Trần Thánh Tông – hoàng đế đánh giặc và tu thiền
Trần Thánh Tông (13.10.1240 - 3.6.1290) tên thật là Trần Hoảng, con trưởng Trần Thái Tông (1218-1277), vị vua thứ hai triều Trần, lên ngôi năm 1258 khi tròn 18 tuổi. Trong 21 năm ở ngôi, Trần Thánh Tông biết sử dụng người hiền tài, dốc sức chăm lo việc nước và thực hành đường lối ngoại giao mềm dẻo. Đối mặt với kẻ thù Nguyên Mông, ông có sáng kiến triệu tập hội nghị Diên Hồng, phát động tinh thần đoàn kết dân tộc và ý chí “sát Thát” (giết giặc Nguyên Mông), trực tiếp tham gia lãnh đạo và đánh tan hai cuộc chiến xâm lược vào các năm 1285, 1287 - 1288.
Ông sống vào thời thịnh Trần và một giai đoạn huy hoàng trong lịch sử dân tộc nhưng đã sớm nhường ngôi cho con, lên làm Thái thượng hoàng ngay từ năm 1278. Trừ thời gian đánh giặc Nguyên Mông, ông lui về Bắc cung chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật, sáng tác thơ văn, đến mười hai năm sau mới qua đời. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua trung hiếu nhân thứ, tôn hiền trọng đạo, cha khai sáng trước, con kế thừa sau, cơ nghiệp nhà Trần được bền vững vậy. Nhưng ưu du cõi tam muội, tìm dấu đạo nhất thừa thì không phải là phép trị nước hay của đế vương”...
Trần Thánh Tông là bậc vua khoan thứ, biết chia rõ việc công tư. Vào mùa xuân năm Mậu Thìn (1268), khi ở ngôi vua, Trần Thánh Tông từng nói với các tôn thất: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”. Liền sau đó, vua xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý. Còn trong các lễ lớn như triều hạ, tiếp khách, yến tiệc thì phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không ai phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng...
Về sau này, khi làm Thái thượng hoàng, nhân việc đánh tan giặc Nguyên - Mông lần thứ ba, Trần Thánh Tông trực tiếp tham gia định công thăng thưởng các tướng sĩ. Việc thưởng tước đã xong nhưng vẫn có người chưa bằng lòng nên Thượng hoàng dụ rằng: “Nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ không vào cướp nữa thì nói rõ trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại và các khanh lại lập công nữa thì trẫm biết lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ?”. Từ đó mọi người đều vui vẻ phục tùng.
Đặt trong xu thế phát triển xã hội, Trần Thánh Tông được coi là người mở đầu cho xu thế trọng dùng nho sĩ, khoa cử gắn với đào tạo nhân tài cai trị đất nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Đinh Mão (1267), mùa hạ, tháng tư, chọn dùng nho sinh hay chữ sung vào quán, các, sảnh, viện. Bấy giờ Đặng Kế làm Hàn lâm viện học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm Trung thư sảnh Trung thư lệnh, đều là nho sĩ văn học. Theo chế độ cũ, không phải nội nhân (hoạn quan) thì không được làm Hành khiển, chưa bao giờ dùng nho sĩ văn học. Bắt đầu từ đây, nho sĩ văn học mới được giữ quyền bính”...
Tác phẩm của Trần Thánh Tông tương truyền có Di hậu lục (Chép để lại cho đời sau), Cơ cầu lục (Chép việc nối dõi nghiệp nhà), Thiền tông liễu ngộ ca (Bài ca giác ngộ Thiền tông), Phóng ngưu (Thả trâu), Chỉ giá minh (Bài minh về sự cung kính) nhưng đều đã thất lạc. Hiện chỉ còn 16 mục tác phẩm, trong đó có 15 bài thơ và một đoạn văn bàn luận về tình nghĩa anh em trong hoàng tộc. Ngoài ra còn một số đoạn văn chính luận, thư từ ngoại giao chép rải rác trong nhiều sách khác nhau. Phần lớn nhan đề các tác phẩm là do người đời sau chỉnh lý, đặt lại....
Xét trên phương diện nội dung tư tưởng, thơ văn Trần Thánh Tông chia thành hai phần rõ nét. Phần thứ nhất là những bài hướng về đời sống thế tục, nhớ về gia tộc, đề tặng bề tôi, đề vịnh bốn mùa, phong cảnh thiên nhiên... Nhìn chung, các bài thơ này đều bình dị, nhẹ nhàng, chưa in đậm sắc thái tiếng nói đế vương, khẩu khí cung đình, qui phạm. Ngay cả ở bài thơ hai câu tựa như đôi câu đối tặng tướng Trần Quang Khải (1241-1294), thơ viếng tặng bề tôi Trần Trọng Trưng (người Giang Nam - Trung Quốc) cũng thiên về tiếng nói tình cảm chân thực, đời thường. Đến những bài thơ viết về cảnh mùa hè, đi thăm hành cung Thiên Trường, chơi phủ An Bang, động Huyền Thiên cũng in đậm tư chất con người Hoàng đế - nghệ sĩ - thi nhân. Ông nhập thân cùng trăng gió An Bang:
Triệu du phù vân kiệu,
Mộ túc minh nguyệt loan.
Hốt nhiên đắc giai thú,
Vạn tượng sinh hào đoan.
(Hạnh An Bang phủ)
Phan Võ dịch thơ:
Sớm chơi núi mây nổi,
Đêm nghi bến trăng thanh.
Bỗng dưng được thủ lạ,
Ngọn bút nảy muôn hình.
(Chơi phủ An Bang)
Ông như quên hết cả thế gian, đắm say với thiên nhiên và tạo dựng một cảnh giới Đạo giáo huyền hoặc ở động Huyền Thiên:
Vân yểm Huyền Thiên động,
Yên khai Ngọc đế gia.
Bộ hư thanh tịch tịch,
Điểu tán lạc sơn hoa.
(Đề Huyền Thiên động)
Đào Phương Bình dịch thơ:
Mây che mờ mịt Huyền Thiên động,
Khói tỏa long lanh điện Ngọc Hoàng.
Tiếng kệ câu kinh sao vắng vẻ,
Chim bay tan tác rụng hoa ngàn.
(Đề động Huyền Thiên)
Cảm nhận về mùa hè, Trần Thánh Tông thấy thời gian như thêm rộng dài với hình ảnh những hoa sen, cánh rừng sau mưa và tiếng ve rộn trong chiều:
Yểu điệu hoa đường trú ảnh trường,
Hà hoa xuy khởi bắc song lương.
Viên lâm vũ quá lục thành ác,
Tam lưỡng thiền thanh náo tịch dương.
(Nhà hoa thăm thẳm, bóng ngày rủ dài,
Hoa sen đưa hương mát đến cửa sổ phía bắc.
Vườn rừng sau mưa trở thành tấm màn biếc,
Vài ba tiếng ve khua rộn bóng chiều)
Đặc biệt trong bài Cung viên xuân nhật ức cựu (Ngày xuân trong vườn ngự nhớ người cũ), Trần Thánh Tông càng bộc lộ sâu sắc tiếng nói trữ tình cá nhân và khơi mở chủ đề tình yêu vốn rất hiếm hoi trong thơ cổ:
Cung môn bán yểm kính sinh đài,
Bạch trú trầm trầm thiển vãng lai.
Vạn tử thiên hồng không lạn mạn,
Xuân hoa như hứa vị thùy khai.
(Cửa cung rêu mờ, lối đi rêu mọc,
Giữa ban ngày mà lặng lẽ, ít người qua lại.
Muôn tía nghìn hồng chỉ rực rỡ suông mà thôi,
Hoa xuân đẹp thế kia vì ai mà nở?)
Chiếm số lượng quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Trần Thánh Tông là những bài thơ in đậm cảm quan Phật giáo. Ở đây có một số bài nhà vua xướng họa với Tuệ Trung Thượng sĩ (1230-1291), qua đó phát biểu quan niệm, nhận thức về bản chất trí tuệ sáng suốt, tinh thần tự tại, cái được gọi là “bản lai diện mục”, cái tâm nguyên thủy, cái bản thể bất biến thường tồn của mọi hiện tượng trong vũ trụ. Đồng thời, khi đọc các sách Đại Tuệ ngữ lục, Đại minh lục, Thiền sư - thi nhân Trần Thánh Tông bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ về những điều vi diệu trong thế giới nhà Phật, cụ thể ở các mối quan hệ động - tĩnh, sinh - diệt... Trong bài thơ Tự thuật, ông thể hiện được tầm vóc nhà tu hành đạt đạo, ngộ đạo, thấu hiểu “bản lai diện mục” (bộ mặt thật vốn có, tính nguyên thủy của vạn vật), từ đó có thể làm chủ được chính mình và ngoại giới:
Nhất đàn chi phá vạn trùng sơn,
Giá cả công phu dã thị nhàn.
Hàn thử đáo lai vô sở thức,
Vị tằng phân thượng lão nhân can.
Cá trung vô khiếm diệc vô dư,
Phật dã vô hề nhân dã vô.
Thu cảnh viễn lai thiên ngoại viễn,
Thanh sơn vân tỏa chủy đô lô.
(... Một cái búng tay phá được vạn tầng núi,
Công phu ấy cũng dễ dàng thôi.
Lạnh nóng đến cũng không có gì để nhận biết,
Một phân cũng không can dự đến ông già này.
Trong lòng ta không thiếu cũng không thừa,
Phật là không, người cũng là không.
Cảnh thu xa ở ngoài trời xa,
Mây khóa non xanh mặc cái trò đô lỗ)
Ở những bài thơ khác, Trần Thánh Tông bàn trực diện về từng phương diện nội dung trong cốt lõi tư tưởng Phật giáo. Đó là các tương quan, đối sánh về tính năng vi diệu của chân tâm, sự giác ngộ và mức độ an nhiên tự tại trước lẽ sinh tử:
Sinh như trước sam,
Tử như thoát khổ.
Tự cổ cập kim,
Cánh vô dị lộ.
(Sinh tử)
(Sống như mặc áo vào,
Chết như trút bỏ quần ra.
Từ xưa tới nay,
Không có con đường nào khác)...
(Sống và chết)
Về hình thức nghệ thuật, bước đầu Trần Thánh Tông đã sử dụng lối ngắt nhịp 3/4 thay vì nhịp 4/3 quen thuộc trong thơ Đường luật. Có thể coi đây là một sự sáng tạo, phá cách, thể nghiệm, cách tân về hình thức câu thơ một cách khó khăn, nhất là với thơ Đường luật truyền thống vốn có tính qui phạm chặt chẽ. Đơn cử cách ngắt câu trong bài Hạnh Thiên Trường hành cung (Chơi hành cung Thiên Trường):
Cảnh thanh u/ vật diệc thanh u,
Thập nhất tiên châu thử nhất châu.
Bách bộ sinh ca cầm bách thiệt,
Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu.
Nguyệt vô sự/ chiếu nhân vô sự,
Thủy hữu thu/ hàm thiên hữu thu.
Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tình,
Kim niên du thắng tích niên du.
(Cảnh thanh nhã, vật cũng thanh nhã,
Đây là một trong mười một châu thần tiên.
Trăm giọng chim là trăm bộ sáo đàn,
Nghìn ngọn quít là nghìn hàng tôi tớ.
Trăng nhàn hạ soi vẻ người nhàn hạ,
Nước mùa thu lồng cảnh trời mùa thu.
Bốn biển đã trong, bụi đã lắng,
Cuộc du chơi năm nay hơn hẳn năm xưa)
Trần Thánh Tông sống vào giai đoạn nhà Trần hưng thịnh, lập chiến công hiển hách qua ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông. Bản thân Trần Thánh Tông vừa tham gia chính sự, trực tiếp cầm quân đánh giặc vừa sớm gián cách với trần thế, lui về làm Thái thượng hoàng và đi sâu nghiên cứu Phật giáo. Ông trở thành nhân vật tiêu biểu cho mẫu hình hoàng đế - thiền sư - thi sĩ, tạo đà cho Trần Nhân Tông giữ vai trò người khơi mở Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử ngay vào thế hệ tiếp nối./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội