Những hàng thông lặng im
Những hàng thông đã lặng im từ lâu lắm. Như từ hóa thạch, như từ lòng đất, như từ đại dương, những đại dương san hô mà loài người đã vô tình quên lãng. Thông như là sự hóa thạch của những trầm tích ấy. Những trầm tích mà hôm nay, ngày mai, bất cứ khi nào có thể lại sẽ reo ca trong lòng bạn. Này hỡi em yêu! Và đó là một sự nhiệm màu!
Phải mất lâu thật lâu tôi mới thoát ra khỏi cảm giác say trong bước chân của người thơ lữ thứ, đến thành phố này, ăn thành phố này, ngủ thành phố này, yêu thành phố này và mắc nợ thành phố này để thấy rằng buổi chiều như một rặng san hô trầm tích.
Thành phố như một mùa trầm tích, yêu thương như một mùa trầm tích. Và Đà Lạt ư, với những hàng thông lặng im đầy vơi thời gian kia như vừa thoát ra khỏi một thành phố cổ dưới lòng đại dương để mà du dương hoài niệm… Những rặng thông như đã từng là hóa thạch của những rặng san hô từ triệu triệu năm. Như từ khi bạn chưa biết yêu, như từ khi tôi chưa lớn lên, như từ khi con tim còn chưa biết quên… những hàng thông đã đứng đó, luôn đứng đó, như những người đàn ông mỉm cười nhìn những người đàn bà hạnh phúc. Và trong số những người đàn ông ấy, trong những cây thông trầm tư thời gian đan vào những ngón tay đan ấy, ắt hẳn có cả những người đàn ông bị phụ tình.
Ôi! Những người đàn ông bị phụ tình, có phải là những buổi chiều đang rơi miệt mài ngoài mái hiên kia.
Đà Lạt mưa, tôi mưa, em mưa, con đường mưa, thời gian mưa, quá vãng mưa, chân đồi lưa thưa một bóng hoe vàng. Một bóng hoe vàng của loài cúc dại hoe buồn. Đà Lạt là thế, là sương đấy, là mưa đấy, là gió đấy, là trống trải đấy. Hẳn rồi, khi bạn cô đơn.
Khi tôi lớn lên thì thông đã reo ca bao đời trên đầu. Thông xanh mươn mướt, thông sạch man mát, thông kiên trung hơn lưỡi mác đường gươm. Và thông là ai, hỡi những hàng thông lặng im kia?
Thì bởi những hàng thông lặng im kia đã lặng im ngàn đời trên đầu, giữa những bon chen, giữa những trái ngang, giữa những cơ cực, giữa những ngờ vực, giữa những trầm tích mà tôi từng nghĩ thông hóa san hô… Đời thông là những tiếng thì thào vi vu… Là gì ư? Là “kiếp sau xin chớ làm người”…
Thành phố này đẹp vì thông? Đừng ai cãi nhảm với tôi điều đó! Nhưng thành phố này cũng buồn vì thông? Cũng lại đừng ai tranh luận với tôi điều đó. Bởi vì sao? Chẳng vì sao hết, bởi vì thông luôn luôn im lặng. Mà sự im lặng tội nghiệp khiến cho đôi lúc tôi đã có cảm giác: hàng thông kia, cây thông kia như những người đàn ông bị phụ tình…
Ở nơi xứ thông, ở nơi vi va vi vu vi vút kia, thành phố đôi lúc ôm cái dấu lặng thật to trong những khuông nhạc thật nhỏ mà ngân nga cả những “đồi thông hai mộ”. Hình như những dấu lặng ấy, những quãng lặng ấy đã trỗi lên những thung lũng tình, những thung lũng yêu, những thung lũng của bao dung. Và sự bao dung chói chang nhất luôn luôn là sự bao dung im lặng. Khi ấy tôi nhận ra vẻ đẹp tuyệt vời của đàn ông.
Một buổi chiều lãng đãng mưa bay, nhìn những đôi tình nhân dắt dìu nhau ngang qua xứ thông, tôi lãng xẹt qua một vài điệu nhạc u buồn “thành phố nào vừa đi đã mỏi”. Kỳ lạ thay, con người chúng ta lại ưa chuộng những thứ buồn tê tái, những vẻ đẹp tê tái, những lời yêu thương tê tái… Đứng trong thứ chiều cũng tê tái đang đưa đẩy những vẻ đẹp ủy mị lên đôi môi em, bất giác tôi lại nhớ đến người thiên cổ với câu thơ trác tuyệt:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”
Thông luôn là sự vận động, một dòng vận động nhiều chiều trong sự lặng im. Những vẻ đẹp lặng im chưa bao giờ chết! Và thành phố này đã sống động vì thông đến nhường nào?
Đêm đổ xuống đồi thông, những đồi thông bất tận, đứng trên ban công của một khách sạn hạng sang ở trung tâm thành phố Đà Lạt tôi nhìn ra cuộc đời ngoài kia. Và cuộc đời ấy là gì? Giữa những bàn tay ấm như than hồng mà người người đang đan vào nhau, giữa những cơn mưa vừa lướt qua hè phố mà những đôi môi chưa kịp bậm vào nhau, giữa những lời yêu thương vừa rơi rụng ở đâu đó nơi khu chợ đêm mà mỗi lần ghé Đà Lạt nhất định bạn phải đến, thì ngoài kia, nơi xa xa kia những hàng thông đang cô đơn…
Những hàng thông cô đơn, chúng cô đơn như những rặng san hô trong giấc mơ ngớ ngẩn thi ca của tôi. Mà hình như tôi đã tiên đoán trước một điều, dẫu có đi hết cuộc đời này tôi cũng chẳng bao giờ nói cho cạn vẻ đẹp của sự cô đơn. Một vẻ đẹp của thông, hay cũng là một vẻ đẹp của con người. Bởi thông là bao dung.
Hỡi em yêu! Cho ta quỳ dưới hàng thông kia một đêm sương giá. Núi non kia là bóng cả. Chẳng che chắn nổi một đời vi vu… Và đó là một sự nhiệm màu!