Sáng tạo tác phẩm hay góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ
Làm thế nào để “tiếp tục đổi mới sáng tạo tác phẩm hay góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước” đó cũng là chủ đề đã được các văn nghệ sĩ phân tích, xới xáo trong cuộc hội thảo do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 17/10/2023.
Thiếu vắng những tác phẩm xứng tầm
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS. TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã nhắc lại những đánh giá chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Kỷ niệm 75 ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Bên cạnh việc biểu dương những cống hiến, đóng góp của các văn nghệ sĩ đối với sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế yếu kém cần được khắc phục, đó là: “Những thành tựu VHNT mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn”.
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, để trả lời cho câu hỏi “Vì sao VHNT hiện nay tuy đã có thành tựu rất đáng ghi nhận, biểu dương nhưng cho đến nay vẫn còn ít tác phẩm đỉnh cao, ít văn nghệ sĩ lớn như các giai đoạn trước kia” cần làm rõ những yếu tố cơ bản góp phần làm nên những tác phẩm hay, đáp ứng kỳ vọng của công chúng yêu VHNT”.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, tác phẩm hay là do con người – văn nghệ sĩ sáng tạo ra. Người nghệ sĩ với tài năng và lao động cùng với sự rung động trái tim trước cuộc sống, đi sâu vào đời sống nhân dân, thở cùng nhịp thở của nhân dân, tắm mình trong không khí dân tộc, nhận thức sâu sắc “cơ hội, vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế” để vững tin vào trí lực và bút lực của mình.
NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định: Thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, trong lĩnh vực VHNT đã xuất hiện những tác phẩm có giá trị, nhưng cũng có những tác phẩm còn hạn chế về tư tưởng và nghệ thuật, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, chiều theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, đánh mất chức năng giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Có những tác phẩm thể hiện tư tưởng cực đoan, xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Trong đội ngũ những người sáng tác VHNT ngày càng thiếu những cây bút lớn, xuất sắc. Thiếu những tác phẩm VHNT xứng tầm phản ánh công cuộc đổi mới vĩ đại của nhân dân làm cho đời sống tinh thần của con người thiếu cân bằng giữa định hướng giá trị với ảnh hưởng của cơ chế thị trường.
Hướng tới tính nhân văn và giá trị nghệ thuật
Theo PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, “tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay, xứng đáng” là mong mỏi chính đáng của giới sáng tạo VHNT. Đây vừa là đòi hỏi mang tính thời đại với từng tác giả, những chủ thể sáng tạo nhằm làm sao có được những tác phẩm VHNT xứng tầm. “Để có được tác phẩm hay, xứng đáng, tác giả - chủ thể sáng tạo phải luôn đổi mới chính mình từ tư duy, đến dám nghĩ dám làm, dám đối diện với muôn vàn khó khăn. Song, bên cạnh sự chi phối của những điều kiện vật chất cần và đủ thì sự khoáng đạt của chân trời – tự do sáng tác là mảnh đất ươm trồng những tác phẩm hay, xứng đáng”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nhấn mạnh.
Nhà LLPB Âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định một tác phẩm để đời chắc chắn phải hay với nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau, với nhiều tốc người ở các thời đại khác nhau. Đó phải là tác phẩm có tính nhân văn về nội dung và giá trị nghệ thuật trong biểu hiện.
Chia sẻ tại hội thảo, nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ sự mừng vui trước “cơ ngơi” văn học này của đất nước, tuy nhiên ông cũng không khỏi trăn trở trước thực trạng đời sống hiện nay. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng nội dung của hội thảo đặt ra nhiều vấn đề đối với người cầm bút. Theo ông, để có tác phẩm hay thì ngoài tài năng, trí tuệ, thì còn cần cả nỗ lực của bản thân văn nghệ sĩ và cả môi trường sáng tạo nghệ thuật.
Còn nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam thì nhấn mạnh: Hội thảo đặt vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước cũng có nghĩa là đặt ra trách nhiệm của các văn nghệ sĩ trước thực trạng sa sút, xuống cấp trong đời sống văn hóa, văn nghệ. Từ thực tiễn của VHNT cũng như trải nghiệm của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng muốn có tác phẩm hay thì mỗi văn nghệ sĩ cần đổi mới về tư duy, nhận thức sáng tạo, phương pháp sáng tác, đề tài chủ đề... Liên hiệp nên quy hoạch đội ngũ người viết, giao trách nhiệm cho thế hệ văn nghệ sĩ bám sát những vấn đề của đời sống đương đại. Bên cạnh đó, cần đầu tư, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sâu sát, gắn bó, tích lũy vốn sống...
Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo cũng đã đưa ra đề xuất giải pháp để có những tác phẩm hay, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước. Theo đó, cần kiện toàn tổ chức Hội các cấp, đào tạo cán bộ quản lý Hội Văn nghệ đáp ứng những đòi hỏi cao về phẩm chất và năng lực chuyên môn, năng lực quản lý; chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng thế hệ văn nghệ sĩ trẻ thành nguồn cán bộ đủ sức đảm đương kế tục và phát triển sự nghiệp; hoàn thiện các chế độ chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ, tôn vinh lao động nghệ thuật đích thực, đề cao những tác phẩm công phu, tâm huyết, tài năng; kiến tạo môi trường xã hội, văn hóa thuận lợi để văn nghệ sĩ khởi nghiệp, phát triển tài năng...
“Hội thảo góp phần quán triệt sâu sắc tư tưởng văn hóa, văn nghệ Hồ Chí Minh và các Nghị quyết của Đảng những năm gần đây. Những giải pháp đưa ra trong các ý kiến tham luận tại hội thảo nhằm tháo gỡ những điểm còn tồn tại; qua đó thúc đẩy VHNT vượt qua khỏi trì trệ mà vươn lên với một khởi sắc mới, một niềm tin mới, không khí hào hứng mới, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người mới trong thời đại hôm nay”, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định./.