Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Phác thảo người Hà Nội tử tế

Trần Văn Mỹ 11:41 10/10/2023

Nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy, tác giả của “Hà Nội phố phường xưa”, “Người và cảnh Hà Nội”, có nêu định nghĩa về người Thủ đô: “Thanh, trong sáng, không tục, không thô lỗ. Lịch, lịch thiệp, lịch lãm, lịch sự”. Ở Sơn Tây, ở Bắc Ninh mà có khách sang thì bà chủ nói với hàng xóm: “Nhà tôi có khách Hà Nội!”. Bà con quý lắm, hay lưu ý đến lời nói, kiểu cách, cả cách ăn mặc của khách.

1.-nha-van-hoa-hoang-dao-thuy.jpg
Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy.

Người ngoài biết nhau vì tiếng nói, vì thế mà nói phải chọn lời, sao cho người khác không hiểu lầm ý mình. Lời nói không mất tiền mua, nói cho dễ lọt tai người ta. Hành động cũng chú ý đưa cái gì cho ai thì dùng cả hai bàn tay, bưng lên mời khách hay đưa lên người mình tôn kính thì nâng cao cái khay. Ông đồ đi chơi về, cầm miếng trầu, cũng đưa vào đĩa, đưa cho bà đồ. Đối với xóm phố, có điều cần góp ý thì chân thật, sao cho người ta không tự ái. Cũng giữ ý, không tọc mạch chuyện nhà người khác, chuyện đâu bỏ đấy.

Khách đến nhà, chủ nhà không bao giờ cởi trần ra tiếp. Nếu đầu trần thì quay vào chít khăn đã rồi mới quay ra đón khách. Ra đường không mặc cẩu thả, là tỏ ý tôn trọng người đi đường. Áo quần không cần quý giá mà phải chỉnh đốn. Mặc áo vá không sao nhưng không mặc áo rách. Giữ kín đáo cho các việc ăn ở trong nhà. Các áo, quần lót không phơi ra ngoài, sao cho gọn mắt.

Trải hơn một nghìn năm phát triển, kinh thành Thăng Long đã chứng kiến bao thay đổi, vẫn theo cụ Hoàng Đạo Thúy thì: “Mỗi thời có một luồng người địa phương đến kinh kỳ, đem theo những tinh hoa của quê hương, góp vào phong cách Thủ đô nhưng cũng thấy ngay là cần phải quen với vẻ thanh lịch của kinh kỳ, mới thành người Thủ đô thật”.

Trong cuộc sống bao bề bộn mưu sinh, việc tìm hiểu, lọc ra những tinh túy rồi làm theo để sống cho đúng “tư cách” là một người Hà Nội quả không đơn giản chút nào. Từ hơn 50 năm nay, đọc các ghi chép của các nhà văn Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài, Vũ Bằng... đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về một Hà Nội hào hoa và thanh lịch có truyền thống cả nghìn năm. Ngoài sách báo, do công việc, tôi còn gặp gỡ trò chuyện với nhiều người Hà Nội mà cách ứng xử hồn nhiên của họ đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Xin được chia sẻ với bạn đọc một vài ký ức về những con người bình dị ấy.

1. Cụ Hoàng Đạo Thúy (1897 - 1994), quê ở làng Đại Yên, quận Ba Đình. Khi đứng đầu Hội hướng đạo sinh Việt Nam, cụ viết “Trai nước Nam làm gì?”. Trong những năm kháng chiến, cụ được Hồ Chủ tịch cử làm Chủ tịch Ủy ban thi đua ái quốc Trung ương rồi trưởng Trưởng ban thông Thông tin ở mặt trận Điện Biên Phủ. Khi về hưu, cụ viết nhiều sách khảo cứu về Hà Nội xưa. Năm 1990, cụ viết quyển “Đất nước ta”, giới thiệu khá toàn diện con người, cảnh đẹp các tỉnh thành trong cả nước. Sau khi đọc sách, tôi viết bài giới thiệu gửi báo Hà Nội m ới. Cùng lúc đó, tòa soạn còn nhận được bài của cụ Nguyễn Vinh Phúc. Sau khi báo đăng bài của Nguyễn Vinh Phúc, một lần đến chơi tôi có phân trần với cụ về việc này, cụ bảo: “Anh là người của tòa soạn, người ta đăng bài của cộng tác viên là đúng. Chỉ có như thế, báo mới giữ chân được người viết bên ngoài tòa soạn chứ! Từ trước đến nay, báo sống được chủ yếu là nhờ vào lực lượng cộng tác viên”. Sau đó, khi bài của tôi in trên tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đem một số tạp chí biếu cụ. Để tránh hiểu lầm, tôi thưa với cụ: “Cháu là người viết tự do, chứ không phải là người của báo Hà Nội m ới đâu ạ!”. Cụ bảo: “Nghề báo hay nghề viết nói chung rất cần sự trung thực!”.

2. Nhà nghiên cứu Giang Quân (1927 - 2016), tên thật là Nguyễn Hữu Thái, quê huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, định cư, làm thơ, viết kịch và mở hiệu sách Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên hơn 70 năm trước. Khi công tác tại phòng Văn nghệ Sở Văn hóa Hà Nội, ông thân với Huyền Tâm là một “cây ca dao” của Hà Nội.

2b.-nha-nghien-cuu-giang-quan.jpg
Nhà nghiên cứu Giang Quân.

Huyền Tâm có bài “Đóng nhanh lúa tốt” được nhạc sĩ Lê Lôi phổ nhạc, trong nhiều năm là bài hát vô cùng quen thuộc với nông dân cả nước. Nhưng có điều lạ, Huyền Tâm sống độc thân, ông Giang Quân đã nhiều lần mai mối nhưng không thành. Khi Huyền Tâm ốm nặng, để thỏa lòng người sắp mất, Giang Quân lo tập hợp bài vở và in tập “Ca dao Huyền Tâm” để ông được nhìn đứa “con” tinh thần trước khi nhắm mắt. Ở quê nhà, vùng Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Huyền Tâm chỉ có người em gái, nên khi nằm xuống, Giang Quân và các bạn thơ văn ở Hà Nội đã chung sức đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi sang cát, anh em viết văn làm thơ ở Sở Văn hóa lại góp tiền và về Trạm Trôi lo công việc cuối cùng của một đời người của cho Huyền Tâm. Có lẽ vì tình nghĩa sâu nặng đó mà tôi vô cùng quý mến Giang Quân, một người sống tình nghĩa với bạn bè. Mỗi lần tôi có việc ghé qua thăm, nếu ông còn dở việc gì đó ở phòng trong, bà mở cửa đón vào nhà và mời tôi ngồi ghế đợi. Bên chén nước vừa rót, bà còn mời khách kẹo bánh để trong đĩa sứ màu men khá đẹp. Khi ông đã trang phục chỉnh tề ra tiếp khách, bà nhìn tôi thân thiện và nói: “Ông nói chuyện với nhà tôi nhé!” Rồi lui vào phòng trong. Tôi nhớ năm ông 90 tuổi, trong người đã mệt nhiều, ông gọi điện mời tôi đến chơi và chỉ vào bộ “Bách khoa thư Hà Nội” 18 tập đặt trên bàn, nói: “Mình có bộ sách này, có nhiều tư liệu hợp với việc nghiên cứu của Mỹ, ông đem về dùng nhé! Mình có nhiều bạn cũng thích bộ này, nhưng thấy Mỹ còn trẻ, đóng góp cho Hà Nội còn được nhiều nên mình quyết định tặng ông là hợp lý hơn cả”.

3. Năm 1989, tôi biết PGS.TS. Phan Khanh (1935 - 2013), khi đó làm Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, lại biết vợ ông làm ở Thư viện Quốc gia. Qua ông, tôi nhờ bà tìm cho tôi số báo in trước năm 1945. Ông vui vẻ nhận lời. Đúng giờ hẹn, tôi đến thư viện thấy bà đã đợi sẵn ở đó. Tìm được tư liệu, tôi đã bổ sung vào bài viết. Khi bài báo được đăng, thay lời cảm ơn, tôi biếu ông bà một tờ báo và nói: “Em mới viết về lĩnh vực này nên còn bỡ ngỡ, có gì bác chỉ bảo thêm cho!”. Ông bắt tay tôi, cười hồn hậu: “Anh không phải là nhà báo chuyên nghiệp, viết được thế này là khá lắm rồi. Đọc bài của anh, tôi thấy có tâm của người viết. Mọi việc làm ở đời rất cần một chữ tâm thì mới thành công được”. Dừng suy nghĩ một lát, ông nói: “Kinh sách nhà Phật có thiên kinh vạn quyển nhưng cuối cùng chỉ đọng lại một chữ tâm!”.

2.-pgs.ts-phan-khanh-doi-mu-.jpg
PGS.TS Phan Khanh (thứ 2 từ phải sang).

Lần khác, khi ông được cử làm chủ đề tài viết về hội làng Hà Nội, tôi có đến nhà ông ở phố Thái Thịnh để họp. Tôi đến sớm định dắt xe máy vào để ở chỗ gần phòng khách, ông ra hiệu dừng và dẫn tôi sang điểm gửi xe gần đó. Tôi thắc mắc về điều đó, ông bảo: “Chỗ đó dành cho người đến sau, đến muộn!”. Họp xong, ra chỗ lấy xe, tôi thấy ông nhanh chân đi trước, gửi tiền và bảo người trông dắt xe ra cửa. Ông Phan Khanh sống giản dị mà chu đáo, về sau ông làm Vụ trưởng và Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Ông sống mực thước, ân cần chu đáo với mọi người, nhiều người quý mến ông và nói: “Ông là một nhân sĩ của Hà Nội”.

4. Cách đây khoảng 5 năm, tôi nhận được cuộc gọi của một người lạ. Hỏi mới biết người ở đầu dây bên kia là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuông, người làng Đại Bái, ở Ngõ Giếng, phố Tôn Đức Thắng, từng làm chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Hà Nội. Sau khi hỏi thăm sức khỏe, ông kể lại chuyện cách đó 15 năm, vào một buổi sáng rất sớm, ông đón tôi đi cùng các nghệ nhân người Đại Bái đang sinh sống ở Hà Nội về cung tiến hoành phi, câu đối tại đình thờ tổ nghề ở quê hương. Hôm đó, chỉ có tôi là khách mời. Tôi được chính quyền địa phương, dân làng và những người cùng đi tiếp đón ân cần và chu đáo. Chuyện đã lâu và tôi cũng không có bất kỳ một băn khoăn nhỏ nào về lần đi ấy, nay ông gọi điện gợi lại chuyện cũ làm tôi không hiểu có chuyện gì làm ông Khuông phải suy nghĩ. Cuối cùng, bằng một giọng xúc động, ông nói: “Ông là người đầu tiên giới thiệu nét đẹp của làng nghề Đại Bái trên những tờ báo lớn ở Hà Nội. Dân làng nghề biết ơn ông là đi một lẽ, còn riêng tôi có điều làm tôi ân hận ông ạ! Đó là hôm tôi mời ông cùng các nghệ nhân về làng công đức, việc hệ trọng như thế mà hôm đó, lúc chia tay, tôi chưa nói lời chính thức để cảm ơn ông, điều đó làm tôi day dứt đến bây giờ. Hôm nay, tìm được địa chỉ, tôi xin được nói lời cảm ơn muộn màng, mong ông thứ lỗi. Tôi yếu lắm, không đến nhà thăm ông được, lát nữa, cháu ruột tôi mang đến nhà tặng ông một món quà nhỏ, ông thông cảm và nhận cho để tôi được thỏa lòng mình!”. Sau đó ít ngày, được tin ông Khuông mất, tôi không khỏi bàng hoàng. Cuộc gọi điện hôm đó, có thể là “món nợ” cuối cùng nơi trần thế, ông trả nốt để được thanh thản vào cõi vĩnh hằng?

nghe-nhan-nguyen-ngoc-khuong-thu-3-tu-trai-sang-.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuông (thứ 3 từ trái sang).

***

Nét thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện sinh động qua muôn vàn câu chuyện mà tôi chứng kiến trên các nẻo đường Hà Nội. Các nhân vật tôi kể trong bài viết này đều đã về thế giới bên kia, nhưng những việc làm bình dị và tiếng nói ân tình của những người thân yêu ấy tôi vẫn ghi nhớ trong lòng, điều đó đã giúp tôi luôn hoàn thiện mình trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ hôm nay./.

Trần Văn Mỹ