Danh thắng & Di tích Hà Nội

Địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cây đa Ba Trại (huyện Ba Vì)

Sơn Dương (t/h) 05/10/2023 09:09

Trên con đường Tỉnh lộ 87 từ Sơn Tây lên Đá Chông - K9, đến địa phận xóm Trung Thượng, thôn 9, xã Ba Trại, huyện Ba Vì chúng ta sẽ nhìn thấy bên đường một quả đồi thoai thoải có một cây đa to nằm ngay ven đường, nơi đây đã ghi dấu sự kiện Bác Hồ đến thăm, động viên Đảng bộ và nhân dân xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội.

cay-da-ba-trai.jpg
cay-da-ho-chu-tich-ba-trai.jpg
Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cây đa Ba Trại hiện nay.

Mùa hè năm 1957 trên đường Bác về ở và làm việc tại căn cứ Đá Chông - K9. Sau khi Bác đi, nhân dân xã Ba Trại đã gìn giữ cây đa chỗ Bác đứng để ghi dấu sự kiện này, đến nay cây đa đã phát triển xanh tốt, toả bóng mát xum xuê. Nhân dân quen gọi đây là Cây đa Bác Hồ.

Nhân dân Ba Trại chủ yếu là người Mường có nguồn gốc từ vùng Hoà Bình. Theo các cụ trong làng kể lại thì cách đây khoảng 200 năm, một nhánh của người Mường tỉnh Hoà Bình đã rời làng đi tìm nơi sinh sống mới đến vùng đất phía bắc chân núi Ba Vì lập nên các trại như: Trại Sẩm (xóm Sẩm ngày nay), Trại Trám (xóm Trám ngày nay), Trại Trung (xóm Trung Hạ ngày nay),...

Là một vùng dân tộc thiểu số nhưng với truyền thống yêu nước vốn có kết hợp với ánh sáng của con đường cách mạng do Đảng và Bác Hồ dẫn dắt, nhân dân huyện Ba Vì nói chung và nhân dân xã Ba Trại nói riêng đã có những công lao to lớn đóng góp cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Để động viên tinh thần của nhân dân trong xã, mùa hè năm 1957 trên đường về làm việc ở căn cứ Đá Chông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Người thăm hỏi tình hình sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân nơi đây, Người động viên nhân dân hăng hái lao động sản xuất để ổn định đời sống kinh tế tích cực trồng nhiều cây xanh vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc vừa mang lại lợi ích kinh tế cho nhân dân. Sự kiện này nói lên tình cảm và sự quan tâm của Người không chỉ dành cho đồng bào vùng đồng bằng, đồng bào theo đạo thiên chúa mà tình cảm và tình thương yêu của Người còn dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa ít có điều kiện phát triển.

Di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay còn giữ lại được một cây đa to, trải qua thời gian hơn 50 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm, cây đa đã phát triển xum xuê toả bóng mát, đường kính thân cây chỗ lớn nhất khoảng 3m. Từ gốc cây có 9 cành lớn toả ra các hướng tạo cho thân cây có tán rộng, cân đối, đường kính cành lớn nhất khoảng 50cm. Từ các cành cây có các rễ cây mọc ra đâm thẳng xuống đất càng tạo cho cây có dáng vẻ cổ kính, vững chãi bám vào vùng đồi núi.

Nhằm bảo vệ di tích ghi dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lưu giữ những tình cảm của Người với nhân dân địa phương, UBND xã đã bảo vệ, quy hoạch di tích rộng với diện tích gần 1.000m2, xây tường bao cao 1m xung quanh ngăn cách với khu vực dân cư và đường giao thông. Bên cạnh gốc đa đã xây dựng đền thờ tưởng niệm Bác, làm đường đi, lát sân sạch sẽ và trồng thêm cây lưu niệm....

Ngay sát đường tỉnh lộ đi Đá Chông là cổng vào di tích, cổng được xây rộng 7m với 2 trụ cột 2 bên và để trống, từ cổng là đường bê tông dẫn thẳng đến chỗ cây đa. Vị trí cây đa Bác đứng nói chuyện được xây bao quanh cao hơn mặt đất khoảng 50cm với hình bát giác và bậc tam cấp, diện tích 156m2. Dưới gốc đa là 2 tấm bia ghi:

1. “Dân tộc ta, nhân dân ta đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” (Trích Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam).

2. “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”

Đền thờ Bác Hồ được xây ngay ở bên trái gốc đa, với diện tích 110m2. Đền được xây bằng bê tông cốt thép vững chắc với 3 gian 2 chái, lợp ngói di. Bên trong đền thờ là hương án thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đồng bán thân của Bác và các đồ thờ tự khác.

Hiện nay, di tích lưu niệm này trở thành nơi sinh hoạt văn hoá của nhân dân xã Ba Trại, là nơi ôn lại truyền thống hào hùng của quê hương và là nơi tưởng niệm Bác Hồ kính yêu của nhân dân trong xã nói riêng và du khách thập phương nói chung./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)