Hoạt động hội

Tọa đàm “Thú chơi hoa và cây cảnh của người Việt xưa”

Yến Ly 27/10/2023 20:08

Sáng ngày 27/10, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian đã tổ chức buổi tọa đàm “Thú chơi hoa và cây cảnh của người Việt xưa” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong Hội.

Thú chơi hoa và cây cảnh là một nét văn hóa lâu đời của dân tộc ta, trong đó thể hiện thái độ sống, sự hài hòa, yêu quý và trân trọng thiên nhiên. Từ thời xưa, thú chơi này càng tinh tế, càng tỉ mỉ trong những gia đình giàu có hoặc bậc trung lưu trở lên. Còn đối với tầng lớp bình dân, thái độ đối với việc trồng và chăm sóc cây cối trong không gian làng quê vẫn lưu truyền qua câu “trước cau, sau chuối”...

Theo ThS. Hoàng Thị Mai Hương (Viện Hán Nôm), trong tiêu chí dành cho một căn nhà lý tưởng của người Việt xưa phải có đủ tứ tuyệt (nhất mộc, nhì vân, tam nhân, tứ thú) thì “mộc” (cây) được xếp lên hàng đầu. Trong không gian nhà vườn của làng quê xưa, có không ít gia đình bình dân đã chơi hoa, chơi cây cảnh bằng cách cắt tỉa, tạo dáng cây ngay ở những bờ dậu, hàng rào và các cây trồng khác trong vườn. Có thể nói, thú chơi này chỉ khác nhau về độ tỉ mỉ và loại cây chứ không hoàn toàn phân biệt người chơi. Và những người chơi hoa sẽ thuận theo từng mùa mà vui thú (tứ quý: địa lan xuân, sen hạ, thu cúc, đào đông); sẽ để ý đến cốt cách từng loài cây mà chăm chút cho phù hợp (tứ quân tử: mai, sen, cúc, trúc tre).

0000.jpg
ThS. Hoàng Thị Mai Hương chia sẻ tại tọa đàm.

“Người phương Tây chơi cây hoa cành chú trọng đến màu sắc, hình dáng của hoa thì người phương Đông lại thích bởi chất và đường nét của chúng. Phương Tây lấy sắc thắm của hoa hồng tiêu biểu cho sắc đẹp, bách hợp tượng trưng cho sự thuần khiết, violet cho tình yêu chung thủy. Phương Đông lại quý hoa sen bởi tính quân tử, hoa mai bởi sự kiên trì ẩn dật, hoa cúc bởi sự thủy chung. Vì vậy, chơi hoa là làm bạn với đức tính của hoa, cũng chính là đức tính của người chơi hoa phương Đông”, ThS. Hoàng Thị Mai Hương chia sẻ.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Cũng theo ThS. Hoàng Thị Mai Hương thì trong cách chơi cây thế, người chơi chú trọng tới cây sanh (một trong tứ linh: đa, sung, sanh, si) và cây quất. Sanh thuộc loại cây thân gỗ, có khả năng chịu đựng nắng mưa mà vẫn tươi tốt. Nhưng làm sao để cây có thế đẹp thì rất cần những chăm chút khéo léo với tính thẩm mỹ cao. Trong thú chơi hoa, sự tinh tế tỉ mỉ được đánh giá cao ở cách chơi đào, thủy tiên và cúc. Để đào và thủy tiên nở hoa đúng dịp, đúng tiết là cả một quá trình chăm sóc lâu dài. Tưởng rằng cúc có phần đơn giản hơn trong khâu chăm sóc và trong cách chơi nhưng thực tế không hẳn. Chẳng phải vô cớ mà giới quý tộc xưa vẫn xem hoa cúc tượng trưng cho sự sang trọng, là một trong những biểu tượng của hoàng gia…

Bàn về thú chơi hoa và cây cảnh ngày nay, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong bối cảnh hiện đại, việc chơi hoa cũng đã có nhiều thay đổi. Người chơi hoa cũng cần phải bắt kịp các xu hướng, biết tận dụng các chất liệu hoa và lá, biết phối màu phù hợp với văn hóa trong từng bối cảnh/ tình huống phù hợp…

nguyen-manh-hung.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Thú chơi hoa và cây cảnh của người Việt xưa đến nay vẫn được duy trì và phát triển mạnh mẽ và bắt nhịp với những đổi thay của thời đại trong từng đợt giao thoa văn hóa. Điều đó được minh chứng bằng sự nở rộ của các làng nghề trồng hoa và cây cảnh như Nhật Tân, Tây Tựu, Vân Tảo, Hồng Vân,... cùng với các hội thi hoa - cây cảnh thường kỳ.

Là nghệ nhân cắm hoa phục vụ các dịp khánh tiết trong Phủ Chủ tịch, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, “trong các dịp khánh tiết, đón khách nước ngoài, khi cắm hoa để trưng bày cũng như để tặng khách, có thể dùng hoa nội hoặc hoa ngoại nhập nhưng có khoảng 70 - 80% là hoa nội địa. Một điều quan trọng mà chúng tôi luôn để ý là dùng hoa gì để phù hợp với văn hóa của đất nước đó. Có thể cắm hoa phối theo sở thích hoặc màu cờ của đất nước họ. Hoặc ví dụ như đối với người Việt ta, hoa huệ chỉ dùng dâng lên chùa hoặc để thắp hương người đã khuất. Nhưng với người Pháp, họ lại thường dùng hoa này trong các dịp cưới hoặc sinh nhật, bởi đối với họ, những bông hoa trên nhành huệ như một sự tiếp nối mãi của sự mở rộng, vươn lên…”./.

Yến Ly