Văn hóa – Di sản

Khuông Việt Ngô Chân Lưu – đại sư không phò nước Việt

Nguyễn Hữu Sơn 24/10/2023 10:42

Đại sư Khuông Việt (933 - 22.3.1011), còn có tên là Ngô Chân Lưu, người hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ học sách Nho, sau theo thiền sư Vân Phong học đạo Phật ở chùa Khai Quốc trong thành Đại La rồi trở thành môn đệ thế hệ thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông. Theo sách Phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông là con cả của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập, anh của sứ quân Ngô Xương Xí. Sách Thiền uyển tập anh ghi chép khá chi tiết về cuộc đời ông. Đến năm 40 tuổi, Ngô Chân Lưu đã là người tinh thông Phật học, được vua Đinh Tiên Hoàng trao chức Tăng thống và ban hiệu Khuông Việt Đại sư. Dưới triều vua Lê Đại Hành, ông luôn được coi trọng, nhiều lần được mời vào cung bàn việc nước.

dai-su-khuong-chan-luu.jpg
Khuông Việt Ngô Chân Lưu.

Sách Thiền uyển tập anh chép:

“Dưới triều vua Lê Đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự. Sư thường đi chơi ở núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ, thích nơi đây cảnh trí đẹp, thanh u, muốn dựng am để ở. Ban đêm sư chiêm bao thấy thần nhân mặc áo giáp vàng, tay phải đỡ ngọn bảo tháp, theo sau có hơn chục tên quân hầu dáng mạo hung dữ. Vị thần bảo sư rằng: “Ta là Tì-sa-môn Thiên vương, quân hầu theo ta đây đều là bọn quỷ Dạ xoa. Thiên đế có sắc chỉ sai ta đến nước này giữ cương giới để cho Phật pháp được hưng thịnh. Ta có duyên với người nên đến đây để nhờ cậy”. Sư giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng gào thét thì lấy làm lạ. Khi trời sáng, sư vào núi thấy một cây cổ thụ cao chừng mười trượng, cành lá xum xuê tươi tốt, phía trên có đám mây lành che bóng. Sư nhân đó thuê thợ đốn cây ấy lấy gỗ tục tượng thần theo đúng như đã thấy trong mộng để thờ phụng,

Năm Thiên Phúc thứ nhất (980), quân Tống sang xâm lược nước ta. Trước đó, vua đã biết chuyện này, bèn sai sư đến đền cầu đảo xin thần phù hộ, Quân giặc kinh sợ lui về giữ sông Hữu Ninh. Đến đây, bọn chúng lại thấy sóng gió nổi lên ùn ùn, giao long nhảy tung trên mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy" (Bản dịch, 1990)...

Vấn đề đặt ra ở đây là môtip nhân vật "thần nhân mặc áo giáp vùng” có nguồn gốc từ đâu mà lại xuất hiện được trong giấc mơ của Đại sư Khuông Việt? Điều gợi mở trước hết từ trong chính văn bản là vị "thần nhân mặc áo giáp vàng" này đã tự giới thiệu mình chính là Tì-sa-môn Thiên vương, Tóm tắt theo Từ điển Phật học Hán Việt thì Tì-sa-môn Thiên vương (Vaisravana) có nguồn gốc xa xưa từ Ấn giáo, thần thoại và Phật giáo Ấn Độ: “Đạo Bà-la-môn cổ gọi là Thần tài. Vị thần này trụ trì ở phía Bắc núi Tu-di, coi giữ mạn Bắc Diêm-phù-đề, cai quản về của cải tài sản, còn là vị thiện thần hộ trì Phật pháp”; “Còn gọi là Đa-văn-thiên, là một trong 4 vị Thiên vương hộ thế, là vị thiên thần hộ pháp kiêm bố thí phúc trong Phật giáo... Hình tượng có nhiều loại. Tượng của Thai tạng giới Mạn-đồ-la thì mặc áo giáp, đội mũ trụ, tay trái cầm cây tháp, tay phải cầm gậy báu. Thường là tượng ngồi và tương truyền còn có cả tượng đứng” (1994)...

Cho đến nay nhìn lại có thể khẳng định đã có cả một quá trình tìm hiểu về Tì-sa-môn Thiên vương trong bối cảnh văn hóa - văn học dân gian, cụ thể hơn là mối liên hệ với truyện Ông Dóng và hình ảnh giấc mơ của Khuông Việt. Trong công trình Người anh hùng làng Đông, Cao Huy Đỉnh đã lý giải khả năng trầm tích yếu tố folklore (cùng với nhân vật ông Hống ông Hát): “Trong Việt điện u linh (phần tục biên), sau khi nói đến truyện thần núi Vệ Linh là Tì-sa-môn, vì âm phù cho Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống, nên được vua này phong cho là Sóc Thiên Vương (Chú ý: có truyền thuyết nói rằng vị thần phù âm đó là anh em ông Hống ông Hát cũng là hai anh em sinh đôi từ trong cùng một bọc đã theo Triệu Quang Phục sau này - xem Thiên Nam vân lục liệt truyện), tác giả kể lại một truyền thuyết dân gian về một em bé anh hùng giống như truyện Ông Dóng, nhưng trong đó không có một tên riêng nào khác ngoài Sóc Sơn và Sóc Thiên Vương. Có lẽ đây là tiền thân của truyện Ông Dóng” (1969)... Đồng thời, khi viết giáo trình văn học sử và tìm hiểu mối quan hệ Tì-sa-môn Thiên vương và Sóc Thiên vương - Thánh Dóng - Phù Đổng Thiên vương, Đinh Gia Khánh đã đi đến kết luận: “Ở đây có chi tiết liên quan đến Sóc Thiên vương, tức Thánh Dóng. Thánh Dóng hiện ra dưới hình thức Tì-sa-môn Thiên vương chỉ huy đạo quân Dạ-thoa. Rõ ràng là Thiền uyển tập anh đã phản ánh việc các thiền sư đem Phật giáo hóa truyền thuyết dân gian” (1978)... Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ qua một dẫn chứng tiêu biểu này cũng thấy rõ khả năng tích hợp các yếu tố folklore ở truyện về Đại sư Khuông Việt trong tác phẩm Thiền uyển tập anh là một thực tế, biểu hiện chiều sâu văn hoá dân tộc và có tầm quan trọng đến như thế nào. Qua chiều dài thời gian, các thế hệ nhà nghiên cứu đã nỗ lực góp công kiếm tìm, giải mã câu chuyện “giấc mơ Khuông Việt”, giúp cho vấn đề ngày càng trở nên hấp dẫn và sáng tỏ hơn...

Năm 986, Khuông Việt được cử cùng sư Đỗ Pháp Thuận tiếp đón và bàn luận thi ca với Lý Giác, sứ giả nhà Tống. Khi Lý Giác ra về, Đại sư Khuông Việt có tặng Lý Giác một bài từ theo điệu Nguyễn lang qui (còn gọi Vương lang qui):

Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,

Dao vọng thần tiên phục để hương.

Thiên trùng vạn lí thiệp thương lang,

Cửu thiên quy lộ trường.

Tình thảm thiết,

Đối li trường,

Phan luyến sứ tinh lang

Nguyện tương thâm ý vị Nam cương,

Phân minh báo ngã hoàng.

Bùi Duy Tân dịch thơ:

Gió xuân đầm ấm cánh buồm giương,

Xa ngóng thần tiên lại để hương.

Muôn dặm sóng xanh vượt trùng dương,

Trời xa về đường trường!

Tình thảm thiết,

Chén đưa đường,

Vin xe sứ giả vấn vương!

Xin đem thâm ý vì Nam cương,

Tâu rõ cùng thánh hoàng.

Bốn câu mở đầu bài từ thiên về phác họa cảnh sắc thiên nhiên, gợi tả không khí, hoàn cảnh cuộc chia ly. Đó là cuộc tiễn đưa của tác giả với sứ nhà Tống là Lý Giác vừa với tư cách tiễn biệt một nhà ngoại giao của thiên triều, vừa với tư cách chia tay một người bạn thông hiểu lẫn nhau. Không gian nơi đây được gợi tả mang đầy tính biểu tượng, lễ nghi trang trọng với nắng gió tốt lành, cánh buồm gấm, bể xanh, non nước muôn trùng. Đến những câu tiếp theo, tác giả sử dụng lối nói ngoa ngữ, khoa trương - một lối diễn đạt từ trương bóng bảy để nói về tình cảm lưu luyến nhớ thương: Tình thảm thiết – Chén đưa đường... Cho đến câu thơ Phan luyến sứ tinh lang thì đây là lần thứ hai tác giả đưa Lý Giác lên tới đỉnh cao của niềm hãnh diện, tự hào, thỏa mãn, coi Lý Giác như một sứ giả tài ba.

Đặt ý tứ chủ đạo vào đôi câu kết của bài từ, Đại sư Khuông Việt khéo léo thể hiện mọi ý đồ của mình trong có 12 chữ. Thứ nhất, tiếp tục đề cao vai trò cá nhân Lý Giác, tác giả nhấn mạnh sứ giả chính là sợi dây nối nước Nam với triều đình nhà Tống. Điều này vừa làm thỏa mãn tâm lý sứ giả thiên triều nhưng đồng thời lại chính là cái bẫy vô hình giăng chờ Lý Giác. Bởi lẽ, nếu sứ giả muốn xứng đáng với lời tôn xưng cao quí kia thì phải về tâu bày các vấn đề biên cương theo đúng những điều hai bên đã cam kết, thỏa thuận. Còn nếu làm khác đi thì chính Lý Giác đã tự phản lại mình, đã không còn xứng đáng với lời tung hô kia nữa. Rõ ràng Ngô Chân Lưu đã trải thảm đỏ buộc Lý Giác đi trên con đường độc đạo đó. Thứ hai, trước vấn đề ngoại giao đặc biệt hệ trọng, liên quan đến danh dự và vận mệnh đất nước, lập trường nhà chính trị - thiền sư Ngô Chân Lưu vừa tỏ ra mềm dẻo, vừa hết sức kiên quyết. Tác giả vừa có lời Nguyện xin bàn về vấn đề biện cương, vừa đòi hỏi một sự phân minh, không thể mập mờ, gian lận. Thái độ như thế là hết sức rõ ràng, quyết đoán. Điểm cuối cùng, dù mục tiêu ngoại giao đạt mức độ sắc sảo đến thế nào thì nó vẫn cần được “bao bọc” trong hình thức trang nhã, ân tình của một tác phẩm nghệ thuật viết về sự biệt ly. Tất cả những điều đó đã được Ngô Chân Lưu thực hiện thật uyển chuyển, sinh động.

Đánh giá ý nghĩa ngoại giao qua bài từ Vương lang qui của Ngô Chân Lưu nhất thiết cần phải đặt tác phẩm trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ và trong mối giao lưu văn hóa Việt - Tống. Chắc chắn bài từ của Đại sư Khuông Việt đã tác động mạnh mẽ tới tâm lý vị sứ giả nhà Tống, khiến Lý Giác vừa trân trọng vừa cảm phục tài năng người nước Nam. Đồng thời Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu với trọng trách một nhà ngoại giao lịch lãm, học rộng biết nhiều đã góp phần tạo lập mối quan hệ hòa hảo giữa hai nước Việt - Tống, giữ gìn biên cương nước Việt được bình ổn trong suốt những năm cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI. Bài từ Vương lang qui của ông xứng đáng là một trong những trang mở đầu cho dòng văn học bang giao đặc sắc của dân tộc.

Cuối đời, sư lấy cớ già yếu xin cáo việc quan về dựng chùa ở quê nhà. Học trò theo đến rất đông, trong số đó có thiền sư Đa Bảo là người có công khuông phò Lý Công Uẩn ở ngôi vua... Một hôm, đệ tử Đa Bảo hỏi: “Thế nào là chung thủy của đạo học?”. Sư đáp: “Thủy chung không vật thảy hư không/ Hiểu được chân hư thể ắt đồng”. Đa Bảo tiếp: “Lấy gì bảo chứng?”. Sư đáp: “Không có chỗ cho người hạ thử”. Đa Bảo thưa: “Hòa thượng nói rõ rồi”. Sư hỏi: “Ngươi hiểu thế nào?”. Đa Bảo bèn hét lên một tiếng.

Ngày 15 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (1011). Trước lúc qui tịch, sư gọi Đa Bảo đến đọc lời kệ rằng:

Mộc trung nguyên hữu hoả,

Nguyên hoả phục hoàn sinh.

Nhược vị mộc vô hoả,

Toàn toại hà do manh?

(Lửa trong cây có sẵn,

Dù tắt lại bùng ngay.

Nếu bảo cây không lửa,

Xát mạnh sao cháy cây?)

Nói kệ xong, sư ngồi kiết già mà qua đời, thọ 79 tuổi...

Theo Doanh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Hữu Sơn