Danh thắng & Di tích Hà Nội

Di tích Bác Hồ thăm công trình hàn khẩu đê Mai Lâm (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 06/10/2023 16:10

Mai Lâm là vùng đất cổ xưa thuộc lưu vực sông Hồng, nổi tiếng với địa danh lịch sử “Hoa lâm viên” thời Lý. Với những thành tích trong hai cuộc kháng chiến, Mai Lâm được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt Mai Lâm có vinh dự tự hào được đón Bác về thăm, động viên nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, chống thiên tai, giành lại cuộc sống bình yên.

quan-tam-de-dieu.jpg
Bác Hồ luôn quan tâm, chăm lo tới công tác phòng, chống thiên tai

Năm 1957 xảy ra lũ lụt lớn, đoạn đê sông Hồng ở Mai Lâm bị vỡ phải tổ chức hàn khẩu. Những nhân chứng được gặp Bác nay còn nhớ như in vào một ngày tháng 7 năm 1957 trong khi đi thăm và cảm ơn một số nước đã giúp đỡ Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nghe tin nước nhà bị lũ lụt và vỡ đê ở Hà Nội, Bác về ngay và sắp xếp công việc đến thăm công trình hàn khẩu đê Mai Lâm, nơi đang khắc phục hậu quả của thiên tại.

Đoạn đê vỡ tại địa phận thôn Thái Bình - Phúc Thọ của xã. Để hàn khẩu đoạn đê này phải huy động rất nhiều bộ đội, dân công. Đoàn xe của Bác đến chỗ đê bị vỡ, Bác xuống xe rồi đến thăm công trình hàn khẩu đê. Tất cả mọi người đang gắng hết sức mình, hối hả chuyển đất, gánh đất, đóng cọc tre, chuyển các bao tai đựng đất đá để đắp đê.

Bác đến bất ngờ, tất cả đều ùa đến vây quanh Bác. Thấy hai thanh niên đang chuẩn bị vác hai bó nứa, Bác hỏi: Các cháu vác bó nứa như vậy có nặng không? Rồi Bác cúi xuống nhấc bó nứa lên thử và nói: Thanh niên mà vác thế này là không được, phải vác hơn nữa mới vừa sức. Sau đó Bác xuống hỏi thăm và nói chuyện với dân công và bộ đội. Bác hỏi: Các cô, các chú vất vả thế có được ăn no không? Thưa Bác chúng cháu được ăn đủ no ạ! Bác động viên anh chị em làm việc cho thật tốt.

Rời khỏi công trường, Bác vào thăm thôn Du Nội, đây là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của trận vỡ đê, xóm làng ngập cát, không trồng cấy được gì. Khi Bác vào làng, nhân dân trong xóm nghe tin Bác đến thăm ra đón Bác thật đông. Bác vừa đi vừa hỏi cán bộ và nhân dân trong thôn Du Nội với giọng nói đầm ấm thiết tha như người cha đi xa lâu ngày nay mới trở về.

Bác hỏi: Vỡ đê như vậy nhân dân bị thiệt hại có nhiều không? Một đồng chí cán bộ trả lời: Thưa Bác, đất cát bồi cao lắm ạ, có nhà lên tới mái tranh. Bác lại hỏi: Thế đất cát thì làm được gì? Thưa Bác ở đây đất bồi cát thì chỉ trồng được mía thôi ạ! Bác nói: Được đấy, các chú cố gắng mà lo cho dân. Bác lại hỏi: Ở đây đã sửa sai chưa? Thưa Bác ở đây đã sửa sai rồi ạ! Bác hỏi: Người được sửa sai có mặt ở đây không? Lúc đó có cụ Tịnh là người trong làng mới được sửa sai trả lời: Có tôi ạ! Bác hỏi xuống thành phần nào? Xuống trung nông ạ! Bác nói như thế là được rồi. Bác chỉ vào bể nước nhà ông Xuân rồi hỏi: Cái bể nước kia, một người vác có được không? Thưa Bác không ạ! Bác nói: Thế thì phải tổ chức đổi công, thành lập hợp tác xã để sản xuất mới thành công. Sau đó Bác ra về, cả làng lưu luyến tiễn Bác ra xe.

Thực hiện lời dạy của Bác, với truyền thống lao động cần cù nhân dân Mai Lâm đã biến đồng bãi cát thành những bãi mía cho năng suất cao, thành lập hợp tác xã. Đến nay bộ mặt nông thôn ở xã Mai Lâm đã thay đổi diện mạo, đường làng ngõ xóm phong quang rợp bóng cây xanh, nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống của nhân dân no đủ, đời sống văn hoá tinh thần được cải thiện đáng kể. Quê hương có bề dày lịch sử và truyền thống khoa bảng đã và đang phấn đấu bằng chính sức lực của mình để xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước phong tặng. Mong muốn lớn nhất của nhân dân Mai Lâm là xây dựng được một nhà bia tưởng niệm nơi Bác về thăm, ghi dấu khoảnh khắc lịch sử quý giá mà Bác đã dành cho nhân dân Mai Lâm./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)