Đời sống văn hóa

Phát triển tiềm năng du lịch văn hóa Hòa Bình: Bài 1: Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc xứ Mường

Đình Thế 04/09/2023 08:37

Nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, hội tụ các điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, văn hóa, sự phát triển của du lịch Hòa Bình đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ VXII (2020-2025) xác định "Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương".

Thanh âm trong trẻo giữ núi rừng Tây Bắc

Chúng tôi đến Hòa Bình vào một ngày đẹp trời. Bỗng thấy vang lên từ khắp các xóm làng âm thanh trầm hùng của cồng chiêng xứ Mường đồng vọng cùng tiếng gió reo vi vút nơi rừng núi. Một cảm giác yên bình, náo nức tràn về, dường như mọi ồn ào phố thị được bỏ lại phía sau...

img_9096-min.jpg

Ðối với người Mường ở Hòa Bình, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm linh thiêng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tiếng cồng chiêng mang cái hồn của rừng núi, là âm thanh nối kết con người với con người, con người với vạn vật. Ngay từ khi sinh ra đến lúc về với cõi vĩnh hằng, những thanh âm ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào mọi mặt đời sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường… Cứ thế, cồng chiêng đã được truyền tụ qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường nơi đây.

90.jpg
Những thanh âm khi trầm bổng, sâu lắng, hào hùng...

Chính những thanh âm khi trầm bổng, sâu lắng, khi hào hùng, quyến rũ, khi mặn mà, đằm thắm ấy đã làm nên những giá trị độc đáo mà chỉ văn hóa cồng chiêng xứ Mường mới có được. Những ngày tháng 9 này, chúng tôi có dịp về Hòa Bình và đến thăm bảo tàng tư nhân Di sản văn hóa Mường của Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình mới phần nào thấu hiểu được những nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân và các cấp chính quyền trên mảnh đất này.

Người giữ lửa cồng chiêng xứ Mường

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kim Bôi, người con của dân tộc Mường, nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình đã nung nấu và mong muốn được góp sức gìn giữ những nét đẹp truyền thống trong văn hóa dân tộc mình. Mong muốn đó lớn dần lên khi ông về công tác tại Công ty Du lịch Hà Sơn Bình (nay là Công ty Du lịch Hòa Bình). Hơn 30 năm công tác trong ngành du lịch, dù trên cương vị hướng dẫn viên hay sau này là cán bộ quản lý, ông Bình luôn trăn trở về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường.

Xuất phát từ niềm đam mê và tâm huyết, ông đã không quản vất vả, tốn kém thời gian và tiền bạc để đi đến hầu khắp các vùng Mường, cả những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình để nghiên cứu, sưu tầm. Ông còn lặn lội tìm đến các tỉnh có người Mường sinh sống như: Thanh Hóa, Sơn La, Phú Thọ… Ông sưu tầm được ngày càng nhiều di vật, cổ vật và nhất là vốn hiểu biết về lịch sử, văn hóa Mường mà như cách nói của ông, đó là “tài sản vô giá” ông có được sau những chuyến điền dã. Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình cho biết: Ý thức được trách nhiệm của bản thân khi chứng kiến những nét văn hóa của dân tộc ngày càng bị mai một theo thời gian, ngay từ năm 1983 ông đã sưu tầm, lưu giữ lại hiện vật, tư liệu liên quan đến văn hóa, phong tục của người Mường.

img_9109-min.jpg
Bộ sưu tập chiêng Mường quý hiếm được trưng bày tại Bảo tàng

Từ khi thành lập đến nay, bảo tàng đã không ngừng được mở rộng, phát triển với tổng diện tích hơn 4.000 m². Mỗi nhà sàn trưng bày những bộ sưu tập hiện vật khác nhau và hiện nay có hơn 6.000 hiện vật các loại, được bố trí, sắp xếp trưng bày một cách khoa học, gắn với từng giai đoạn lịch sử của văn hóa Mường. Bảo tàng ngoài mục đích thu hút khách thăm quan, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đặc biệt là khách quốc tế người ta rất thích đến bảo tàng. Vì đây nó là lịch sử, tiếng nói của lịch sử, tiếng nói các từ hơ, từ xưa các thế hệ. Đây là nhân chứng sống khi người ta muốn tìm hiểu thì người ta đến với bảo tàng, tìm hiểu về người Mường, về nguồn gốc, lịch sử, văn hóa đều đến bảo tàng thăm quan, xem, nghiên cứu tìm hiểu…

Bên cạnh việc mở bảo tàng phục vụ du khách thập phương, trong những năm gần đây, Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình còn tích cực tham gia công tác quảng bá, truyền dạy văn hóa chiêng Mường. Học trò đến với ông đa dạng về thành phần, lứa tuổi, từ trung niên cho đến thiếu niên, học sinh nhi đồng. Không chỉ trực tiếp giảng dạy Chiêng Mường cho người dân tộc Mường sinh sống tại tỉnh Hòa Bình mà ông còn được mời đến dạy Chiêng Mường cho các tỉnh Đắk Lắk, Hà Nội... Dù bất cứ ở đâu có người dân tộc Mường đang sinh sống.

img_9118-min.jpg
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình hướng dẫn phụ nữ dân tộc Mường (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) đánh chiêng.

Chị Dương Thị Tình (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) lặn lội vượt hàng trăm cây số đến gặp thầy Bình với mong muốn tìm hiểu những kỹ năng đánh cồng chiêng, học hỏi thêm những cái nốt đường đi nối lại của đội cồng chiêng được hoàn thiện hơn, để khi trở về địa phương sẽ hướng dẫn lại cho các chị em, góp phần lưu giữ và bảo tồn những nét đặc trưng của văn hóa người Mường.

Để đưa những giá trị văn hóa Mường đến gần hơn với công chúng, ông Bình luôn tìm tòi, sáng tạo cách thức trưng bày hiện vật cũng như hoạt động của bảo tàng. Một phần làm tốt việc viết bài hướng dẫn, thuyết minh, mặt khác tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: mở khu trưng bày một số loại đồ chơi dân gian ngoài trời; thường xuyên tổ chức trò chơi dân gian như ném còn, đánh mảng, đi cà kheo, đẩy gậy. Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình giành trọn tâm huyết của mình gìn giữ và bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường. Đủ để thấy tình yêu và nhiệt huyết của ông giành trọn cho nền văn hoá xứ Mường đậm đà bản sắc dân tộc./.

Đình Thế