Sân khấu - Điện ảnh

Nhà văn best-seller Anh Khang kể chuyện cơm tấm thời tiểu học trong "Của ngon vật lạ"

Hải Kiên 06/10/2023 07:36

Với chủ đề “Cơm tấm”, trong chương trình Của ngon vật lạ (sẽ được phát sóng lúc 12 giờ ngày 8/10/2023 trên kênh VTV3), nhà văn Anh Khang thốt lên “có một sự xúc động nhẹ”, nhớ về một thuở cắp sách tới trường với món ăn truyền thống.

Cơm tấm từ lâu đã trở thành món ăn đặc trưng cho nét bình dị, dân dã của người TP. HCM. Không chỉ có mặt trong 10 món ăn hấp dẫn nhất của thành phố này, cơm tấm còn được vinh danh một trong 10 món ăn từ gạo ngon nhất thế giới. Bao nhiêu năm trôi qua, TP.HCM hội tụ tinh hoa ẩm thực từ khắp miền vùng và quốc tế, song món cơm tấm vẫn giữ cho mình một vị trí riêng.

anh-khang-3-.jpg
Nhà văn Anh Khang với nhiều tác phẩm best-seller được bạn đọc trẻ tuổi yêu thích như Ngày trôi về phía cũ, Đường hai ngả người thương thành lạ, Buồn làm sao buông...

Xuất hiện trong chương trình Của ngon vật lạ trong vai trò giám khảo khách mời, nhà văn Anh Khang bày tỏ: Nghe tới món ăn cơm tấm bỗng thấy trào dâng niềm xúc động. Người dân TP.HCM ăn cơm tấm có khi nhiều hơn người Hà Nội ăn phở. “Món ăn này gợi ký ức của tôi. Hồi nhỏ tôi thường thức khuya dậy muộn nên mua hộp cơm để sau tiết học mang ra ăn, đây là món ăn phổ biến và “truyền thống” với học sinh tiểu học thế hệ của tôi”, nhà văn Anh Khang, chia sẻ.

Là nhà văn của những nỗi buồn với nhiều tác phẩm best-seller như: Ngày trôi về phía cũ, Đường hai ngả người thương thành lạ, Buồn làm sao buông…, món cơm tấm xuất hiện gián tiếp trong nhiều trang viết của Anh Khang. Anh và một người bạn cũ thường đi ăn với nhau, nên món ăn này vừa là kỷ niệm, vừa xuất hiện trong hành trang trưởng thành của nhà văn 8X.

Nhà văn Anh Khang cho biết thêm: “Nếu nói mỗi món ăn đều gợi cho chúng ta nỗi nhớ niềm thương một vùng đất, món ăn chính là văn hoá, lối sống của một vùng miền thì cơm tấm cũng chính là một món ăn gợi rất nhiều thương nhớ về đồng bằng sông Cửu Long, nơi cho ra những hạt gạo, hạt ngọc của trời. Nhắc tới món ăn quen thuộc này, Khang tin rằng tất cả mọi người dù đến từ bất kỳ thành phố nào đi chăng nữa, nếu đã thử món cơm tấm chắc chắn sẽ có nhiều hồi ức và kỷ niệm đẹp”.

Trong chương trình, khán giả được xem hai đôi chơi “Bếp nhà Gạo” và “Tiệm ăn đam mê” tranh tài. Thành viên của các đội chơi đều là những người có chung tình yêu với gian bếp cũng như các món ăn. Với “Bếp nhà Gạo”, cả bố và mẹ đều có thể đứng bếp, ở nhà 2 vợ chồng thường cùng nhau nấu món lẩu, kho hay giả cầy, món ăn yêu thích dành cho các bé là sườn xào chua ngọt. Tùng Dương chia sẻ đặt tên “Tiệm ăn đam mê” vì anh có một tình cảm mãnh liệt với đồ ăn và mong muốn trong tương lai sẽ mở một tiệm ăn nho nhỏ. Món ăn mà Tùng Dương thích nấu đó là bún ngan. Tuy nhiên, sở thích đứng bếp đã không giúp 2 đội gọi tên chính xác món ăn trong tháp 3 tầng ở phần Thực nếm. Bù lại, hai đội đã có màn bứt phá khi khám phá 3 tầng tháp gia vị của phần Thực hiểu để giành quỹ thời gian đủ cho phần Thực nấu.

anh-khang-1-copy.jpg
Nhà văn Anh Khang (ngoài cùng bên phải) chấm điểm món ăn trong chương trình Của ngon vật lạ.

Chủ đề của phần Thực nấu trong Của ngon vật lạ mang tới sự ngạc nhiên cho cả ban giám khảo cũng như hai đội chơi. Thử thách sáng tạo món ăn mới từ nguyên liệu nấu cơm tấm được mang tên Món cuốn. Đội “Bếp nhà Gạo” lựa chọn ý tưởng Cơm cuộn ba chị em, còn “Tiệm ăn đam mê” thể hiện món Cơm cuốn thịt cốt lết. Trong gần 30 phút, cả hai đội đã hoàn thành món ăn có màu sắc hấp dẫn, nổi bật, hương vị cuốn hút tạo cảm giác muốn được nếm thử.

Ban giám khảo gồm đầu bếp Nguyễn Mạnh Hùng, Food Blogger Sammy và nhà văn Anh Khang sẽ đưa ra quyết định chung cuộc thế khi cả hai món ăn đều ngon, trang trí đẹp và mỗi đội lại sở hữu điểm khác biệt riêng./.

Hải Kiên