Lý luận - phê bình

Một nhu cầu khác của văn học thị trường Việt Nam đương đại

Yến Ly 09/10/2023 11:52

Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội sách Hà Nội lần thứ VIII - 2023, “Bản địa, thuần Việt, dân gian: Một nhu cầu của thị trường văn học đương đại” là chủ đề của buổi tọa đàm sôi nổi giữa TS. Đỗ Anh Vũ, nhà văn Thảo Trang và nhà văn Đức Anh cùng đông đảo độc giả. Sự kiện do Linh Lan Books tổ chức, diễn ra chiều ngày 8/10/2023 tại phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.

Chất “bản địa”, “thuần Việt”, “dân gian” trong văn học trẻ đương đại

Trong khoảng vài năm qua, dòng văn học dã sử, tiểu thuyết kinh dị, truyền kỳ tại Việt Nam đã có sự góp mặt của nhiều tác giả trẻ thuộc thế hệ cuối 8X và 9X. Có thể nói rằng, họ như một luồng gió mới mang đến những góc nhìn thú vị cho văn học Việt Nam đương đại. Trong số các tác giả đó, Thảo Trang là cây viết nổi lên với hai tác phẩm được nhiều người biết đến là Tết ở làng Địa NgụcNgủ cùng người chết.

Tết ở làng Địa Ngục là cuốn sách đầu tay của Thảo Trang, hiện đã được đạo diễn Trần Hữu Tấn chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên dài 12 tập, phát sóng trong tháng 10/2023 trên kênh K+Cine. Đây là câu chuyện xoay quanh những cái chết kỳ lạ ở làng Địa Ngục, mang nhiều yếu tố kinh dị với các nút thắt mở đầy kịch tính. Cuốn sách thứ hai của Thảo Trang là Ngủ cùng người chết tiếp tục hội tụ các yếu tố trinh thám và kinh dị đầy chất tâm linh, tác giả đã dấn thân khai phá đề tài về nạn buôn người và các hủ tục ở vùng biên.

quang-canh-bui-toa-dam.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Đề cập đến khái niệm “thuần Việt” trong văn học, TS. Đỗ Anh Vũ (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng: Đơn giản thì “thuần” trong “thuần Việt” có nghĩa là không pha trộn, không lai tạp. Đặt “thuần Việt” trong văn học, đó chính là câu chuyện văn hóa dân tộc, là cái đánh thức ta bằng sự gần gũi, là cái ta mà cần nhấn mạnh đậm đặc. Một tác phẩm/ trang văn được coi là “thuần Việt” khi nó mang đến cho người đọc sự quen thuộc với nhiều cảm xúc bằng văn hóa, đời sống của người Việt. Là nét in dấu cách cảm cách nghĩ của người Việt. Là câu chuyện của người Việt chứ không phải là yếu tố vay mượn ngoại lai. Được như vậy thì trang viết đó đã đủ thành công ở mức “thuần Việt”.

“Số lượng từ Hán Việt trong từ ngữ ta dùng rất lớn, dễ đến khoảng hơn 60% nhưng quan trọng là văn hóa của ta vẫn không bị đồng hóa. Việc xác định ngôn ngữ không dựa trên thống kê số lượng từ ngữ chịu ảnh hưởng hay vay mượn bao nhiêu phần trăm mà ở hai yếu tố “từ vựng cơ bản” và “ngữ âm”. Từ vựng cơ bản của ta không phải vay mượn và dù mang sự ảnh hưởng ngôn ngữ khác thì nó vẫn tồn tại song song giữa hai yếu tố của từ ngữ. Điều quan trọng là sử dụng từ phải thật đúng lúc đúng chỗ”, TS. Đỗ Anh Vũ nhấn mạnh.

Đại diện Linh Lan Books, nhà văn Đức Anh cho biết: Có nhiều đánh giá cho rằng, cách khai thác đề tài, xây dựng bối cảnh đậm màu văn hóa bản địa Việt Nam với lối hành văn dung dị, gần gũi chính là yếu tố làm nên thành công của các tác giả như Thảo Trang. Và trong hơn 120 bài bình luận về tác phẩm của Thảo Trang, có tới hơn 100 bài viết có nhắc tới các từ khóa “văn hóa bản địa”, “chất dân gian”, “tính thuần Việt”. Cùng lúc đó, đã có những góc nhìn, những bình luận từ giới chuyên môn đề cập tới “tính thuần Việt” trong các sáng tác trẻ gần đây.

Nhà văn Thảo Trang đề cập, từ khóa “tính thuần Việt” dường như mang tính chất của sự chuyển giao thế hệ? Chị chia sẻ, theo quan sát của chị thì trong các sáng tác của thế hệ nhà văn Đỗ Bích Thúy trở về trước, các từ khóa hay định hướng “thuần Việt” trong sáng tác không được nhắc đến nhiều, thậm chí là chưa xuất hiện.

“Thế hệ nhà văn Đỗ Bích Thúy trở về trước nằm trong bối cảnh xã hội khác bây giờ. Khi nước ta bước vào cuộc giao lưu quốc tế về văn hóa và đa lĩnh vực, sự du nhập văn hóa thế giới có ảnh hưởng nhất định đến quá trình sáng tác. Từ đó không tránh khỏi dẫn tới những đề tài, cách sử dụng ngôn ngữ hay xây dựng tính cách nhân vật… có phần xa rời văn hóa con người Việt Nam. Thậm chí, có không ít những sáng tác bị ảnh hưởng đến mức lậm văn phong hoặc bối cảnh nước ngoài, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Vì thế, tính “thuần Việt” và cảnh báo về tính “thuần Việt” chắc chắn cần thiết trong những trường hợp này”, TS. Đỗ Anh Vũ khẳng định.

cac-dien-gia-toa-dam.jpg
Từ trái qua: TS. Đỗ Anh Vũ, nhà văn Thảo Trang, nhà văn Đức Anh.

Sức mạnh của “văn hóa bản địa”

Nhắc tới câu chuyện “văn hóa bản địa”, tính “thuần Việt” hay “chất dân gian” trong tác phẩm của mình, nhà văn Thảo Trang cho rằng, dù thế hệ của chị có được tiếp xúc/ học nhiều với ngoại ngữ hơn các thế hệ trước nhưng chất Việt chính là ở nguồn cội. Đó là ngôn ngữ và cuộc sống hằng ngày từ lúc chào đời. Đó là huyết mạch tổ tiên và gia đình vẫn chảy và kết nối trong mỗi người. Đó là những áng văn chương của các bậc đi trước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi,… mà mọi người đều được học trên ghế nhà trường. Vì thế, với riêng chị, “chất dân gian”, “văn hóa bản địa” hay tính “thuần Việt” vừa là bản năng nhưng cũng vừa là một chủ đích. “Tôi thấy như thế phù hợp với mình hơn. “Thuần Việt” luôn có sẵn trong mỗi chúng ta, tôi chỉ là may mắn tỉnh giấc sớm hơn trong số những người thi thoảng bị ngủ quên”, nhà văn Thảo Trang chia sẻ.

TS. Đỗ Anh Vũ khẳng định, nhà văn nào sinh sống ở đâu mà viết được những tác phẩm mang đậm văn hóa vùng miền đó, đã là một thành công của chất “thuần Việt” và “bản địa”. Như văn chương Đỗ Bích Thúy, ta có thể đọc ra ngay được văn hóa miền núi phía Bắc. Hay như trong thơ Thạch Quỳ, Vương Trọng mang đậm phong vị quê hương xứ Nghệ là nơi họ sinh ra và lớn lên. Sự ảnh hưởng của quê hương chính là bản năng tiềm ẩn, chỉ chờ cơ hội của các yếu tố khác để cùng kết hợp mà tạo nên thành công. “Trong khoảng 15 - 20 năm trở lại đây, thể thơ tự do phát triển rất mạnh. Các cây viết trẻ phần lớn đều làm thơ tự do. Nhưng vẫn có nhiều người viết bằng thể thơ lục bát truyền thống. Lục bát “thuần Việt” vì gợi nhớ đến ca dao và những áng văn chương tuổi thơ. Đó là một lựa chọn của người viết”, TS. Đỗ Anh Vũ chia sẻ thêm.

Nhà văn Đức Anh đặt ra một vấn đề: “Liệu có phải trong cuộc sống vội vã của thời đại công nghệ và thế giới phẳng này, con người đều tự thấy cô đơn. Và khi đó, việc quay về với các giá trị truyền thống, các giá trị văn hóa bản địa như một nhu cầu, như một nơi cho họ an trú, chữa lành? Những năm gần đây, các câu chuyện văn hóa bản địa khu vực Á Đông nói chung, Thái Lan hay Việt Nam đều gợi sự tò mò và thích thú với thế giới. Chúng ta có thể thấy sự dịch chuyển của mối quan tâm này trong các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc… bằng các cảnh quay/ phim trường hay nhân vật nguồn gốc châu Á xuất hiện trong phim Hollywood… Liệu có phải thế giới đang có xu hướng chuyển dịch mối quan tâm về châu Á?”.

sach.-anh-nguyet-ngot-ngao.jpg
Hai cuốn sách "Tết ở làng Địa Ngục" và "Ngủ cùng người chết". Ảnh: Nguyệt Ngọt Ngào.

Là người đã có kinh nghiệm học tập tại môi trường quốc tế và làm việc với các đối tác nước ngoài, nhà văn Thảo Trang cho biết: “Sau những cuộc đàm phán công việc hay trao đổi học tập, điều mà người nước ngoài hỏi tôi đó là các câu chuyện văn hóa bản địa. Họ chỉ muốn biết người Việt Nam đón giao thừa như thế nào, ăn tết ra sao, cử hành tang lễ gồm các thủ tục gì… Và họ đã rất ngạc nhiên, thích thú trước những câu chuyện văn hóa bản địa mà tôi chia sẻ. Đặc biệt, họ rất thích nghe những chuyện tâm linh của người Việt hoặc về văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Điều này cho thấy thế giới rất “khát” nghe những câu chuyện về văn hóa bản địa và họ thích thú với điều đó. Theo quan sát của tôi, nội dung châu Á đang rất “đắt tiền” trên thị trường thế giới. Giá trị thương mại ở đây không phải là “tiền” ở nghĩa đen, mà là sự thu hút mọi người, là thị hiếu. Và đối với một tác phẩm văn học “thuần Việt”, ngoài ngôn ngữ, còn là đề tài, bối cảnh, cách diễn đạt… phải làm sao để hình thành nhân sinh quan bản địa, mang nét văn hóa bản địa, thì tôi nghĩ việc giới thiệu ra quốc tế là khả quan. Đó chính là sức mạnh của văn hóa”.

Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều chia sẻ khác đến từ các độc giả là người hâm mộ Thảo Trang hoặc vẫn theo dõi văn học đương đại Việt Nam cũng như người yêu sách./.

Nhà văn Thảo Trang sinh năm 1991, là một doanh nhân trẻ, đồng sáng lập của một công ty sản xuất thực phẩm tại nước ngoài. Bắt đầu từ một tác giả văn học mạng, cô hiện là nhà văn, nhà biên kịch. Từ năm 2021 - 2022, cô liên tiếp ra mắt 2 tiểu thuyết có yếu tố kỳ ảo và kinh dị là "Tết ở làng Địa Ngục" và "Ngủ cùng người chết".

Yến Ly