Giáo dục

Hà Nội tổ chức nhiều trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục

Trung Kiên 22:15 22/10/2023

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức “Trò chơi dân gian” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch tổ chức “Trò chơi dân gian” kể trên nhằm thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 6/9/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 4651/KH-SGDĐT ngày 30/12/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2023-2024.

tro-choi.png
Các em học sinh Trường Tiểu học Đồng Thái (huyện Ba Vì) trong trò chơi dân gian "Rồng rắn lên mây".

Kế hoạch tổ chức “Trò chơi dân gian” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025 nhằm tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần nâng cao sức khoẻ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong các nhà trường. Đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh trong các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tạo cơ hội cho học sinh các cơ sở giáo dục được biết, học hỏi và tham gia chơi các trò chơi dân gian. Rèn luyện kỹ năng sống, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục toàn diện cho học sinh. Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức các trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục phải đảm bảo thường xuyên, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp theo cấp học. Nội dung các trò chơi dân gian cần phù hợp với lứa tuổi, giới tính, cấp học, điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị để áp dụng một số trò chơi như: Cướp cờ, Rồng rắn lên mây, Kéo co, Bịt mắt bắt dê, Đua thuyền trên cạn, Nhảy bao bố, Ô ăn quan, Mèo đuổi chuột, Cá sấu lên bờ, Nhảy dây, Đá gà, Nhảy lò cò, Khiêng kiệu, Trồng nụ trồng hoa, Truyền tin... Ngoài các trò chơi dân gian trên, các đơn vị có thể lựa chọn các trò chơi dân gian khác để phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương.

tro-choi-2.png
Các em học sinh khối lớp 3 Trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) háo hức với trò chơi dân gian “Bịt mắt đánh trống” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Các trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức tập luyện và giao lưu các trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục, khuyến khích học sinh tham gia, qua đó nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Tổ chức các trò chơi dân gian trong các giờ học môn giáo dục thể chất, trong các buổi chào cờ, các tiết sinh hoạt lớp, trong các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa...

“Đề nghị các phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở; Giám đốc các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hà Nội đều phải đưa trò chơi dân gian vào trong nhà trường”, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhấn mạnh.

Định kỳ hàng năm, các phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã; các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hà Nội tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về việc thực hiện Kế hoạch và gửi báo cáo kết quả tổ chức triển khai Kế hoạch về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (số 81 phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm) trước ngày 25/11 hàng năm.

baobo.jpg
Học sinh một trường mầm non tại quận Long Biên trong hoạt động chơi trò nhảy bao bố.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu cần trao đổi, các đơn vị liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Một số trò chơi dân gian Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giới thiệu đến các nhà trường tổ chức cho các em học sinh:
Trò chơi Cướp cờ
đòi hỏi người chơi phải phản ứng và chạy nhanh. Nếu như người chơi không chạy nhanh để cướp cờ thì bạn phải chặn người cướp được cờ và giật cờ chạy về đích thật nhanh để giành chiến thắng.
Trò chơi Rồng rắn lên mây
quan trọng ở người đứng đầu hàng và người thầy thuốc, người đứng đầu hàng phải ngăn cản người thầy thuốc bắt được đuổi của mình, trong khi người thầy thuốc phải cố gắng bắt được đuôi của người đầu hàng. Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải lanh lẹ và tinh mắt để tránh bị thua cuộc.
T
rò chơi Đua thuyền trên cạn: các thuyền phải được dùng cơ thể của người chơi tạo thành, người chơi phải dùng hai tay và hai chân để chèo thuyền về phía trước. Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải đoàn kết, có sức khỏe và lực cánh tay tốt.
Trò chơi Nhảy bao bố: đòi hỏi người chơi phải có thể lực, nhanh chân chạy thật nhanh khi đến lượt mình và cố gắng vượt qua đội khác. Vì là trò chơi đồng đội nên mỗi người phải cố gắng hoàn thành lượt chơi của mình nhanh nhất có thể.
Trò chơi Mèo đuổi chuột:
người chơi là mèo phải cố gắng bắt được chuột để giành chiến thắng.
Trò chơi Cá sấu lên bờ
: người chơi phải chạy nhanh chóng tìm bờ để trước khi bị bắt. Nếu là người thua, người chơi phải xác định một người chơi nào chưa tìm được bờ và nhanh chóng bắt người đó lại thay thế cho mình. Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải tinh ý và nhanh nhẹn để trở thành người thắng cuộc.
Trò chơi Đá gà
đòi hỏi người chơi giữ được thăng bằng và phải có thể lực để trụ tốt, đồng thời phải có kỹ thuật để loại bỏ nhanh chóng những người chơi khác.
Trò chơi Khiêng kiệu
: các người chơi chỉ cần làm kiệu và nâng 1 thành viên của đội đối phương lên và di chuyển, trong quá trình di chuyển tránh cho thành viên này bị ngã là được.
Trò chơi Trồng nụ trồng hoa:
các người chơi phải trồng nụ và trồng hoa để người chơi khác nhảy qua, nếu người chơi nào nhảy qua không được sẽ vào làm nụ làm hoa cho người chơi đó nhảy.
Trò chơi Truyền tin
: Người chơi nên lắng nghe thật kỹ thông tin của người chơi trước để truyền tin cho đồng đội của mình được chính xác, tránh việc truyền tin không đúng và làm cho đội bị trừ điểm.

Trung Kiên