Danh thắng & Di tích Hà Nội

Di tích Nhà tù nhà rượu Gia Lâm (quận Long Biên)

Sơn Dương (t/h) 02/10/2023 15:15

Nhà tù nhà rượu Gia Lâm ở số 2 phố Long Biên II, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, phía nam giáp đê sông Hồng, phía tây giáp với phố Long Biên I, phía đông là khu dân cư phường Ngọc Lâm. Hiện nay khu di tích cách mạng kháng chiến Nhà tù nhà rượu Gia Lâm do xí nghiệp kho vận thuộc công ty thiết bị điện và vật liệu dân dụng sử dụng để kinh doanh sản xuất.

tuong-niem.jpg
Nơi tưởng niệm Di tích Nhà tù nhà rượu Gia Lâm.

Tại Nhà tù nhà rượu Gia Lâm Hà Nội (trước là xưởng rượu tư nhân), từ cuối năm 1947 đến 1954, thực dân Pháp đã giam cầm, tra tấn hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đồng bào ta.

Ông Nguyễn Khắc Khoan - nguyên tù nhân tại Nhà tù nhà rượu Gia Lâm nay là Phó trưởng ban thường trực Ban liên lạc nhà tù kể lại: Sau khi lực lượng của ta tạm thời rút ra ngoài thành phố để tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ, thực dân Pháp dùng khu vực sản xuất của Nhà máy rượu Gia Lâm làm trại giam tù binh số 4, đến năm 1949 đổi là số 44, đến năm 1950 đổi là số 21. Trại nằm trong khu vực hệ thống đồn bốt địch như cầu Long Biên, đường 5, sân bay Gia Lâm. Giặc giam giữ tại đây những cán bộ chiến sĩ các lực vũ trang, các cán bộ hội viên các ngành dân chính đảng và nhân dân mà chúng bắt được trong những đợt vây ráp càn quét ở các vùng tạm chiếm và các đợt chúng tấn công ra vùng tự do. Số tù binh của toàn trại 21 trước năm 1950 có khoảng 1000 người sau tăng lên 2000 người, đột xuất có lúc lên tới 3000 người, trong số này thường có 30 - 50 phụ nữ.

Đời sống anh chị em tù phải nằm đất, ẩm thấp bẩn thỉu, có nhiều đêm không đủ chỗ nằm phải ngồi dựa lưng vào nhau mà ngủ, không khí ngột ngạt khó thở. Ăn uống vô cùng cực khổ: một nắm cơm nhỏ trộn gạo mục với đậu tương, 1 miếng cá khô thối, canh rau muống già, nước canh đen như nước cống, nước rửa mặt không đủ. Khổ nhất là phụ nữ không có nước để vệ sinh hàng ngày, nhiều người bị khủng bố, hãm hiếp, bệnh tật, ghẻ lở không có thuốc điều trị, sức khoẻ sa sút nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, một số đảng viên trung kiên đã tập hợp nhau lại bàn biện pháp đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc của địch, biến nhà tù thành trường học, chờ thời cơ thuận lợi trở về với Đảng tiếp tục chiến đấu. Năm 1950, giặc Pháp mở nhiều đợt tấn công ra vùng tự do và nhiều cuộc vây ráp trong vùng địch tạm thời kiểm soát nên số tù binh ở trại tăng lên 2000 người. Để lãnh đạo các cuộc đấu tranh, tháng 4/1950 chi bộ Đảng đầu tiên của trại được chính thức thành lập. Đồng chí Đắc tức Đức Huệ, cán bộ của Sở Công an Hà Nội được cử làm Bí thư, đồng chí Hải tức Cách, cán bộ đại đội 108 mặt trận Hà Nội và đồng chí Học nguyên Bí thư Đảng bộ xã Vĩnh Quỳnh huyện Thanh Trì là chi uỷ viên.

Ban chi uỷ đã tập trung bàn kế hoạch biện pháp nhằm thực hiện 3 nhiệm vụ lớn:

- Lợi dụng mọi hình thức công khai hợp pháp để hoạt động. - Nắm bằng được các cương vị, điều hành của trại, tìm mọi cách vô hiệu hoá người của giặc cử ra.

- Động viên mọi người đoàn kết, thường xuyên củng cố lòng yêu nước, quý trọng đồng đội và nhân dân chống mọi biểu hiện cầu an dao động, kiên quyết đấu tranh chống đàn áp khủng bố, hãm hiếp, tạo mọi điều kiện để cải thiện đời sống tinh thần, vật chất, tổ chức anh chị em trốn khỏi nhà giam.

Trong trại giam đã tổ chức một lớp văn hoá ban ngày, lớp văn hoá ban đêm cho người chưa biết chữ. Lợi dụng các ngày lễ như Quốc tế Lao động, sinh nhật Bác Hồ, lễ Noel... ta đấu tranh buộc địch cho anh em nghỉ làm cỏvê (corvée) bên ngoài. Đấu tranh đòi cải thiện đời sống cũng đạt kết quả: đòi bọn nhà thầu phải giao đủ lượng gạo, không nhận gạo mục, đỗ tương mọt, cá mắm dòi, rau già...

Một số lính Pháp đánh đập tù binh, hãm hiếp phụ nữ, bọn sĩ quan binh lính nguy lấy cớ khám xét để tước quà của gia đình tiếp tế cho tù binh, ta đấu tranh quyết liệt buộc chúng phải dừng tay. Ta còn cảnh giác với âm mưu dùng “Khổ nhục kể” của giặc, phát hiện kịp thời tên Lâm Tiến là người của phòng nhì Pháp đưa vào, ta đã cảm hóa tên này buộc hắn phải tự thú và thường xuyên báo cho ta âm mưu của địch để kịp thời đối phó.

Đấu tranh trong trại giam của địch là việc làm hết sức khó khăn, nguy hiểm, Chi bộ cộng sản trại tù số 21 đã có các chủ trương đúng, sách lược khôn khéo, tổ chức thực hiện cụ thể, giữ được bí mật, đoàn kết anh em, cảnh giác phát hiện kẻ địch, động viên được anh em giữ vững ý chí chiến đấu nên sau Hiệp định Giơnevơ được trở về với Tổ quốc, với nhân dân.

Nhà tù nhà rượu Gia Lâm hiện còn hai trụ cổng có chòi canh, hệ thống nền móng nhà trại giam và tháp nước để sản xuất rượu là bằng chứng vật chất ghi lại sự kiện lịch sử đó./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)