Di tích Sở chỉ huy K18 (quận Thanh Xuân)
Di tích mang tên Sở chỉ huy K18 hiện nằm trong khuôn viên Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, thuộc phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Có thể đi bằng nhiều phương tiện khác nhau để tới di tích, nhưng thuận tiện nhất vẫn là đường bộ. Từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, tới Ngã Tư Sở, rẽ trái theo đường Trường Chinh, đi khoảng 1,5km đến số 176 là tới Bảo tàng
Quân chủng phòng không không quân - Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân - Sở chỉ huy K18.
Sở chỉ huy K18 là di tích nằm trong quần thể di tích quân sự chiến lược của Quân chủng phòng không không quân, di tích gồm: hầm ngầm bằng bê tông cốt thép, nhà làm việc của Bộ tư lệnh Quân chủng, một số cơ quan tham mưu chính trị, hậu cần.
Theo chỉ thị của Bộ Chính trị Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh yêu cầu hợp nhất Bộ tư lệnh Phòng không và Cục Không quân, ngày 22/10/1963 Quân chủng được thành lập. Đại tá Phùng Thế Tài là Tư lệnh, đại tá Đặng Tính là Chính ủy Quân chủng. Quân chủng gồm 3 binh chủng: cao xạ, không quân và ra đa.
Ngay sau khi thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân đã phải đương đầu với lực lượng không quân của đế quốc Mỹ, đó là đầu năm 1964. Để chủ động đánh địch, Sở Chỉ huy K18 đã chuyển toàn Quân chủng từ trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong thời bình sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong thời chiến. Sở Chỉ huy K18 tổ chức mạng ra đa tình báo Quốc gia mở máy suốt 24/24giờ, bám sát chặt chẽ từng tốp máy bay trinh sát bầu trời miền Bắc nước ta.
Sở Chỉ huy K18 với tư cách là cơ quan đầu não của lực lượng Phòng không Quốc gia cùng với những đơn vị chiến đấu đã đóng vai trò quyết định chỉ huy đánh thắng trận đầu ngày mồng 5/8/1964. Ngày này, địch đã dùng 64 máy bay đánh 3 đợt vào 4 khu vực, 8 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Đây là một chiến thắng lịch sử có ý nghĩa to lớn về quân sự và chính trị, gây tiếng vang lớn trên thế giới, khích lệ toàn quân, toàn dân ta đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Sau thất bại ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ mở chiến dịch “Mũi lao lửa” từ ngày 7 tháng 2 đến ngày 11/2/1965 đánh vào Vĩnh Linh - Đồng Hới - Quảng Bình để trả thù. Do yêu cầu của cuộc kháng chiến, Sở Chỉ huy K18 phải điều thêm lực lượng vào khu 4 gồm 4 trung đoàn cao xạ và 2 tiểu đoàn học viện sĩ quan…
Ngày 3/4/1965, Sở Chỉ huy K18 đã chỉ huy không quân cất cánh trận đầu. Đây là trận phối hợp tác chiến giữa cao xạ trên bộ và cao xạ trên tàu Hải quân và Không quân.
Ra quân trận đầu, liên đội Phạm Ngọc Lan đã đánh thắng trở về - bộ đội cao xạ ở Hàm Rồng đã bắn rơi máy bay địch, bảo vệ được cầu.
Sau chiến thắng cầu Hàm Rồng, đến đầu tháng 7/1965 Sở Chỉ huy K18 đã tính hàng loạt phương án đưa tên lửa ra đánh trận đầu. Ngày 19/7/1965, Bác Hồ gặp các đoàn cao xạ xung kích E241 và E234 bảo vệ tên lửa để động viên các chiến sĩ bước vào trận đánh lịch sử. Ngày 24/7/1965, bộ đội tên lửa ra quân trận đầu, tiêu diệt 2 máy bay F40, bắt sống giặc lái (chiếc máy bay thứ 400 rơi trên miền Bắc).
Từ khi chiến tranh nổ ra, Sở Chỉ huy K18 đã được đón những tướng lĩnh như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Văn Tiến Dũng... Đặc biệt người cha già thân yêu của lực lượng vũ trang và Quân chủng phòng không không quân - Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Sở Chỉ huy K18 để nghe Bộ tư lệnh Quân chủng báo cáo và chỉ đạo (tư liệu hiện còn lưu lại tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân).
Liên tiếp sau đó, ngày 21/4/1967, Bộ tư lệnh Quân chủng tổ chức phổ biến phương án chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng tại Sở Chỉ huy K18; vào các ngày từ 25/4 đến 29/4/1967, mặt trận Hà Nội, Hải Phòng đã chủ động đánh địch và chiến thắng giòn giã.
Sau khi chỉ huy đánh trả địch trong 5 ngày liền cuối tháng 4/1967 - Sở Chỉ huy K18 tạm ngừng hoạt động và chuyển lên K12 - Chùa Trầm.
Như vậy, liên tục từ tháng 10/1963 đến tháng 5/1967, Sở Chỉ huy K18 là nơi chỉ đạo chiến lược chuyển tiếp giữa Trung ương, Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh tới Sở Chỉ huy trong việc đập tan cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc.
Sở Chỉ huy K18 là một trong những di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Di tích Sở Chỉ huy K18 đã được Nhà nước xếp hạng năm 1996.
Vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10/10/2005, Thành phố Hà Nội, Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân và quận Thanh Xuân đã tổ chức lễ gắn biển di tích cách mạng - kháng chiến cho di tích Sở Chỉ huy K18./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02