Văn hóa – Di sản

Ngô Chi Lan – nữ học sĩ tài hoa

Phạm Văn Hưng 05/11/2023 14:50

Ngô Chi Lan (1434 - ?) sinh ra và lớn lên vào khoảng giữa và nửa sau thế kỉ XV, một trong những thế kỉ “đa sự” nhất trong lịch sử Việt Nam thời Trung đại. Chính thế kỉ XV đã tạo ra những trang sử chất chồng sự kiện với một mật độ dày đặc những “anh hùng” và những nhân vật có “tính vấn đề”, đầy sức hấp dẫn dù nhìn từ góc độ nào chăng nữa. Mỗi con người, mỗi nhân vật đó đều đã được lịch sử “đặt hàng” để làm chứng nhân và trở thành công cụ trong tay nó. Không phải là anh hùng vệ quốc, không phải là tể thần, danh nho nhưng Ngô Chi Lan đã sống và in dấu lên lịch sử với những nét riêng của chính mình, những nét riêng cơ hồ trở thành đơn nhất.

ngo-chi-lan.jpg
Tranh minh họa nữ sĩ Ngô Chi Lan.

Cho đến ngày nay, nhiều thông tin về Ngô Chi Lan vẫn còn nằm trong phạm vi “tương truyền”, “nghe nói”. Nếu có ai đó trưng ra một số bằng chứng mang tính giấy trắng mực đen về bà thì phần nhiều “giấy mực” đó chỉ là sự văn bản hóa các giai thoại về vị nữ học sĩ tài hoa và cũng nhiều lận đận này. Theo Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương, tên thật của bà là Nguyễn Hạ Huệ. Có lẽ trên thực tế, tên đó ít được dùng bởi tên gọi Ngô Chi Lan có liên hệ chặt chẽ về mặt ý nghĩa với tên tự “Quỳnh Hương” hơn. Bà sống chủ yếu dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497), vẫn chưa rõ năm sinh. Tương truyền, bà là cháu ruột của Ngô Thị Ngọc Dao và là con nuôi của Nguyễn Thị Lộ. Nếu đó là sự thực thì từ khi còn trẻ, thậm chí còn nhỏ, Ngô Chi Lan đã sớm phải “truân chuyên” vì những thăng trầm quyền lực ở chốn cung đình nói chung và nội cung nói riêng do những mối quan hệ tự nhiên đó. Sau khi Lê Thánh Tông lên ngôi (1460), bà được vời vào cung làm Nữ học sĩ, lo việc dạy lễ nghi và văn chương cho các cung nhân. Chồng bà là danh sĩ Phù Thúc Hoành (? - ?) người làng Phù Xá, tuy không đỗ đạt nhưng nhờ tài năng và danh tiếng nên được giao giảng dạy Kinh Dịch ở Quốc Tử Giám, sau đó chuyển sang Viện Hàn lâm. Đương thời, Ngô Chi Lan nổi tiếng là người tài sắc vẹn toàn, chăm đọc sách, giỏi đàn ca, từ khúc, thường được Lê Thánh Tông triệu vào chầu hầu trong các buổi xướng họa thơ văn và phong chức Phù gia nữ học sĩ (còn gọi là Kim Hoa học sĩ) vì bà là người làng Phù Lỗ - tục gọi làng Sọ - huyện Kim Hoa (sau đổi là Kim Anh, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội). Về sáng tác văn học, Ngô Chi Lan chỉ để lại một tập thơ là Mai trang tập (Tập thơ vườn mai), dưới thời Hoàng Đức Lương vẫn còn lưu hành nhưng sau này thất lạc gần hết. Thơ văn của bà hiện còn hai bài thơ chữ Hán thể ngũ ngôn chép trong Trích diễm thi tập, một chùm thơ trong Truyền kì mạn lục và bài thơ đề núi Vệ Linh in trong Lĩnh Nam chích quái.

Trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại, số tác giả nữ không nhiều. Sự xuất hiện của Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan... (vốn không phải là đông đảo gì) vào nửa sau thế kỉ XVIII - nửa trước thế kỉ XIX gần như là một biệt lệ. Ngoài những nữ sĩ xuất hiện rải rác trong giai đoạn trước với một, hai thi phẩm còn để lại như Lê Thị Ỷ Lan, Lý Ngọc Kiều, Điểm Bích và người cùng thời với Ngô Chi Lan trong thế kỉ XV (mà tiểu sử, hành trạng còn “mù mờ” hơn nhiều là Nguyễn Thị Lộ) thì có thể nói Ngô Chi Lan là nhà thơ nữ đầu tiên có những đóng góp cụ thể với một số lượng thi phẩm “đáng kể” đối với sự vận động, phát triển của văn học Việt Nam nói chung và văn học thời trung đại nói riêng. Sống giữa thời thịnh trị trong niên hiệu Hồng Đức, khi nhà vua và các văn thần đang còn say sưa với những đề tài minh quân, lương thần, hòa cốc phong đăng… thì số thi phẩm nhỏ nhoi của bà thực sự đã đem đến cho văn học giai đoạn này một sắc diện trẻ trung và mới mẻ. Một buổi kia, tương truyền bà được Ngô Thái hậu cho tháp tùng lên du ngoạn trên núi Vệ Linh (núi Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn ), tức cảnh sinh tình nữ sĩ đã viết nên một bài thơ về vị thánh trong xếp hạng tứ bất tử của dân tộc:

Vệ Linh xuân thụ bạch vân nhàn,

Vạn tử thiên hồng diệm thế gian.

Thiết mã tại thiên, danh tại sử,

Anh uy lẫm lẫm mãn giang san.

(Vệ Linh mây trắng tỏa cây xuân,

Hồng tía muôn hoa đẹp cảnh trần.

Ngựa sắt về trời, danh ở sử,

Oai thanh còn dậy khắp xa gần)

Sau vài tháng, bài thơ này truyền khắp trong cung, được Thuần hoàng đế Lê Thánh Tông khen ngợi. Một lần khác, Lê Thánh Tông ngự ở Thanh Dương môn, sai quan Thị thư họ Nguyễn làm bài từ khúc Uyên ương. Khi bài dâng lên, vua xem chưa vừa ý liền bảo Ngô Chi Lan làm một bài theo đề đó. Bà làm thoắt chốc đã xong, hoàng thượng xem và khen ngợi hồi lâu, ban cho năm đĩnh vàng, lại gọi là Phù gia Nữ học sĩ. Từ đó Ngô Chi Lan nổi tiếng khắp trong triều ngoài quận, được làng bút mực nể vì, trọng thị. Việc sử sách truyền rằng “Mỗi khi yến tiệc, nàng thường ôm quyển đứng chầu hầu vua, hễ vua phán làm thơ, chỉ thoắt chốc đã làm xong ngay, không cần phải sửa chữa gì cả” hẳn không phải là vô cớ. Cả một đời sống và gắn bó với Thăng Long, Ngô Chi Lan quả là một người “dan díu với kinh thành” thực sự sâu sắc. Cảnh và người Thăng Long đi vào thơ bà thật nhẹ nhàng, đằm thắm, ở nhiều bài gần như thoát khỏi phong khí của văn học cung đình, đạt cả lời lẫn ý, kết hợp nhuần nhuyễn sự thụ cảm giữa vẻ đẹp của cảnh vật với những chi tiết của đời sống con người. Bài Thái liên khúc (Khúc hát hái sen) của bà toát lên một vẻ đẹp nhẹ nhàng, tươi sáng về vùng hồ Tây - Thăng Long xưa:

Tương khan lục mấn niên,

Vô sự thái khê liên.

Tiểu cô, kiều bất ngữ,

Đới tiếu học xanh thuyền.

*

Liên hoa viễn cận hương,

Thái thái tổng sơn nương.

Mạc khiển phong xuy mấn,

Băng cơ nguyên tự hương.

(Kìa xem cô gái tóc xanh,

Gặp khi thong thả ra ghềnh hái sen.

Cô em duyên dáng lặng yên,

Mỉm cười tập lái đưa thuyền lướt qua.

*

Hương sen thoang thoảng gần xa,

Cô em quê lúa hái hoa trên dòng.

Tóc mây chẳng bận gió lồng,

Nước da băng tuyết trắng hồng mát thay!

Ngày nay, một trong những nguồn tài liệu còn để lại nhiều thông tin về Ngô Chi Lan là truyện Kim Hoa thi thoại (Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa) trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Đặt sang một bên những yếu tố hư ảo, huyền bí của thể truyền kì, câu chuyện cũng cung cấp cho ta một số dữ kiện nhất định. Nguyễn Dữ đã mượn lời Sái Thuận (nhà thơ đất Kinh Bắc) để ca ngợi bà: “Nam châu nếu không có tôi, biết đâu phu nhân chẳng là tay tuyệt xướng, mà tôi nếu không có phu nhân biết đâu chẳng là tay kiệt xuất trong một thời. Thế mới biết lời đồn quả không ngoa thật”... Câu chuyện dựng lại cho hậu thế một không khí sinh hoạt văn chương êm đềm của thời thịnh mà trong đó dinh thất của Ngô Chi Lan và Phù Thúc Hoành gần như là một “Tao đàn” thu nhỏ, là nơi lui tới của nhiều danh sĩ đương thời. Những sinh hoạt văn chương đó không thấy nói đến người “cầm trịch” nhưng nếu có thì hẳn Phù gia nữ học sĩ Ngô Chi Lan phải đóng một vai trò quan trọng. Theo Truyền kì mạn lục, bà mất năm ngoài 40 tuổi, táng ở cánh bãi Tây Nguyên, tuy nhiên theo một số tư liệu, nếu thực sự bà là người viết bài thơ viếng Lê Thánh Tông (1442 - 1497) thì bà mất sau 50 tuổi. Bài thơ viếng ấy được khen là: “Tuy không có gì mới lạ nhưng thương nhớ có thừa, rất hợp với ý thái của người đời xưa (...), lấy hùng hồn làm gốc, bình đạm làm khéo, câu tuy ngắn nhưng ý thì dài, lời tuy gần nhưng nghĩa thì xa”. Tuy nhiên, giữa những thông tin hư hư thực thực ấy, chúng ta còn biết được người đương thời đồn đoán không ít về mối quan hệ của Nữ học sĩ họ Ngô với Thuần hoàng đế Lê Thánh Tông, dù trên thực tế không ít sách vở đã chứng minh bà là cháu gọi ông ngoại Lê Thánh Tông (Ngô Từ) bằng bác, nhậm chức ở tòa Kinh diễn năm Quang Thuận thứ 2 (1461) lúc 27 tuổi và sống đến đời Lê Hiến Tông, “nghĩa kết vua tôi, nhưng tình thật như cha con vậy, lúc chầu hầu, khi lui tới không cần giữ ý tị hiềm”. Những vần thơ khích bác, châm chọc của kẻ sĩ đương thời như:

Quân vương yếu dục tiêu nhàn hận,

Ưng hoán Kim Hoa học sĩ lai.

(Quân vương nếu muốn khuây buồn nản,

Hãy gọi Kim Hoa học sĩ vào)

Hay:

Yến bãi long lâu thi lực quyện,

Lục canh lưu đãi hiểu miên trì.

(Tiệc cạn lầu rồng sức thơ mỏi,

Canh dài giữ đợi giấc nằm trưa)

Một phần chứng tỏ sự ghen ghét của một số thời nhân đối với bà, một phần nói lên những nghi hoặc có thực của người đời về mối quan hệ quân vương - nữ sĩ mà trong đó bậc quân vương thì tài hoa và... đào hoa, còn nữ sĩ lại là người tài sắc lừng lẫy một thời. Cũng như mối quan hệ giữa Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ, dù ít dù nhiều, câu chuyện sẽ luôn tồn tại trong thế xét đoán “vườn dưa sửa dép” của người đời.

Qua những giai thoại về Ngô Chi Lan chúng ta có thể hình dung về một con người mẫn tiệp, phóng bút thành thơ. Thơ của bà phần nhiều là thơ xướng họa, ứng khẩu và không được biên chép, tập hợp nên mất mát là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, qua những gì còn lại, đến nay hoàn toàn có thể đồng tình với thi sĩ Xuân Diệu sau này rằng thơ Ngô Chi Lan là “một bước tiến của thơ; (...) lời văn ở đây đã trong sáng, liền, thoải mái, không vất vả, không gợn, và có nhạc điệu” (1982)... Những sáng tác của bà được hậu thế trân trọng và lưu lại trong Văn đàn bảo giám, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Nữ lưu văn học sử... Giữa chiều dài mười thế kỉ văn học viết với hàng trăm tác giả văn học còn đứng lại với lịch sử Việt Nam thời trung đại, bà và khoảng chục nữ sĩ khác đã nói lên được những nỗi lòng của cá nhân mình, của giới mình và thời đại mình một cách xuất sắc. Họ thực sự là những gương mặt sáng giá của văn đàn thời trung đại, tự vượt thoát khỏi những hạn chế và thành kiến vốn đã là định đề. Và có một điều, giống với một số nữ sĩ khác (Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Thị Hinh), Ngô Chi Lan vừa là một nhà thơ vừa là một nhà giáo, và trong cương vị “giáo tập” ấy bà cũng đã làm trọn vẹn chức trách của mình, trở thành một trong số ít những “cô giáo” đầu tiên trong lịch sử dân tộc, không chỉ dạy chữ, dạy người mà còn giúp vua giữ yên nội cung để dồn tâm cho chính sự. Điều đó một phần là do truyền thống của quê hương Phù Lỗ văn hiến và khoa bảng hun đúc nên mà có. Ở Phù Lỗ Đoài ngày nay vẫn còn ngôi miếu thờ Phù gia nữ học sĩ, dân làng thành kính gọi là Miếu Bà.

Năm thế kỉ đã qua kể từ ngày người nữ sĩ họ Ngô ra đi theo các vị tiên liệt. Con người tài sắc nức tiếng một thời với tên gọi Chi Lan, với tên tự Quỳnh Hương và lưu lại cho đời Tập thơ vườn mai (Mai trang tập) hẳn là đã tâm đắc rất nhiều với những hoa những hương và khi bà mất đi chắc chắn đã để lại một khoảng trống trên thi đàn, lưu lại niềm tiếc nuối cho biết bao bạn văn trước cảnh “hương còn thơm ngát người đà vắng tanh”. Vẫn như một thói thường, khi đã “cái quan” thì người đời sẽ bắt đầu “định luận”. Tuy nhiên, có hề gì, Ngô Chi Lan vốn đã là “người của công chúng” từ khi còn sống nên những khen chê, những nghị xét, đồn đoán có thể khiến bà buồn bực nhất thời nhưng chóng qua. Ở cõi bên kia, có thể nữ sĩ đã hết ấm ức về những truân chuyên mà mình vấp phải khi gặp được những chị em “cùng một nết phong nhã” để an ủi nhau: “Tạo vật đố toàn!”../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Phạm Văn Hưng