Danh thắng & Di tích Hà Nội

Di tích Địa đạo kháng chiến Nam Hồng (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 02/10/2023 15:16

Đi trên đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, qua khỏi cầu Thăng Long khoảng hơn 2km về phía bắc, chúng ta đến vùng đất của xã Nam Hồng, với những cánh đồng lúa, màu tươi tốt và các nhà máy, công trường cùng các công trình kiến trúc dân dụng đang mọc lên san sát, đang đô thị hóa và biến đổi hàng ngày. Qua vùng quê này, hẳn ít ai có thể tin rằng trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây, đã là một vùng quê máu lửa, chiến trường khốc liệt. Nằm ở phía tây huyện Đông Anh, giáp giới với địa phận của tỉnh Vĩnh Phúc, vùng giáp ranh quyết liệt giữa ta và địch, cách Hà Nội - trung tâm sào huyệt đầu não của địch khoảng 10km.

xa-nam-hong-ngay-nay.jpg
Xã Nam Hồng ngày nay.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nam Hồng luôn là “cái gai” nhọn thọc sâu sát nách thủ phủ của địch. Do có vị trí như vậy, Nam Hồng là địa điểm chiến lược đặc biệt then chốt đối với cả ta và địch: Ta kiên quyết giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích để tiêu hao quấy rối địch; địch cũng luôn mong muốn đánh bật được lực lượng của ta, bình định và lập chính quyền của chúng. Nam Hồng quán triệt quan điểm toàn dân toàn diện của cuộc kháng chiến đã thực hiện khẩu hiệu: “Mỗi thôn là một pháo đài, mỗi nhà là một tổ tác chiến, mỗi người là một chiến sĩ”. Quân dân Nam Hồng không phân biệt trẻ già, trai gái đều tích cực tham gia tạo dựng nên một làng kháng chiến, một khu du kích anh hùng đánh địch quyết liệt. Trải qua 8 năm tham gia kháng chiến, Nam Hồng không còn một ngôi nhà nguyên vẹn và có tới hơn 100 liệt sĩ. Tuy gian khổ khó khăn nhưng quân dân Nam Hồng đã làm nên những kỳ tích oai hùng với 308 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt, bắt sống nhiều địch, được nhà nước thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen các loại, 4 bà mẹ được phong danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Khu di tích Nam Hồng ngoan cường tồn tại và phát triển một phần nhờ vào ý chí quyết tâm của con người, một phần cũng nhờ thiết kế làng kháng chiến hoàn hảo. Một sáng tạo được ghi nhận rõ nét nhất đó là hệ thống giao thông hầm gọi là “địa đạo”. Địa đạo là một công trình độc đáo của quân dân Nam Hồng suốt các năm kháng chiến, vượt qua bao gian khổ, khó khăn, Nam Hồng đã đào đắp hàng vạn mét khối đất hào lũy để xây dựng nên một làng kháng chiến liên hoàn với quy mô toàn xã, liên xã. Làng kháng chiến được hoàn chỉnh với hào lũy, hào nổi, hào ngầm, hầm bí mật, ụ chiến đấu. Riêng hệ thống hầm dài tới gần 10km, luồn lách khắp các xóm thôn và liên hoàn toàn xã. Địa đạo đã giúp cho bộ đội dân quân du kích và cả nhân dân tránh sát thương và tác chiến đánh địch rất hiệu quả. Đây là sản phẩm của trí thông minh, sáng tạo tuyệt vời của Nam Hồng kháng chiến mà sau này chúng ta còn bắt gặp sáng tạo đó qua hệ thống hào vây lấn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đường hầm đánh đồi A1, địa đạo chống đế quốc Mỹ và tay sai ở Củ Chi, Vĩnh Mốc...

dia-dao-nam-hong.jpg
Địa đạo Nam Hồng.

Nam Hồng đón nhiều đoàn khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Đặc biệt, đoàn khách của En Xanvađo do đồng chí Tổng Bí thư Đảng dẫn đầu đã tới thăm hai lần. Nhiều anh em bè bạn của chúng ta đã đến tham quan và tổ chức diễn tập lại hình ảnh chiến đấu oai hùng khi xưa. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội rất quan tâm đến di tích này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi nhận xét về di tích này như sau: “Nam Hồng là một làng kháng chiến có thành tích chiến đấu oanh liệt. Những ngày đầu miền Bắc được giải phóng trở về Hà Nội tôi đã vài lần đến thăm Nam Hồng, tôi thấy tinh thần hy sinh cũng như những chiến công và thành tích không kém gì Nguyên Xá (xã anh hùng ở Thái Bình) tôi cũng đã mấy lần về thăm”.

Nam Hồng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang, và Địa đạo được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích cách mạng kháng chiến năm 1996. Nơi đây đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển di tích cách mạng kháng chiến năm 2006.

Trong kháng chiến chống Pháp, Địa đạo Nam Hồng đã góp phần làm nên trang sử vẻ vang của cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Chắc chắn làng kháng chiến anh hùng với di tích địa đạo ấy sẽ là một “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng không những của thủ đô Hà Nội mà còn có ý nghĩa đối với cả nước./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)