“Giải mã” áo dài Hà Nội
Các chuyên gia cho rằng, ngoài giá trị về mặt văn hóa thì áo dài có thể sử dụng để kết nối và thúc đẩy du lịch. Trong đó, Hà Nội có nhiều yếu tố để triển khai hoạt động này.
“Giải mã” áo dài
Trước khi khép lại Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023, trưa 29/10, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Định hướng và phát triển áo dài trong cộng đồng và kết nối du lịch”. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Tiến sĩ – họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - Trưởng ngành Quản lý và Sự kiện, Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội; nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt; nhà thiết kế áo dài Quỳnh Lan và đông đảo người dân, du khách yêu áo dài Việt có mặt tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia đã “giải mã” áo dài cũng như đưa ra góc nhìn để áo dài đi vào hoạt động phát triển du lịch. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Bình cho biết, những bộ áo dài chúng ta mặc hiện nay có sự cách tân, cải tiến đó là áo dài hiện đại. Còn áo dài truyền thống được thiết kế với 5 tà, khuy cài bên phải, có tay chẽn và cổ đứng.
Một số ý kiến cho rằng áo dài có từ 2.000 năm trước, song ông Nguyễn Đức Bình khẳng định, áo dài xuất hiện theo chính sử vào năm 1744 do chúa Nguyễn Phúc Khoát muốn định chế lại việc mặc của người đàng trong khác với người đàng ngoài. “Áo dài ngũ thân được sinh ra trong bối cảnh xã hội lễ nghĩa Nho giáo, do vậy yếu tố đầu tiên là sự kín đáo, kể cả tay chẽn cũng không để lộ da thịt. Đặc biệt áo dài nữ càng phải kín đáo, điều đó tạo nên sự đặc biệt của trang phục áo dài truyền thống Việt so với các nước khác.
Khi mặc áo dài truyền thống cũng phải tính toán làm sao để có sự khiêm nhường. Ngày xưa các cụ phải mặc áo trắng, quần trắng bên trong, cả nam lẫn nữ phải có khăn vấn đầu cho tóc gọn gàng. “Áo dài xưa là trang phục khắc chế được những nhược điểm của cơ thể nam giới lẫn phụ nữ Việt. Nhiều người thường nghĩ áo dài chỉ dành cho phụ nữ nhưng không phải như vậy. Thời nhà Nguyễn, triều đình đã ra quy định nữ phải mặc theo nam, tức là áo dài nam có trước và áo dài nữ có sau. Tuy nhiên do sự thay đổi của xã hội nên áo dài nam mờ khuất, chúng ta mặc nhiều trang phục như trong sân khấu tuồng, chèo, cải lương... và bị thay đổi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, cho biết.
Tiến sĩ – họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, mặc áo dài khiến cho bản thân sẽ đẹp, trang trọng hơn khi giao tiếp với mọi người. Ngoài sự duyên dáng và nữ tính, áo dài còn thể hiện sự trang trọng, hiện nay áo dài có những điểm cách tân nhất định có thể gọi là phù hợp với đời sống hiện đại.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy lấy ví dụ, trong Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 có chương trình khiêu vũ với áo dài. Chúng ta thấy khi khiêu vũ mọi người thường mặc váy, còn bây giờ áo dài có thể nhảy cùng điệu rumba rất nhẹ nhàng và lãng mạn, vì thế áo dài được tôn lên một vẻ đẹp rất đặc biệt. “Như vậy, đôi khi chúng ta cần có những cách nhìn mới, sáng tạo mới thì có thể làm áo dài toát lên được nét đẹp văn hóa. Trong các sự kiện, đội ngũ lễ tân luôn sử dụng áo dài để thể hiện sự trân trọng với người xung quanh và các quan khách”, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, cho biết.
Hà Nội có thể sử dụng áo dài để kết nối và thúc đẩy du lịch
“Áo dài có thể trở thành sản phẩm để kết nối và du lịch được không?”. Đây là câu hỏi được đặt ra với các chuyên gia tại cuộc tọa đàm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, lợi ích đầu tiên khi chúng ta sử dụng áo dài trong kết nối và thúc đẩy du lịch đó là câu chuyện truyền thông, quảng bá. Áo dài là một yếu tố chúng ta hoàn toàn có thể giới thiệu với bạn bè thế giới về một nét đặc sắc trong trang phục của người Việt. Với Hà Nội, Tiến sĩ Thủy nêu ý tưởng Thủ đô nên có thêm những hoạt động giới thiệu về lịch sử áo dài ở những khu nhà cổ, trung tâm văn hóa tại phố cổ. Nếu Hà Nội có hoạt động này, bản thân du khách khi đến thăm cũng sẽ có cơ hội tiếp cận áo dài nhiều hơn.
Đứng về mặt đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy nhận định, áo dài hoàn toàn có thể trở thành một yếu tố để có thể phát triển. Chẳng hạn Hà Nội làm các photo tour, vì khách trong nước cũng như quốc tế giờ đây đều thích chụp ảnh, thích chia sẻ hình ảnh đẹp lên mạng xã hội. Hà Nội nếu làm các photo tour có thể kết hợp với các di sản văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám và kết hợp với các trang phục Việt cổ tới trang phục hiện đại. Tour này không phải kiểu “đánh nhanh rút gọn”. Bởi nếu một người muốn chụp bộ trang phục Việt từ khi hình thành cho tới hiện nay, người ta có thể thực hiện vài ngày.
Với những khách muốn nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về áo dài thì Hà Nội có thể mở hoạt động creative tour, tức là các sản phẩm du lịch sáng tạo kết nối với các làng nghề, hướng dẫn du khách hiểu biết và có thể tham gia làm được một phần của sản phẩm áo dài. Trong toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm áo dài có nhiều công đoạn như làm vải, may, đính khuy, đính cườm… Một du khách được tham gia vào công đoạn nhuộm lụa, sau khi tự tay họ nhuộm xong sẽ phải chờ vài ngày sau mới lấy được sản phẩm hoàn chỉnh. Thời gian chờ đợi, du khách có thể đi Hạ Long, Ninh Bình rồi quay lại lấy sản phẩm, khi ấy chắc chắn du khách sẽ gìn giữ sản phẩm rất lâu vì sản phẩm do chính tay họ đã tham gia.
“Bản chất sản phẩm du lịch sáng tạo là du khách được tham gia làm nên một sản phẩm. Đồ handmade bao giờ cũng rất có giá, người sử dụng sẽ rất thích lưu giữ và về còn khoe với người thân. Khi người ta khoe việc đã tạo ra sản phẩm như thế nào với bố mẹ, anh chị, bạn hữu thì khi du lịch Việt Nam, đến Hà Nội, du khách sẽ trải nghiệm làm sản phẩm. Như vậy tính lan tỏa trong cộng đồng rất cao”, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, phân tích.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Bình lại cho biết, chúng ta có thương hiệu “Hà Nội thanh lịch, văn minh”, trong đó áo dài cũng là một bộ phần cấu thành sự “thanh lịch, văn minh” ấy bên cạnh nghi lễ, cách ứng xử. Tôi nghĩ Hà Nội có tiềm năng rất lớn đối với việc phát triển thương hiệu áo dài. Hà Nội có vị thế quan trọng là chiếm lĩnh một số làng nghề dệt, may. Hà Nội cũng là nơi sáng tạo, chính bản thân họa sĩ Cát Tường cũng là người Hà Nội. Vì vậy sức sáng tạo, lan tỏa truyền thống, mong mỏi của du khách đến với Hà Nội về áo dài thì Hà Nội có thể đáp ứng được” - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Bình, nêu góc nhìn./.