Góc nhìn

Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim - nhìn từ "Đất rừng phương Nam"

Quỳnh Chi 27/10/2023 21:31

Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu.

1. Theo trang thống kê phòng vé độc lập phim Việt – Box Office Vietnam, tính đến hết ngày 26/10/2023, phim điện ảnh Đất rừng phương Nam đã đạt doanh thu hơn 111 tỷ đồng. Như vậy, sau 10 ngày công chiếu chính thức trên hệ thống rạp toàn quốc (tối 16/10), tính đến hiện tại, bộ phim của đạo diễn Dũng “khùng” dựa trên tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi lọt top 3 phim điện ảnh có doanh thu cao nhất trong năm 2023.

dat-phuong-nam.png
Tính đến hết ngày 26/10/2023, phim điện ảnh Đất rừng phương Nam đạt doanh thu hơn 111 tỷ đồng, theo trang thống kê phòng vé độc lập phim Việt – Box Office Vietnam. (Ảnh chụp màn hình).

Doanh thu phim Đất rừng phương Nam hiện chỉ kém hơn 2 tác phẩm đã công chiếu dịp đầu năm nay là Nhà bà Nữ (đạo diễn Trấn Thành) với 458 tỷ đồng và Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh (đạo diễn Lý Hải) doanh thu 272 tỷ đồng. Với việc được ưu tiên chiếu vào các khung giờ vàng cùng tần suất dày đặc ở các rạp, thời gian trụ rạp khoảng một tháng (hoặc hơn), Đất rừng phương Nam có thể sẽ "bùng nổ" doanh thu. Có thể nói, việc đạt doanh thu hơn 100 tỷ sau hơn 10 ngày ra rạp của Đất rừng phương Nam là một thành công đối với nhà sản xuất, ít nhiều tạo động lực cho các nhà làm phim cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa để góp phần phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Tuy nhiên, doanh thu trăm tỷ không đồng nghĩa với việc chất lượng, nội dung phim Đất rừng phương Nam đã làm thỏa mãn hầu hết khán giả. Trên thực tế, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trước khi chính thức ra rạp đã vấp phải một số ý kiến phản biện từ giới phê bình điện ảnh lẫn khán giả về yếu tố lịch sử, xây dựng hình tượng nhân vật. Ngay sau đó, nhà sản xuất đã chủ động xin phép Hội đồng duyệt phim Quốc gia cho bỏ tên Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn ra khỏi các lời thoại, thay bằng tên Chính Nghĩa hội và Nam Hòa đoàn tại bản điện ảnh hoàn chỉnh Đất rừng phương Nam.

Dù sao cũng phải thừa nhận, nhà sản xuất cũng như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã biết lắng nghe, tôn trọng các ý kiến phản hồi của công chúng, giới chuyên môn để Đất rừng phương Nam có nội dung tốt hơn, nhất là không để những tranh luận về lịch sử nổ ra và kéo dài. Bản điện ảnh lần này có thể còn một số hạn chế, qua đó sẽ giúp ê-kíp rút kinh nghiệm, đầu tư hơn để những phần tiếp theo Đất rừng phương Nam chất lượng hơn.

2. Nếu so doanh thu của Đất rừng phương Nam với các phim điện ảnh được chuyển thể/dựa theo tác phẩm văn học đã từng được thực hiện, chiếu rạp trước đó tại Việt Nam, thì bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn thắng lớn.

mat-biec.jpg
Mắt biếc chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đến nay, đây là phim điện ảnh chuyển thể văn học có doanh thu cao nhất ở nước ta (180 tỉ đồng).

Đạo diễn Victor Vũ là người “chăm” làm phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học nhất. Phim Thiên mệnh anh hùng do Victor Vũ đạo diễn, dựa theo tiểu thuyết “Bức huyết thư” của nhà văn Bùi Anh Tấn, mang màu sắc cổ trang mới lạ. Phim ra rạp thu về hơn 16 tỷ đồng, nhà sản xuất sau đó cho biết Thiên mệnh anh hùng lỗ vốn khoảng… 17 tỷ. Sau đó, nam đạo diễn Việt kiều làm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thu về 78 tỷ đồng. Dự án điện ảnh chuyển thể văn học có doanh thu cao nhất của đạo diễn Victor Vũ chính là Mắt biếc với 180 tỉ đồng. Mắt biếc được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên phát hành năm 1990 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Đất rừng phương Nam may mắn hơn cả phim điện ảnh Cậu Vàng (đạo diễn Trần Vũ Thủy), lấy cảm hứng từ nhiều truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Cậu Vàng chỉ có 3 tỷ đồng doanh thu và nhận nhiều lời chê bai về kịch bản lẫn kỹ thuật, phải âm thầm rút khỏi rạp. Một dự án điện ảnh được quảng bá rầm rộ là Kiều của nhà sản xuất Mai Thu Huyền, lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Kiều bản điện ảnh thất bại nặng nề khi thu về gần 3 tỷ đồng sau 3 tuần công chiếu, rút khỏi rạp so với dự định và chuyển sang chiếu online. Phim điện ảnh Kiều bị khán giả chê nhiều vì kịch bản kém, phần diễn xuất cũng chưa đủ tốt, nội dung phim nhạt nhòa, cũ kỹ.

3. Hầu hết các phim điện ảnh ảnh chuyển thể/dựa theo tác phẩm văn học khi ra rạp, dù doanh thu cao hay thấp đều có điểm chung bị “soi” rất kỹ, khó thỏa mãn được đa số người xem. Kể cả thành công như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh Đất rừng phương Nam với doanh thu trăm tỷ thời điểm hiện tại cũng có nhiều ý kiến, đánh giá trái chiều.

dat-pnam-2.jpg
Cảnh trong phim Đất rừng phương Nam.

Lịch sử điện ảnh thế giới đã tổng kết và đưa ra 3 hình thức chuyển thể từ tác phẩm văn học cơ bản nhất: chuyển thể trung thành với nguyên tác, chuyển thể không theo sát nguyên tác, và chuyển thể dung hòa hai hình thức trên. Có thể các phim tại Việt Nam thường chuyển thể theo hai hình thức đầu tiên, nên khi khán giả xem phim không như tác phẩm văn học đã được đọc nên thất vọng ?!

Nếu xem một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học và đem so sánh 2 tác phẩm với nhau, rất khó có phim “đạt chuẩn” với khán giả. Tác phẩm văn học đưa đến thế giới nghệ thuật và thế giới ấy tồn tại trong tư duy, tưởng tượng của người đọc. Nhưng khi thế giới đó được đưa vào phim thì không gian, thời gian, nhân vật… trở nên trực quan, sinh động, có thể khác so với tưởng tượng của người đọc trước đây.

Từ sự giống và khác nhau, công chúng có thể đưa ra đánh giá tác phẩm điện ảnh trung thành hoặc không trung thành so với nguyên tác, rồi theo cảm quan có thể đánh giá phim hay/không hay, nên xem hoặc không xem. Nhưng các phim kể trên ở nước ta, dễ dàng nhận thấy không tác phẩm nào chuyển thể theo sát từng chi tiết của cốt truyện, dựng tỉ mỉ từng nét của nhân vật trong tác phẩm văn học.

Thực tế, mỗi tác phẩm ở mỗi loại hình nghệ thuật đều có đời sống riêng và cần có những dấu ấn sáng tạo riêng./.

Quỳnh Chi