Văn hóa – Di sản

Di sản Tết Cá của người Tày

Văn Thiện 15:17 29/10/2023

Đây là phong tục đặc sắc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Cư dân Tày ở xã Mậu Duệ tổ chức tết cá vào ngày 9.9 âm lịch để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cũng là để tưởng nhớ đến công lao người đã mang tới cho cư dân Tày nơi đây nghề trồng lúa nước.

"Tháng 10 có cơm mới, tháng 9 có lúa mới, xôi nếp phải kèm cá nướng, cơm mới phải có cá đồ măng", đó là câu đồng dao từ bao đời nay của người Tày ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang về Tết cá hay còn gọi là Tết Khẩu Ràng (Tết cơm mới).

Tết cá hay còn gọi là Tết Khẩu Ràng, chủ thể của di sản là cộng đồng người Tày sinh sống trên địa bàn xã Mậu Duệ (Yên Minh). Các cụ cao tuổi kể câu chuyện lưu truyền rằng: Ngày xưa, hai thủ lĩnh người Tày là Nguyễn Viễn Rịch và Nguyễn Viễn Quang đưa họ hàng cùng bà con người Tày đến xã Mậu Duệ khai phá, sinh sống tại các thung lũng cạnh các dòng sông, khe suối.

Họ canh tác hiệu quả trên ruộng đồng và sáng tạo ra việc thả cá Chép vào ruộng lúa, nhờ năng suất cao, cách làm này càng được nhân rộng. Từ sản vật đặc biệt của đồng ruộng, hàng năm người dân tổ chức lễ hội ăn mừng, dâng lễ vật để cúng tổ tiên.

Cá được người dân tháo và bắt ở ruộng về từ ngày mùng 7 hoặc muộn nhất là sáng mùng 8. Không khí ngày tết bắt đầu khi cá được bắt về. Trẻ con được bố mẹ chuẩn bị đồ chơi tết rất đặc biệt, họ bắt những con cá nhỏ, xâu dây vào miệng, làm những bè nhỏ bằng cây chít rồi buộc cá vào.

dac_sac_3_20231023144038.jpg
Hấp dẫn phần thi đua cá tại Tết Cá của người Tày (ảnh: báo Hà Giang)

Sau đó được lũ trẻ mang xuống thả ở những dòng suối nhỏ quanh bản làng, chúng thi xem con nào kéo khỏe hơn, sau khi chơi xong chúng lại mang những con cá này về đưa bố mẹ nướng cho ăn, theo quan niệm của họ những con cá kéo bè khỏe mang nướng cho trẻ con ăn nó sẽ khỏe người và hay ăn chóng lớn.

Các món được chế biến từ cá khá phong phú và đa dạng, theo quan niệm truyền thống là phải chế biến cho được 12 món trong đó có các món như: Cá nướng (pẻ pình); cá đồ măng chua (pẻ moọc); gỏi (pẻ xả); ruột đồ hạt kê (khẩu phạng); cá nấu canh măng chua (bung); nhân bánh chưng. Ngoài ra, còn có một số món như cá rán, cá nấu canh quả trám… rất ngon và hấp dẫn.

Ngày mùng 9 là ngày chính của “tết Cá”, hầu như tất cả các gia đình người Tày thường ăn tết bắt đầu từ trưa. Sau khi các món ăn được chế biến xong, trước bữa ăn bao giờ cũng phải làm lễ cúng, người cúng là người đàn ông trụ cột trong gia đình, các món cúng bao giờ cũng có 2 món chính là cá nướng lá gừng (pẻ pình) và cá nấu canh măng chua (pẻ moọc).

Năm 2020, các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội tết cá của người Tày ở Yên Minh gồm: Phần lễ với các hoạt động văn nghệ dân gian; phần hội với các phần thi: Đua cá, bắt cá bằng tay, chọc mật cá, chế biến món ẩm thực từ cá; trưng bày sản phẩm nông nghiệp của địa phương, các sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào Tày. Việc tổ chức lễ hội tết cá nhằm thúc đẩy người dân hăng say lao động, sản xuất, khuyến khích phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cùng với đó, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Tết cá của đồng bào dân tộc Tày huyện Yên Minh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016./.

Văn Thiện