Người Nhị Khê giữ gìn nghệ thuật chèo truyền thống
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:58, 12/12/2020
Làng Nhị Khê, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội trước đây là đồng chiêm trũng, cứ mỗi mùa mưa lũ về lại trắng trời trắng nước. Cấy cày hai vụ thì mùa thối chiêm khê, đời sống người dân quanh năm nhọc nhằn, nghèo khổ. Vậy mà mảnh đất này vẫn luôn giàu tiếng hát vì người Nhị Khê chưa khi nào ngừng bền bỉ giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống của cha ông.
Những “nghệ sĩ” nông dân Câu lạc bộ chèo Nhị Khê vẫn bền bỉ giữ gìn nghệ thuật chèo truyền thống của quê hương.
Từ những thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ trước, người dân quanh vùng được đắm mình trong tiếng hát tuồng, chèo, cải lương vang bóng một thời của người Nhị Khê. Những vai kép: Lê Văn Kể, Phạm Văn Đệ, Nguyễn Văn Quỳ, Lê Văn Chương, Nguyễn Văn Bản, Ngô Hữu Bao có giọng hát vang khỏe, điệu bộ tinh tế với những vở diễn: “Bao công tra án Trần Sĩ Mỹ”, “Sơn Hậu”, “Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài”, “Chị Tấm anh Điền”, “Bà mẹ bên sông Hồng”, “Cô gái Long Châu Sa”… làm say bao thế hệ khán giả.
Kế tiếp truyền thống đó, tháng 10/2004, Câu lạc bộ chèo Nhị Khê được UBND xã Hoàng Long ra quyết định thành lập với 38 diễn viên nhạc công. Bắt đầu từ đây, những người con: Lê Hồng Viên, Lê Hồng Vê, Nguyễn Thị Hiệp, Phạm Văn Đề, Lê Thị Đằng, Phạm Thị Dung, Lê Thị Dỡ, Ngô Văn Hùng lại nối tiếp cha ông và thắp lửa, làm giàu thêm tiếng hát quê hương.
Câu lạc bộ chèo Nhị Khê có chủ nhiệm Nguyễn Văn Tân thẳng thắn nhiệt tình, biết tập hợp đoàn kết mọi người. Chủ nhiệm Tân cũng có khả năng chuyên môn, lúc là diễn viên trên sân khấu, lúc là nhạc công đánh đàn thổi sáo. Còn phó chủ nhiệm Lê Hồng Viên, thư ký Lê Hồng Vê là những người có giọng hát hay truyền cảm, thường đảm nhiệm các vai chính trong nhiều vở diễn.
Dù hoạt động với quy mô nhỏ, gọn nhưng câu lạc bộ có hẳn một dàn nhạc vững mạnh, gồm 8 nhạc công với những nhị, líu, sáo trúc, đàn tam, đàn tứ, đàn măng-đô-lin, đàn ghi ta, trống đế. Tuy chỉ là những nông dân một nắng hai sương nhưng họ đều am hiểu làn điệu, biết xử lý nhạc nền, nhạc dẫn. Đặc biệt, “diễn viên” đang tham gia câu lạc bộ thì hội đủ mọi lứa tuổi. Trong đó, bậc cao niên nhất là cụ Nguyễn Hữu Đôi năm nay đã 95 tuổi, từng ra vai giáo đầu, độc tấu hài rất có duyên. Kế tiếp đó là cụ Lê Thị Lối 86 tuổi vẫn thường xuyên có mặt trong những buổi luyện tập biểu diễn. Tiếp đó là những nữ chính, nữ lệch có giọng hát mượt mà và lối diễn xuất tự nhiên như: Nguyễn Thị Hiệp, Nguyễn Thị Khanh, Nguyễn Thị Dùng, Lê Thị Đằng, Phạm Thị Dung; kép Phạm Văn Đề - một diễn viên hát chèo, hát văn được người nghe mến mộ.
Chẳng những thế, trong câu lạc bộ còn có các anh chị Nguyễn Thị Lê, Lê Thị Dỡ, Ngô Văn Hùng tích cực đóng góp công sức khi đảm nhiệm hai vai: vừa là diễn viên vừa là nhạc công. Còn những gia đình có mấy thành viên cùng đam mê với những làn điệu chèo thì không hiếm, có thể kể đến những gia đình như: cụ Nguyễn Hữu Đôi cùng cô con gái Nguyễn Thị Hiệp; ông Phạm Văn Chưa và con gái Phạm Thị Dung; ông Nguyễn Văn Xòe với em trai Nguyễn Văn Sơn; Lê Hồng Viên, em gái Lê Hồng Vê...
Với một đội ngũ “nghệ sĩ”, “diễn viên”… thuần nông hùng hậu và tâm huyết như thế, thời gian qua Câu lạc bộ chèo Nhị Khê đã dàn dựng được không ít vở chèo đặc sắc như: “Tấm Cám”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Mục Liên Thanh Đề”… Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn đầu tư dàn dựng công phu các trích đoạn chèo cổ như: “Xã trưởng - mẹ Đốp”, “Thị Màu lên chùa”, cùng nhiều bài hát, điệu múa ngọt ngào. Và từ những trò diễn, làn điệu chèo truyền thống ấy, các “nghệ sĩ” đã sáng tạo, dàn dựng những vở chèo ngắn kể những câu chuyện của đất và người Nhị Khê hôm nay như: “Nước mắt người mẹ”, “Trên đất Nhị Khê”, “Cây đậu tương”, “Chuyện làng nghề”, “Quán bên đường”, “Hoàng Long vào hội”.
Hàng năm, câu lạc bộ có chương trình biểu diễn mừng Đảng mừng Xuân, mừng hội làng vào dịp Tết Nguyên Đán và ngày 12/8 âm lịch, biểu diễn tại các hội nghị của xã. Đây là dịp để các nghệ sĩ “khoe” với dân làng cũng như khách thập phương những vở diễn chèo cổ, chèo hiện đại hay các trích đoạn, bài hát, múa… được mọi người dày công tập luyện sau những ngày làm đồng vất vả. Và, tiếng hát chèo của Nhị Khê còn bay xa đến hội làng ở Khánh Hạ, Hồng Vân (Thường Tín - Hà Nội), huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), hội nghị tổng kết cấy lúa cải tiến khu vực sông Hồng ở Mỹ Đức (Hà Nội). Nhạc công của câu lạc bộ đã hỗ trợ nhạc cho huyện Ứng Hòa, huyện Thanh Oai, liên hoan làng nghề huyện Phú Xuyên.
Nổi bật là năm 2004, câu lạc bộ tham dự Liên hoan văn nghệ ngành bảo vệ thực vật các tỉnh sông Hồng tại Vĩnh Phúc và giành giải Ba. Năm 2014, câu lạc bộ tham dự Liên hoan nghệ thuật sân khấu không chuyên Hà Nội với vở chèo “Nước mắt người mẹ” đã được tặng giải A2 cho tiết mục và giành hai giải cá nhân A1 cho Lê Hồng Viên, giải A2 cho Lê Hồng Vê. Năm 2017, câu lạc bộ tham dự Hội diễn Sân khấu Thủ đô với vở chèo “Quán bên đường” được tặng giải A1 cho tiết mục; giải cá nhân A1 cho Lê Hồng Vê A1, giải A2 cho Lê Hồng Viên và Lê Thị Đằng. Vì vậy, năm 2017, UBND huyện Phú Xuyên đã tặng giấy khen cho câu lạc bộ là đơn vị xuất sắc nhất. Năm 2020, câu lạc bộ và chủ nhiệm Nguyễn Văn Tân được UBND xã Hoàng Long tặng giấy khen có thành tích xây dựng nông thôn mới.
Theo chủ nhiệm Nguyễn Văn Tân, để Câu lạc bộ chèo Nhị Khê có được những thành tích đó là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã, thôn; sự hỗ trợ kinh phí làm sân khấu ngoài trời, biểu diễn dã ngoại của doanh nghiệp Nguyễn Văn Điền; trang bị loa, âm thanh biểu diễn của doanh nhân Nguyễn Văn Chuẩn. Về chuyên môn, câu lạc bộ được nhà biên kịch, soạn giả Xuân Cung, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây (cũ) giúp đỡ từ ngày đầu thành lập. Nhiều lần ông về dạy hát, dạy múa, dạy biểu diễn nên hầu hết diễn viên ở đây hát thành thạo nhiều làn điệu chèo, đúng nhịp phách, lại hát có màu, thể hiện được tâm trạng nhân vật. Những tiết mục đi tham dự liên hoan, hội diễn của câu lạc bộ đều do ông sáng tác và trực tiếp đạo diễn. “Người dân Nhị Khê rất yêu nghệ thuật chèo. Mỗi khi có chương trình biểu diễn, dân làng không chỉ đến xem, cổ vũ động viên mà còn ủng hộ tiền cho câu lạc bộ, khi thì 3 triệu, lúc lại 4-5 triệu, tuy không nhiều nhưng là nguồn động viên quý giá” - ông Nguyễn Văn Tân cho biết.
Là người đồng hành cùng sự phát triển của câu lạc bộ, biên kịch, soạn giả Xuân Cung cũng chia sẻ: “Đội ngũ diễn viên, nhạc công của Câu lạc bộ chèo Nhị Khê thật đáng trân trọng. Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều đội văn nghệ ở các làng, xã khác rơi vào cảnh rệu rã, nằm im thì ở Nhị Khê suốt 16 năm qua những người nông dân ấy vẫn bền bỉ say sưa hoạt động. Ngay cả những khi đang trong mùa vụ cày cấy gieo trồng, giũ sạch bùn đất ruộng đồng mọi người lại say sưa học hát, học diễn để có tiết mục chất lượng phục vụ nhân dân”.
Câu lạc bộ chèo Nhị Khê giờ đây được bổ sung thêm nhiều thành viên như anh Nguyễn Văn Sáu và những diễn viên trẻ trong đó có Vi Thị Thúy - Chi hội trưởng phụ nữ thôn, góp phần làm cho câu lạc bộ thêm xuân sắc. Có thể thấy, quê hương Nhị Khê đang đổi mới từng ngày cùng tiếng hát chèo được gìn giữ ngân vang bay bổng...