Chuyển đổi số, công nghệ mới hỗ trợ công tác bảo tồn và lễ hội
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp tổ chức Hội thảo Kết nối thực - số tỉnh Thừa Thiên - Huế với chủ đề “Chuyển đổi số, công nghệ mới hỗ trợ công tác bảo tồn và lễ hội”.
Ngày 12/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Tin học Việt Nam và Trung tâm Công nghệ thông tin Thừa Thiên – Huế (HueCIT) tổ chức Hội thảo Kết nối thực - số tỉnh Thừa Thiên - Huế với chủ đề “Chuyển đổi số, công nghệ mới hỗ trợ công tác bảo tồn và lễ hội”.
Hội thảo nhằm giới thiệu xu hướng công nghệ mới như NFT, Blockchain, Web 3 và kết nối thực - số trong công tác số hoá cổ vật, kết nối thử nghiệm lên không gian thực - số một số hiện vật quý. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số gắn với công tác bảo tồn di tích, di sản.
Trong hội thảo, các diễn giả đã trình bày các tham luận về tài sản số - kinh tế số và thực tiễn tại Việt Nam, tiềm năng của công nghệ vật lý số, đồng thời chia sẻ các giải pháp để có thể đưa các công nghệ mới vào việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa Cố đô Huế. Thông tin về dữ liệu di sản với việc làm rõ các vấn đề về số hoá di sản để tạo ra tài sản di sản số phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế từ tài sản số, quản lý di sản dựa trên dữ liệu làm tăng tính minh bạch, mở dữ liệu để sáng tạo nội dung, tạo giá trị gia tăng.
Đồng thời, trao đổi và thảo luận các nội dung tài sản số và giá trị từ sản phẩm NFT, về xây dựng bảo tàng số tăng khả năng trải nghiệm cho du khách và dữ liệu số cho di sản và phát triển các dịch vụ trên dữ liệu số.
Diễn giả Đỗ Hoài Nam - CEO Công ty cổ phần Vật lý số Physical Labs với tham luận thú vị “Tôn vinh, lan toả văn hoá Huế ra thế giới” về công nghệ vật lý số, định danh số và tiềm năng, tổng quan các giải pháp để có thể đưa các công nghệ mới vào việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của Cố Đô Huế. “Tài sản số - Kinh tế số và thực tiễn Việt Nam” là phần tham luận của PGS.TS Nguyễn Bình Minh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số (Đại học Bách Khoa Hà Nội) và PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) trình bày tham luận Dữ liệu và Di sản - chủ đề dữ liệu di sản đã góp phần làm rõ các vấn đề liên quan như số hóa di sản tạo ra tài sản di sản số phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế từ tài sản số…
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, từ tháng 7 - 9/2023 đơn vị đã phối hợp mời các chuyên gia từ Google về công nghệ mới như NFT, Blockchain, Web 3 và kết nối thực - số giới thiệu công nghệ và tìm hiểu công tác số hóa của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan trong việc đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số với trọng tâm đưa vào thử nghiệm xây dựng các nền tảng công nghệ thực - số ứng dụng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.