Danh thắng & Di tích Hà Nội

Di tích lưu niệm Bác Hồ thăm trường Đại học Công đoàn (quận Đống Đa)

Sơn Dương (t/h) 06/10/2023 16:06

Địa điểm: 159 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa. Trường đại học Công đoàn tiền thân là lớp cán bộ công đoàn mở ngày 15/5/1946 tại đình Khuyến Lương (nay thuộc xã Trần Phú, huyện Thanh Trì).

dai-hoc-cong-doan.jpg
Đoàn Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Lãnh đạo trường Đại học Công đoàn chụp ảnh tại khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Nhà trường

Trường đại học Công đoàn trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và chịu sự quản lý chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường là trung tâm đào tạo cán bộ công đoàn, đào tạo cử nhân đa ngành kinh tế và quản lý kinh tế, bảo hộ lao động; đồng thời cũng là Trung tâm nghiên cứu về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam.

Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến tổ chức công đoàn và đào tạo cán bộ công đoàn. Tháng 4/1946, một số đồng chí lãnh đạo Hội Công nhân cứu quốc như Trần Danh Tuyên, Trần Cư... đến xin ý kiến Bác Hồ và Trung ương thành lập tổ chức công đoàn và mở rộng lớp đào tạo cán bộ công đoàn đầu tiên, Bác Hồ căn dặn: “Để có điều kiện mở rộng và tập hợp được đoàn viên thì phải có cán bộ và muốn có cán bộ thì phải mở lớp đào tạo, phải thành lập trường trước, sau đó mới mộ quân”.

Người còn trực tiếp đến thăm và nói chuyện 5 lần với nhà trường. Lần thứ nhất Bác Hồ thăm trường là ngày 19/1/1957 ở địa điểm 191 Tây Sơn. Bác nói chung về đường lối của Đảng đối với giai cấp công nhân - đội tiền phong của Đảng, về đạo đức vô sản, thái độ lao động và nhiệm vụ của công đoàn.

Tháng 12/1957, trường mở hội nghị tập huấn cán bộ công đoàn về “Quản lý xí nghiệp quốc doanh”, Bác lại đến thăm và nói chuyện.

Ngày 12/4/1958, trường mở lớp bồi dưỡng cán bộ công đoàn, Bác đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên và học viên tại hội trường.

Ngày 14/3/1959, Bác đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ công đoàn xí nghiệp toàn miền Bắc, tổ chức tại trường. Bác huấn thị: Công đoàn phải phát huy vai trò làm chủ của công nhân trong tham gia quản lý và tổ chức phong trào thi đua, phải liên hệ mật thiết với quần chúng và phải đoàn kết nội bộ. Mục đích của công đoàn là phải cải thiện dần đời sống vật chất và văn hoá của công nhân.

Ngày 13/8/1962, Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc họp ở 169 Tây Sơn. Hàng nghìn cán bộ công đoàn đã chăm chú lắng nghe lời Bác: “Cán bộ công đoàn chẳng những phải giỏi chính trị mà còn phải thạo về kinh tế, không thể lãnh đạo chung chung... Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí, kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong hệ thống công đoàn...”

Những lời Bác Hồ dạy qua 5 lần đến thăm trường đào tạo cán bộ Công đoàn đã trở thành kim chỉ nam và định hướng cho nhà trường trong công tác đào tạo và xây dựng các thế hệ cán bộ cho tổ chức Công đoàn các cấp. Trường đại học Công đoàn kế tục sự nghiệp của các trường cán bộ Công đoàn trước đây. Trường luôn coi kỷ niệm về những lần Bác Hồ đến thăm trường là tài sản vô giá và có giá trị giáo dục truyền thống to lớn về nhiều mặt.

Hiện nay tại Trường đại học Công đoàn, hội trường nơi Bác Hồ nói chuyện lần cuối ngày 13/8/1962 vẫn còn gần như nguyên vẹn, ngày càng được tôn tạo khang trang hơn.

Đây là nơi sinh hoạt chính trị, khoa học, văn hoá tập thể của cán bộ, công nhân viên và sinh viên nhà trường.

Tượng đài Bác Hồ thăm trường đã được xây dựng ở khu trung tâm như luôn nhắc nhở thầy và trò “Dạy tốt, học tốt”./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)