Văn hóa - Xã hội

Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số

T. Trang 18/10/2023 16:31

Đó là chủ đề của Diễn đàn quốc tế Franconomics-2023 do Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF) - ĐH Jean Moulin Lyon 3 đồng tổ chức vào ngày 17 – 18/10/2023, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

hoang-hai.jpeg
Toàn cảnh diễn đàn.

Sự kiện có sự đồng hành của Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV), Viện Pháp tại Việt Nam (IFV), Tập đoàn Giáo dục Toàn cầu Galileo (GGEF), Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI), Công ty Linagora Việt Nam và Viện Nghiên cứu châu Phi - Trung Đông (IAMES), Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp TP. Hà Nội – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Vietnam DX và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.

Mặc dù đã manh nha xuất hiện từ những năm 40 của thế kỷ XX nhưng nhân văn số (digital humanities) vẫn là lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với giới nghiên cứu tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

jobet.png
Ông Manuel Jobert, Phó Giám đốc phụ trách Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ, Đại học Jean Moulin Lyon 3, Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ.

Trong khi đó, việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật số và khoa học máy tính vào nghiên cứu các ngành nhân văn đang trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết trong một xã hội văn minh và tiến bộ.

Nhân văn số đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý và gìn giữ tư liệu, bảo tồn giá trị văn hoá lịch sử, di sản, ngôn ngữ, phát huy giá trị các nền văn minh xã hội và xa hơn nữa là khả năng bồi dưỡng tiềm năng con người; thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai.

dai-bieu-phap-ngu.jpeg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn.

Diễn đàn quốc tế Franconomics-2023 với chủ đề “Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số” đã quy tụ các nhà khoa học hàn lâm, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và chuyên môn học thuật về nhân văn số và các khía cạnh liên quan.

Diễn đàn cũng cung cấp nền tảng liên ngành để các khách mời cùng trình bày, thảo luận về những đổi mới, xu hướng cũng như những thách thức thực tế gặp phải của nhân văn số hiện nay./.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN luôn coi chuyển đổi số là nền tảng thúc đẩy hợp tác, chia sẻ, khai thác tư liệu, đánh giá kết quả nghiên cứu. ĐHQGHN cũng đã có những hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để số hóa dữ liệu văn bản Hán Nôm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và tại kho tư liệu của ĐHQGHN nhằm tạo kho dữ liệu dùng chung cho cộng đồng các nhà nghiên cứu.

Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm hỗ trợ biên soạn trong nhiệm vụ “Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu địa chí quốc gia Việt Nam” nhằm tăng cường tính hiệu quả của công tác quản lý tiến độ và hỗ trợ thuận tiện cho công tác biên soạn nội dung Mục. ĐHQGHN cũng đang triển khai thí điểm đào tạo trực tuyến, trong đó hoàn thiện mô hình, phương thức, phương pháp đào tạo trực tuyến gắn với đảm bảo chất lượng.

T. Trang