Văn hóa – Di sản

Nghề rèn của người Mông (Điện Biên) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Việt Thương 14:26 23/10/2023

Nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên là Di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1406/QĐ-BVHTTDL ngày 1/6/2023.

156236img_0293.jpg
Trình diễn nghề rèn của người Mông tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: báo Văn hóa

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Tủa Chùa năm 2023, sáng nay 21.10, UBND huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) đã tổ chức Lễ công bố và trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên.

Theo Quyết định số 1406/QĐ-BVHTTDL ngày 1/6/2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên được vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cùng với nghề rèn của người Mông, các di sản của tỉnh Điện Biên được công nhận cấp quốc gia trong đợt này gồm: Tập quán xã hội tín giưỡng Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông; Tri thức dân gian Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu, xã Leng Su Sìn, xã Sen Thượng, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé; Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật Múa của người Lào huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông.

Không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông, sự ghi nhận và động viên xứng đáng của các cấp, các ngành đối với di sản và những chủ thể nắm giữ di sản cũng trở thành tiền đề, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa, văn hóa phi vật thể tại địa phương.

Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm thì mài cho sắc, làm tay cầm.

Để rèn được một con dao nhanh và đẹp từ hình dáng cũng như sử dụng tốt, thông thường có hai cách rèn chính. Có người rèn dao sẽ được hình thành từ phần chuôi trước, rồi mới đến phần lưỡi. Nhưng có người thì ngược lại, khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý người ta mới trau chuốt đến phần chuôi. Đây là cách rèn hay được áp dụng nhiều nhất.

Nghề rèn không chỉ giúp đồng bào Mông ở Điện Biên tạo ra những nông cụ thiết thực, phục vụ đời sống mà còn là nét văn hóa độc đáo. Hiện nay, trong các thôn, bản người Mông, chỉ còn rất ít hộ lưu giữ nghề rèn truyền thống nhưng nhu cầu sử dụng nông cụ rèn vẫn rất lớn, do đó, một số hộ vẫn giữ nghề rèn, tạo ra nông cụ để bán tại các phiên chợ, tăng thêm thu nhập.

Tại buổi lễ, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định: Sự đóng góp không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ nhân, cộng đồng dân tộc Mông đã nâng niu, trao truyền và gìn giữ nét văn hóa đặc sắc này. Do đó trong thời gian tới, các chủ thể cần tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di sản; khuyến khích việc tăng cường truyền dạy nghề rèn cho thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Tủa Chùa năm 2023, Ủy ban Nhân dân huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) đã tổ chức Lễ công bố và trao Giấy chứng nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên./.

Việt Thương