khôn cổ,
Phượng Vũ cao sơn nhật nguyệt trường.
Mục cử ngọa bi tình vọng khái,
Bình Ngô công đức đối thương thương.
(Phỏng Lam Sơn ngẫu thành, kỳ nhất)
Dịch nghĩa:
Đi thuyền, đi kiệu đến thăm Lam Sơn,
Thành quách và chỗ ở của dân mỗi bên một phương.
Có phường dệt vải đến hỏi tin tức,
Ai là chủ việc trồng sen mà bỗng ngửi thấy mùi thơm.
Hạc đậu cây bách già, đất trời cổ kính,
Phượng múa trên núi cao, ngày tháng dài.
Nhìn thấy tấm bia nằm mà lòng ngậm ngùi,
Công đức bình Ngô sánh cùng với trời xanh.
(Thăm Lam Sơn ngẫu nhiên làm thơ)
Trong lần đi sứ bên Trung Quốc, Giáp Hải tỏ rõ nỗi lòng của mình:
Tài hoa vọng thực bất như nhân,
Hữu hạnh minh thời lịch yến tân.
Khê kính lợi danh tình đạm đạm,
Đan tâm nhân nghĩa ngữ tần tần.
Hoàng xu thủy ác đương triều sủng,
Phi mã khinh cừu thượng quốc tân.
Sự tế công thành hà sở nguyện,
Thái bình thiên tử, thái bình dân.
(Phụng sắc Bắc sứ thuật hoài)
Bản dịch thơ:
Chẳng được như người đức, tài hoa,
Cân đai thời sáng gặp may mà.
Lợi danh nẻo ấy tình se nhạt,
Nhân nghĩa lòng son ý đậm đà.
Màn thủy cử vàng triều nội mến,
Áo cừu ngựa kéo nước người qua.
Nên công xong việc gì hơn nữa,
Thiên hạ thái Bình, yên đất ta.
(Nỗi lòng kẻ vâng mệnh đi sứ phương Bắc)
Xung quanh cuộc đời Giáp Hải còn có cả các truyền thuyết, giai thoại hết sức ly kỳ, hấp dẫn. Chuyện cha, mẹ ông là người ở Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, khi ba tuổi, ông bị một phú thương bắt cóc đưa lên Phượng Nhãn. Rồi chuyện ông lấy một người vợ là công chúa con Nam Hải Đại Vương dưới thủy cung. Hay câu chuyện ông xuống dưới âm phủ tìm con trai là Giáp Phong... Tất cả những câu chuyện dân gian lưu truyền xung quanh Giáp Hải là minh chứng cho hình ảnh của ông được khắc họa khá đậm nét trong tâm trí của người dân.
Với những gì đã làm được trong cuộc đời làm quan của mình, Trạng nguyên Giáp Hải là người có công lao lớn đối với triều đình, với nhân dân, đất nước trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động của dân tộc. Ông đã có những quyết định sáng suốt, hành động thiết thực, góp phần bảo vệ tổ quốc, an dân. Giáp Hải cũng là một người tài năng và có hoài bão. Ông xứng đáng đứng trong hàng ngũ những danh nhân của dân tộc nói chung và danh nhân Thăng Long - Hà Nội nói riêng./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội