Văn hóa – Di sản

Trần Quang Khải – thượng tướng, nhà thơ

Tạ Ngọc Liễn 01/11/2023 11:16

Trần Quang Khải là con trai thứ ba Trần Thái Tông, sinh năm 1240, mất năm 1294. Dưới triều Trần Thánh Tông (1258-1278), Trần Quang Khải được phong tước Chiêu Minh đại vương. Năm 1274, ông được giao chức Tướng quốc thái úy.

Đoạt sáo Chương Dương độ,

Cầm Hồ Hàm Tử quan.

Thái bình tu trí lực,

Vạn cổ thử giang san.

(Bến Chương Dương cướp giáo,

Cửa Hàm Tử bắt thù.

Đời thái bình gắng sức,

Nước non này muôn thu)

Đó là bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư (Theo xe vua trở về kinh đô) nổi tiếng của Trần Quang Khải viết để ca ngợi chiến thắng quân Nguyên Mông ở Chương Dương, Hàm Tử năm 1285 mà ông đã tham gia chỉ huy.

Trần Quang Khải là con trai thứ ba Trần Thái Tông, sinh năm 1240, mất năm 1294. Dưới triều Trần Thánh Tông (1258-1278), Trần Quang Khải được phong tước Chiêu Minh đại vương. Năm 1274, ông được giao chức Tướng quốc thái úy.

tran-quang-khai.jpg
Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (Ảnh minh họa: vov2.vov.vn).

Năm 1282, dưới triều Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải được cử làm Thượng tướng Thái sư, coi nắm toàn quyền nội chính. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và ba (1288), Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt thứ hai sau Trần Quốc Tuấn, có nhiều công lao to lớn trên chiến trường.

Trong sự nghiệp quân sự của Thượng tướng Trần Quang Khải, trận ông chỉ huy đánh tan quân Nguyên ở Chương Dương và Thăng Long, khôi phục kinh thành vào cuối tháng 5-1285 “là chiến công to nhất lúc bấy giờ” như sử sách ca ngợi.

Không những là một tướng tài, dũng mãnh, Trần Quang Khải còn là một nhà ngoại giao giỏi đời Trần. Năm 1281 là thời gian nhà Nguyên cho Sài Thung đem 1.000 quân đưa bọn Trần Di Ái về nước hòng làm tạo phản, mở đường cho nhà Nguyên xâm lược nước ta. Nhưng vừa qua cửa ải, quân Nguyên đã bị quân Trần phục đánh. Trần Di Ái bỏ chạy. Sài Thung được “mời” về Thăng Long để dùng vào kế hoãn binh cho vương triều Trần có thêm thời gian chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược lần thứ hai của giặc Nguyên. Lúc Sài Thung về nước, Trần Quang Khải làm bài thơ tiễn tặng rất tao nhã, đoạn kết có câu:

Vị thẩm hà thời trùng đổ diện,

Ân cần ác thủ tự huyện lương.

(Chưa biết ngày nào lại gặp mặt lần nữa,

Để ân cần nắm tay nhau hàn huyên)

Đối với viên sứ giả hống hách của một nước sắp mang quân tràn sang xâm lược, mà thái độ Trần Quang Khải vẫn ung dung, bình thản như vậy, quả là cách ứng xử ngoại giao hết sức kín đáo, khôn khéo.

Trần Quang Khải còn là nhà thơ có một vị trí không nhỏ trong nền văn học nước nhà. Thơ ông có tập Lạc đạo, đã thất truyền, nay chỉ còn lại dăm bảy bài. Thượng tướng Trần Quang Khải là người anh hùng xông pha khắp trận mạc đánh giặc, song thơ ông lại “thanh thoát, nhàn nhã, sâu xa, lý thú” (Phan Huy Chú). Cốt cách đời và thơ ấy, có lẽ cũng là cốt cách của các vua Trần, của người Việt Nam nghìn năm qua.

Hãy đọc bản dịch bài thơ Vườn Phúc Hưng của Trần Quang Khải, chúng ta sẽ thấy rõ hơn tâm hồn ông:

Phúc Hưng một khoảnh nước bao quanh,

Vài mẫu vườn quê đất rộng thênh.

Hết tuyết, chùm mai hoa trắng xóa,

Quang mây, đỉnh trúc sắc tươi xanh.

Nắng lên mời khách pha trà nhấp,

Mưa tạnh sai đồng dỡ thuốc nhanh.

Báo giặc ải Nam không khói lửa,

Bên giường một giấc ngủ êm lành.

(Theo Hoàng Việt thi văn tuyển)

Tâm hồn Trần Quang Khải vừa khoáng đạt, vừa gần gũi, gắn bó với cuộc sống bình dị của đất nước, con người:

Nhất thanh ngưu địch thanh lâu nguyệt,

Kỷ phiến nông soa bích lũng vân.

(Tiếng sáo mục đồng dưới ánh trăng bên lầu vắng,

Mấy chiếc áo tơi dưới mây trên ruộng biếc)

(Chùa Dã Thự)

Cuộc đời Trần Quang Khải là một cuộc đời sung mãn khí phách dọc ngang. Vào tuổi 50 khí lực đã kém, nhưng Trần Quang Khải vẫn viết những câu thơ còn đầy khát vọng anh hùng:

Sinh bình đệm khí luân khuôn tại,

Giải đảo đông phong phú nhất thi.

(Chí khí dũng cảm lúc còn trẻ vẫn ngang tàng, hăng hái,

Muốn quật ngã ngọn gió đông, ngâm vang bài thơ)

Ngoài bài Tụng giá hoàn kinh sư, Lưu gia độ (Bến đò Lưu Gia) cũng là một bài thơ nổi tiếng của Trần Quang Khải:

Lưu Gia độ khẩu thụ tham thiên,

Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền.

Cựu tháp giang đình lưu thủy thượng,

Hoang từ cổ trung thạch lân tiền.

Thái bình đồ chí kỷ thiên lý,

Lý đại quan hà nhị bách niên.

Thi khách trùng lai đầu phát bạch,

Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.

(Bến đò Lưu Gia cây cao ngất trời,

Năm xưa phò giá sang sông đỗ thuyền nơi đây.

Tháp cũ, đình xưa trên dòng sông chảy miết,

Đền hoang, mộ cổ phơi trước mấy con lân đá.

Bản đồ thái bình ghi mấy ngàn dặm,

Non sông nhà Lý trải hai trăm năm.

Khách thơ nay trở lại đầu đã bạc,

Hoa mai như tuyết chiếu xuống sông trong)

Những vần thơ Trần Quang Khải để lại là những dấu ấn tư tưởng, tâm hồn của một cuộc đời lớn - vị Thượng tướng triều Trần - vừa đánh giặc, vừa làm thơ./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Tạ Ngọc Liễn