Có một Trường Đảng đi cùng Hà Nội theo năm tháng
Hà Nội, tháng 12/1946, trận thử lửa đã bắt đầu khi nỗ lực nhân nhượng để gìn giữ hòa bình không thể kéo dài. Sau khi lực lượng chủ lực, các cơ quan trung ương rút về căn cứ Việt Bắc, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng cũng được đặt ra cấp thiết đưa đến sự ra đời của Trường Đảng Trung ương mang tên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Địa điểm đầu tiên của Trường ở làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, thuộc căn cứ địa Việt Bắc. Tháng 9/1949, nhân dịp khai giảng lớp lý luận dài hạn khoá II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm trường và nói chuyện với cán bộ, học viên. Người đã căn dặn: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân; phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Cùng với lịch sử dân tộc, lịch sử Thủ đô, Trường Đảng đã đi cùng Hà Nội trên bước đường cách mạng vẻ vang.
Cùng bước chân đoàn quân chiến thắng trở về
Mùa thu năm 1954, trong niềm hân hoan của những đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, các cơ quan của Đảng, Chính phủ trở về Hà Nội bắt đầu cho một chặng đường lịch sử mới. Những ngày thu lịch sử ấy cũng có những buổi sáng mát trong khi cán bộ, giảng viên, học viên Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trở về Hà Nội. Tháng 10 năm 1954, Trường chuyển từ căn cứ kháng chiến về Thủ đô Hà Nội, đến năm 1962, được đổi tên thành Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương.
Trong những năm tháng miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội với quyết tâm “Miền Nam không tiếc máu, miền Bắc không tiếc mồ hôi”, Trường Đảng đã mở các lớp đào tạo cán bộ trung, cao cấp. Trường đã đào tạo được 43.075 cán bộ, trong số đó có một số đồng chí sau này đã trở thành lãnh đạo của Đảng và Nhà nước như: Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Nông Đức Mạnh... Còn đó những ngày Trường cùng Hà Nội hát bài ca chiến thắng trở về; Những năm tháng oằn mình trong bom đạn, trong tiếng rít của B52 cày xới trái tim Thủ đô. Đó là những ngày trường cùng Đảng, cùng miền Bắc, cùng Hà Nội quyết tâm vững vàng để chiến thắng giặc Mỹ, để giữ vững tinh thần cho cuộc kháng chiến gian nan. Đó cũng là những tháng năm Trường Đảng cùng Hà Nội chứng kiến sự ra đi của Bác Hồ tại Thủ đô. Ngôi trường mang tên người cùng Hà Nội khóc nỗi đau của mất mát với quyết tâm dành thắng lợi sau cùng dâng lên Người. Hà Nội ơi trong những căn nhà đổ có một thời khói lửa xác xơ của một trường Đảng kiên trung, cùng Hà Nội chiến đấu, cùng Hà Nội vững tin và cùng Hà Nội đi đến ngày chiến thắng.
Khi non sông thống nhất
Sau khi non sông liền một dải Hà Nội cùng với cả nước nêu cao quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ của Trường Đảng trong bối cảnh mới phức tạp càng quan trọng. Tháng 7/1977, trường được đổi tên thành Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc nhiệm vụ mới, nhiều hơn. Những năm tháng khó khăn, Hà Nội luôn có một Trường Đảng vững vàng ý chí, vững niềm tin vào chế độ. Hà Nội đã đi qua những năm tháng khốn khó của thời bao cấp khủng hoảng, tại Thủ đô Hà Nội khẩu phần định lượng lương thực vốn đã ít ỏi (13kg/người/tháng), đến năm 1978 thực tế chỉ còn được 4 kg gạo còn lại là khoai và sắn. Đây là điều mà trong suốt mấy chục năm chiến tranh cũng chưa bao giờ xảy ra. Thậm chí Thường trực Ban Bí thư lúc đó là đồng chí Nguyễn Duy Trinh phải có điện khẩn cho các tỉnh nông nghiệp quanh Hà Nội phải bằng mọi cách cung cấp gạo cho Hà Nội. Bức điện còn nhấn mạnh đó là “trách nhiệm chính trị” của các tỉnh đối với Trung ương và Thủ đô. Đi qua những năm tháng khốn khó, những ngày Hà Nội mang nốt trầm đến thiếu gạo, thiếu lương, Trường Đảng vẫn đi tiên phong trong nghiên cứu, tham mưu lý luận, tổng kết thực tiễn, sắt son cùng Hà Nội. Vượt lên trên khó khăn vất vả, niềm tin của trường Đảng với lý tưởng của Đảng, ước vọng của Bác Hồ, giá trị cao đẹp của chế độ luôn vững vàng và cùng Hà Nội, cùng cả nước vượt qua khủng hoảng, bước vào thời kỳ đổi mới.
Trong giai đoạn 1975-1986, Trường đã đào tạo được hàng vạn cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Một số học viên tiêu biểu sau này trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước như các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng...
Bước vào thời kỳ đổi mới, Tháng 7/1986, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc được đổi tên thành Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1993, Bộ Chính trị quyết định sắp xếp lại các trường Đảng Trung ương thành Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Hà Nội vững tin đi qua những thăng trầm, thắng lợi trên con đường đổi mới, trong chặng đường ấy đã có đóng góp của một trường Đảng kiên trung mà sắt son, đẹp đẽ giữa trái tim Thủ đô. Ngày 8/8/2018, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 145-QD/TW, theo đó, Học viện là một cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là một điểm mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển đối với sự phát triển của Học viện trong bối cảnh mới. Một chặng đường dài Hà Nội đã đi qua, chứng kiến những đổi thay của dân tộc, niềm tin của cả nước, giữa những tháng năm máu và hoa, từ ngày đoàn quân chiến thắng trở về, đến khi những ngõ phố đầy nước mắt và xác bom, những mùa hè thanh bình của làng lúa làng hoa, đến khi thủ đô hiện đại hòa bình… Những năm tháng ấy có một Trường Đảng đã sắt son, kiên cường, đẹp xinh cùng Hà Nội!
Hai chữ thầy cô trong truyền thống của trường Đảng vô cùng thiêng liêng. Những người chèo lái đò trong khó khăn để đưa khách qua sông, nuôi nấng vun đắp những mầm xanh tương lai, hiến dâng cho đất nước những mùa xuân thay áo mới. Thầy cô trở thành niềm tin hi vọng, là tấm gương ý chí phấn đấu cho học viên dù trong thời chiến hay thời bình cố gắng vươn lên.
Rất nhiều thầy cô đến từ hai miền Bắc, Nam tuổi thanh xuân của họ mãi mãi được ghi vào những trang tự hào nhất của sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị. Bom đạn có thể hủy diệt cả những mầm xanh, hủy diệt tuổi trẻ, khó khăn không thể làm nản lòng thầy và trò Học viện, những hạt mầm được gieo từ Học viện đã trở thành những trái ngọt hồng tươi cho cuộc đời.
Tôi hôm nay, một học viên mới của Học viện, vinh dự bước tiếp trên chặng đường đầy vẻ vang ấy. Trở về với ngôi trường của Hà Nội với lòng biết ơn sâu sắc những thế hệ thầy và trò Trường Đảng bao năm đã dệt nên một ngôi trường thật đẹp đi cùng Hà Nội mến thương./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Lê Hiệp. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |