Giới thiệu những ca khúc chủ đề về Hà Nội
Sáng ngày 15/10/2023, tại Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức buổi giới thiệu những ca khúc tháng Mười với chủ đề “Chào mừng 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội”. Tới dự có đại diện Ban Chấp hành Hội cùng đông đảo các nhạc sĩ, hội viên.
Phát biểu tại buổi giới thiệu, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội - nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh rằng những buổi giới thiệu ca khúc theo chủ đề tháng đề cao tinh thần trao đổi, chia sẻ giữa các nhạc sĩ. Trong đó việc chia sẻ cảm hứng sáng tác của các nhạc sĩ rất có ý nghĩa. Ông mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ từ các nhạc sĩ để có thêm những góc nhìn phong phú, đa dạng hơn.
Các tác phẩm được giới thiệu trong tháng Mười gồm có: Tầm vóc nghìn năm Thăng Long – Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Giang - phỏng thơ Bằng Việt; Hà Nội nhớ ai của nhạc sĩ Lê Thống Nhất; Hà Nội – Tình yêu chưa nói của nhạc sĩ Hồ Khải Hoàn phỏng thơ Xuân Diệu; Duyên dáng Hoàng Mai của nhạc sĩ Trịnh Ngọc Tân; Hoa tím bằng lăng của nhạc sĩ Tạ Thị Nghy; Chiều Ba Vì của nhạc sĩ Mạnh Hồ; Suy tưởng dưới chân cột cờ Hà Nội của nhạc sĩ Kim Chùy; Trăng Tây Hồ của nhạc sĩ Xuân Ba; Hoa Vĩnh Tuy của nhạc sĩ Văn Cung phỏng thơ Thái Cung; Trở về Hả Nội của nhạc sĩ Phạm Vũ Thục phỏng thơ Văn Long – Phạm Vũ Thục; Tự hào một miền quê của nhạc sĩ Trần Hùng. Các ca khúc đã được các nhạc sĩ thu âm hoàn chỉnh và phát tại buổi giới thiệu.
Chia sẻ về những cảm nhận cá nhân, nhạc sĩ Lê Gia Hiếu cho rằng ca khúc Duyên dáng Hoàng Mai của nhạc sĩ Trịnh Ngọc Tân gây thích thú cho ông vì tác giả đã tận dụng được chất liệu ca trù để đưa vào tác phẩm. Từ kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thu thanh, phối khí, ông đề cập đến việc các nhạc sĩ nên lưu ý chỗ nào cần sử dụng dụng cụ và kỹ thuật âm nhạc như thế nào để đạt tối ưu cũng như việc nâng hoặc giảm âm lượng sao cho phù hợp từng quãng.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê nhận định, nếu ca khúc Duyên dáng Hoàng Mai dù viết về một quận thôi nhưng đã đủ để thấy bóng dáng Hà Nội thì Tầm vóc nghìn năm Thăng Long - Hà Nội gợi dậy sự hào hùng của Thủ đô theo thăng trầm lịch sử. Ông mong rằng có thêm nhiều ca khúc được viết ra mà ít nhất có điều gì đó đọng lại trong lòng người nghe.
Theo nhạc sĩ Đoàn Bổng, chưa bàn đến tính hay hay dở nhưng đối với một ca khúc thì câu chuyện về đời sống và tuổi thọ của ca khúc đó quan trọng hơn. Ông nhắc tới những tác phẩm bị nhiều người chê nhưng lại có đời sống mạnh mẽ ở ngoài đời, được công chúng hưởng ứng và yêu thích trong thời gian dài. Ngược lại, có những tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi nhưng cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở đó - đời sống ca khúc ấy chết ngay tại sân khấu. “Vậy nên chúng ta cứ mạnh dạn viết và sáng tạo hết mình. Mỗi ca khúc sẽ tự khắc có đời sống riêng”, ông nhấn mạnh.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh đưa ra cảm nhận đối với từng ca khúc. Ông đánh giá cao những tác phẩm biết tận dụng tiết tấu hiện đại lẫn chất dân ca/ tính dân tộc trong cung quãng, sử dụng âm giai ngũ cung rõ ràng đậm màu sắc Việt Nam và vẫn thể hiện được sự hào sảng/ tầm vóc trong lời ca, cách thâm canh chủ đề (sự nhắc đi nhắc lại) một cách hòa hợp giữa nhạc và lời hay những cố gắng tìm tòi làm mới trong ngôn từ lời ca… Từ kinh nghiệm cá nhân, ông cũng lưu ý tư duy nhạc và tư duy lời nên song song, nếu không sẽ khó dung hòa và dễ dẫn tới lạc điệu hay là trường hợp ca khúc phỏng thơ dù thoạt nghe thì rất vào tai nhưng nghe kỹ sẽ nhận ra lời ca phỏng thơ vẫn chưa thoát cấu tứ gốc…
Tại buổi giới thiệu tác phẩm âm nhạc tháng Mười, nhạc sĩ Nguyễn Giang đã giới thiệu về cuốn sách “Kể chuyện giá trị bài hát hay” do ông sưu tầm, biên soạn, chỉnh lý và bổ sung. Cuốn sách vừa được Nxb Hội Nhà văn ấn hành vào quý II/2023. Xuất phát từ lòng trân trọng, yêu thích các nhạc sĩ, cuốn sách là những câu chuyện đằng sau về hoàn cảnh ra đời của những ca khúc mà nhạc sĩ Nguyễn Giang yêu thích, được ghi lại sau quá trình sưu tầm, ghi chép của ông./.