Văn hóa - Xã hội

Hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội có 56 tác phẩm đạt giải

P. Anh 19:50 19/10/2023

Năm 2023 là lần đầu tiên Hội thi sản phẩm làng nghề TP. Hà Nội được tổ chức. Hội thi cũng là sự kiện quan trọng trong chuỗi sự kiện hướng đến Festival Bảo tồn phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 do Bộ NN&PTNT và UBND TP. Hà Nội đồng tổ chức.

ggg.jpg
Bộ rước đèn Trung thu của nghệ nhân Đặng Văn Hậu được trao giải Đặc biệt tại Hội thi sản phẩm làng nghề TP Hà Nội năm 2023. (ảnh: LNV)

Sau hơn 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã tiếp nhận 327 sản phẩm đăng ký dự thi của 109 tập thể, cá nhân, trong đó có 30 nghệ nhân (10 nghệ nhân ưu tú) và 79 thợ giỏi của 25 quận, huyện, thị xã. Thí sinh trẻ nhất tham gia 18 tuổi, già nhất 76 tuổi.

Các sản phẩm tham gia dự thi ở 5 nhóm: mây, tre, lá tự nhiên; sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ; gốm sứ và thuỷ tinh; dệt, may, thêu đan, móc; sừng, trai ốc, trạm khắc đá, kim khí, da, tranh…

Sau thời gian làm việc công tâm của các thành viên Ban Giám khảo, Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn 56 sản phẩm thuộc 5 nhóm để vinh danh. Trong đó, có 1 giải Đặc biệt, 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba và 25 giải Khuyến khích.

Giải Đặc biệt của Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2023 đã thuộc về tác phẩm “Bộ rước đèn Trung thu” của nghệ nhân Đặng Văn Hậu (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên).

z4794777398952-b6d781e5a71b4bb33b70b30f8759ae3620231018150253.jpg
Tác phẩm Bộ rước đèn Trung thu của nghệ nhân Đặng Văn Hậu - Phú Xuyên được giải đặc biệt hội thị sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2023. (ảnh: LNV)

Tác phẩm "Bộ rước đèn Trung Thu", truyền tải thông điệp về giá trị truyền thống về Lễ rước đèn Trung Thu của người Việt tới Ban tổ chức. Đây cũng là một sản phẩm mang tính thương mại hóa cao trong số các tác phẩm dự thi, với chất liệu được làm từ bột nặn tò he được anh nghiên cứu từ năm 2014, chất liệu không gây độc hại với người chơi và thân thiện với môi trường.

5 giải Nhất của Hội thi thuộc về các sản phẩm: Bàn trà hình Elip của tác giả Hoàng Văn Hạnh (huyện Chương Mỹ); Bách điểu triều phụng của tác giả Bùi Bá Trọng (huyện Thạch Thất); Mai bình đại cát của tác giả Nguyễn Việt Cường (huyện Gia Lâm); Khăn vẽ tre Việt Nam chất liệu tơ tằm của nghệ nhân Phan Thị Thuận (huyện Mỹ Đức); Hoa mùa Xuân như ý của tác giả Lê Thị Thuận (huyện Thường Tín)./.

P. Anh