Tác giả - tác phẩm

Ấn tượng Đoàn Văn Mật

Nhà thơ Bùi Việt Phương 27/10/2023 07:56

Lần đầu gặp Mật thấy anh thật dễ gần, giọng nói ấm áp của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Có lẽ do đều còn trẻ, nên chúng tôi dễ dàng kết nối và chia sẻ với nhau. Sau lần gặp đó, tôi cảm nhận Đoàn Văn Mật là một người không ồn ào và kĩ lưỡng qua từng câu chữ.

1. Vào khoảng năm 2006, khi đang học cao học, một lần tôi cùng Nguyễn Quang Hưng, Trần Trọng Dương, Nguyễn Quốc Khánh, Đỗ Anh Vũ… sang dự ngày thơ Việt Nam của Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Lúc ấy, Đoàn Văn Mật đang là sinh viên khóa 8.

doan-van-mat.jpg
Nhà thơ Đoàn Văn Mật.

Lần đầu gặp Mật thấy anh thật dễ gần, giọng nói ấm áp của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Có lẽ do đều còn trẻ, nên chúng tôi dễ dàng kết nối và chia sẻ với nhau. Sau lần gặp đó, tôi cảm nhận Đoàn Văn Mật là một người không ồn ào và kĩ lưỡng qua từng câu chữ. Dù tự ngẫm ngợi thơ anh viết hay nghe anh đọc trực tiếp đều thấy chứa chất bên trong nội lực của người viết có bài bản và đam mê văn chương. Sau bấy nhiêu năm đi làm, được tiếp xúc với các nhà văn, các nghệ sĩ và cũng tập tọng sáng tác, tôi càng thấm thía câu nói của nhà văn Nam Cao: “Sống đã rồi hãy viết”. Người nghệ sĩ có tài năng thực sự sẽ không cố sống khác thường mà hòa mình vào đời sống mưu sinh, mà lặn sâu xuống những mạch ngầm để tìm ra quy luật. Đoàn Văn Mật thuộc về cách sống ấy…

Bẵng đi chừng mươi năm, tôi phải xa Hà Nội nên ít có dịp gặp lại anh và nhiều bạn bè cùng trang lứa nhưng đọc vẫn thấy thơ của Đoàn Văn Mật trên các báo, tạp chí lúc này mới thực sự “bùng nổ”. Bắt đầu từ tập “Giữa hai chiều thời gian” (Nxb Hội Nhà văn, 2007), đến “Bóng người trước mặt” (Nxb Hội Nhà văn 2013), “Sóng trầm biển dựng”(Nxb Lao động, 2018) rồi đến các giải thưởng thơ của báo Áo trắng và Tuổi trẻ, 2008, Giải thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội, 2009 - 2010, của Bộ Quốc phòng… Anh sống và viết không vội vã, không cố gồng mình lên để viết, không cực đoan cô đơn hay tự biệt lập mình mà có sự chuyển động biện chứng từ trong thế giới tâm hồn, đồng nhất với thân phận của riêng mình.

Nhưng, nói về Đoàn Văn Mật mà chỉ phác họa mình anh thì chưa đủ. Anh còn có “một nửa” rất đặc biệt để trở thành đặc sắc - đó là nhà thơ Lữ Mai. Thời nay, khó tìm đâu ra được một người ngày ngày làm thơ chỉ để yêu hơn nàng thơ hằng ngày vẫn miệt mài lo toan giữ lửa cho tổ ấm của mình.

Nếu như trước đây không khó để kể tên những cặp uyên văn chương như các nhà văn: Chế Lan Viên - Vũ Thị Thường; Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ; Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ; Nguyễn Thị Hồng - Hoàng Quốc Hải… thì đến thời chúng tôi lại khá hiếm. Bởi lẽ, không phải trái tim của cô gái nào cũng đủ bao dung, điềm đạm để chứa chấp được một tâm hồn thi sĩ đầy biến động. Nhà thơ Lữ Mai chính là “hồng nhan tri kỷ” của Đoàn Văn Mật. Ở Mai vừa có sự tinh tế quyết liệt của người cầm bút, vừa có sự dịu dàng và lo toan để tạo nên một nửa duy nhất và hoàn hảo nhất cho Đoàn Văn Mật. Tôi ít được nhìn hai người đi bên nhau, cũng không biết nhiều về những năm tháng đắm say trong men tình yêu của họ nhưng khi đọc đã thấy niềm hạnh phúc ấy trong câu thơ anh viết trong ngày cưới:

Mình yêu nhau trời xanh cũng phải lòng

mình yêu nhau bước ra ngoài khoảng trống…

mình yêu nhau em có thấy không?

ngày thôi lạnh gọi chim về tổ ấm

(Ngày cưới)

2. Đầu xuân năm 2020, tôi và Đoàn Văn Mật được gặp nhau trong chuyến đi lên một xã vùng cao của tỉnh Hòa Bình. Mùa xuân, trời còn se lạnh, nâng chén rượu men nồng, cùng ngắm nhìn đỉnh núi Khụ Mụ phía xa và đàm đạo chuyện của những người đàn ông lúc này đã ngoài bốn mươi. Những “nguyên mẫu” lúc này đều bay biến đi đâu hết cả. Giờ đây, mọi ý nghĩ đã điềm đạm, sâu sắc hơn, tôi càng thấy bạn mình say đắm một men tình yêu mới: men say của hạnh phúc gia đình: “mình đi lạc trong nhau/ đi lạc cả một trời thương nhớ” (Vẽ). Lúc này chúng tôi mới có thời gian trò chuyện về cái thời tuổi trẻ đã ở lại phía sau lưng. Đường núi gập ghềnh, không khí trong lành, làng Mường ở độ cao tám trăm mét so với mực nước biển dành cho chúng tôi một không gian thơ mộng.

anh-tp-cua-doan-van-mat.jpg
Một số tác phẩm của nhà thơ Đoàn Văn Mật.

Hóa ra, suốt bao ngày bận rộn với công việc thơ ca, báo chí ở nhà số 4 (Tạp chí Văn nghệ quân đội) nhưng khi rút chân ra khỏi gầm bàn, xách ba lô lên và đến với núi, anh lại mau chóng tìm thấy những cảm xúc, nhận ra được những điểm mới mẻ mà bao người viết vẫn chưa nhìn thấy: “một ngày tìm tới thăm thẳm núi/ cây hóa vọng phu đứng trông người/tôi thấy bóng tôi và bóng nắng/ tự tại trong nhau suốt một đời”-(Một chiều ly cách).

Tôi chưa được đến ngôi nhà ấm áp của Đoàn Văn Mật - Lữ Mai và cháu Đoàn Lữ Thụy Phương nhưng vì hay theo dõi trang cá nhân của hai người nên biết Mật sưu tập được rất nhiều đồng hồ. Không biết mỗi ngày anh phải dành bao nhiêu thời gian để chỉnh giờ, để bảo dưỡng từng chiếc nhưng điều chắc chắn là thi sĩ này phải quý thời gian lắm. Cách yêu thời gian của anh không khề khà hoài niệm, không gấp gáp vội tận hưởng mà tự tạo ra tiết tấu lạ cho thơ mình như một cách nhận thức lại thời gian. Tiết tấu ấy tạo ra chất giọng riêng cho thơ Đoàn Văn Mật như nói chuyện không khoa trương, triết lý mà đơn giản, thành thực từng câu, từng chữ của anh: “Đất nước ngàn năm vang những nốt trầm/ đàn bầu não lòng/ mõ, phách chiêu hồn/tình tang trống cơm, trống đế/réo rắt đàn nhị/đêm đêm tiếng nguyệt vọng về” (Đất nước bè trầm). Có lẽ, thi sĩ họ Đoàn muốn người đọc phải thật sự chú tâm, cùng sống và cảm nhận với trường nghĩa của mình thay vì người viết chỉ đơn thuần trình diễn nghệ thuật sử dụng con chữ.

Qua năm tháng, tôi nhận ra sáng tạo trước hết là thành thật với mình. Với lứa Canh Thân, những người sinh năm 1980 chúng tôi những ấn tượng, ám ảnh hồi quang của chiến tranh rồi những bước chuyển của xã hội từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường đã để lại dấu ấn trong suy nghĩ và cách viết. Dù được gọi là thế hệ 8X hay thế hệ Y hay tên gọi nào đi nữa thì bản thân mỗi người vẫn nhận ra cảnh huống của mình mà từ tốn, bình thản chọn cách sáng tạo.

3. Một ngày tháng Bảy, tôi nhận được tập thơ mới nhất Đoàn Văn Mật gửi tặng có tên là “Ngoài mây trời đầy trống vắng” với gần 60 bài thơ được chia làm 5 phần. Trong tập này đa phần là các bài có biên độ ngắn, câu chữ không cầu kì nhưng vẫn tự tìm ra độc giả hiểu mình. Thơ anh không quá siêu thực mà vẫn có một độ khó ngay trong chữ, như khi anh ngắm người vợ trong giấc ngủ (chỉ giấc mơ là thành thực với mình - Lúc này), như khi anh tự ngắm lại mình (Anh đứng từ xa/ Anh ngóng từ xa/ Chớp xuống thấy bóng mình đơn lẻ - Bóng). Sự thú vị đến từ những phát hiện mới từ cũ kĩ, nhận ra cái lạ trong sự quen, nhận ra vẻ đẹp để định vị lại bản thân trong sự chảy trôi thường nhật vào quên lãng: “Kêu chi hoài bìm bịp/ Kêu chi hoài cuốc cuốc/ Núi lơ mơ nghễu nghệt đứng so trời/ Chùm hoa kia ơi/ Vì ai mà thơm thế/ Những sắc hương là ngụ ý của lời”.

Viết về Đoàn Văn Mật tưởng dễ mà khó. Con người thi ca của anh thì xin dành cho các độc giả hâm mộ, con người đời thực của anh thì chỉ có nữ sĩ - nàng thơ của xứ Thanh thấu tỏ. Còn với góc nhìn của những người bạn đồng niên, cùng lãng đãng trong thế giới của cảm xúc và câu từ như chúng tôi, Đoàn Văn Mật là một người làm thơ tự tại, không bị câu thúc bởi danh tiếng, bởi phải đổi mới hay cần hoài cổ. Anh cứ viết như thể một dòng sông vẫn điềm nhiên trôi nhưng đã tự mới hơn trong chính tâm hồn mình…

Nhà thơ Bùi Việt Phương