Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà số 86 phố Hàng Bạc, trụ sở Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô (quận Hoàn Kiếm)

Sơn Dương (t/h) 02/10/2023 14:30

Nhà số 86 phố Hàng Bạc, trụ sở của Ban chỉ huy trung đoàn Thủ đô trong những ngày đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến, hiện nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

nha-so-86-pho-hang-bac.jpg
Nhà số 86 phố Hàng Bạc hiện nay.

Cuối tháng 12/1946, quân Pháp tập trung lực lượng đánh vào Liên khu I. Ta chủ trương chiến đấu phòng ngự lâu dài, giam chân địch để có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Tại Liên khu I, lúc đầu lực lượng của ta gồm 2 đại đội vệ quốc đoàn, 1 trung đội tự vệ chiến đấu, hơn 2.000 nam nữ thanh niên tự vệ và một số công an xung phong. Để tập trung lực lượng, Uỷ ban kháng chiến (UBKC) Liên khu I đề nghị được thống nhất các lực lượng vũ trang tổ chức thành trung đoàn. Một Ban chỉ huy đã được chỉ định:

- Đồng chí Lê Trung Toản, Chủ tịch UBKC Liên khu I, Phó bí thư Liên khu uỷ giữ chức Chính trị viên Trung đoàn.

- Đồng chí Hoàng Siêu Hải, dân tộc Tày, cán bộ vệ quốc đoàn, giữ chức trung đoàn trưởng.

- Đồng chí Hoàng Phương, Liên khu uỷ viên, Phó chủ tịch Ban chấp hành tự vệ Hoàng Diệu giữ chức tham mưu trưởng.

Ngày thành lập Trung đoàn được quyết định là ngày mùng 5 tháng 1 năm 1947, ngày “ta đã ghìm chân địch trong Thủ đô được như yêu cầu tối thiểu về thời gian mà Hồ Chủ tịch đã đề ra”.

Lễ ra mắt của Trung đoàn được tổ chức trong buổi sáng ngày 6/1/1947. Không có trao cờ vì Trung đoàn chưa có phiên hiệu, không có duyệt binh vì đây đang là trận địa ác liệt. Buổi lễ được diễn ra tại căn phòng rộng nhất của ngôi nhà 51 Hàng Bồ.

Với việc thành lập Trung đoàn, sức mạnh chiến đấu của quân dân Thủ đô tăng lên rất nhiều. Những con em ưu tú nhất của nhân dân Thủ đô đã được tổ chức thành một đội ngũ thống nhất, chặt chẽ, hừng hực khí thế chiến đấu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Tuy nhiên, trước mắt họ là vô vàn khó khăn, thử thách: địch ngày càng xiết chặt vòng vây, thiếu vũ khí, lương thực, thực phẩm... Cả trung đoàn không có một khẩu súng cối, một khẩu đại bác, chỉ có mấy trăm súng trường và đạn thì rất hiếm.

Trước những khó khăn trên, Liên khu uỷ quyết định giảm bớt số người, chỉ để lại 500 tay súng và 15 đảng viên. Những chiến sĩ được chọn ở lại là những người có tinh thần gan dạ, dũng cảm và sự trung thành tuyệt đối để khi cần có thể lập ra các đội quyết tử.

Ngày 13/1/1947, Hội nghị quân sự toàn quốc (họp tại Chương Mỹ, Hà Đông) đã gửi Ban chỉ huy Trung đoàn bức điện: “Hội nghị quân sự toàn quốc họp ngày 12/1/1947 quyết nghị tặng Trung đoàn Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ đô. Sẽ có điện riêng của ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khen tặng”.

Từ ngày 6/1 đến 17/2/1946, hơn 40 ngày bám trụ chiến đấu ở Liên khu I. Ban chỉ Trung đoàn đã có nhiều cuộc họp tại nhà 86 Hàng Bạc để ra những quyết định chính xác, kịp thời ứng phó với tình thế, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Nhà 86 Hàng Bạc là ngôi nhà của ông Chấn Hưng, một nhà tư sản yêu nước, một gia đình trí thức. Ngôi nhà 3 tầng to đẹp, chuyên buôn bán vàng bạc, trong nhà có một căn hầm lớn kiên cố, nguyên trước là hầm rượu của gia đình đã được giao cho Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô sử dụng. Thông thường, Ban chỉ huy họp xung quanh một cái bàn rộng ở phòng khách trên tầng, khi địch bắn phá thì các cuộc họp được tiến hành dưới hầm rượu.

Tầng 1 của ngôi nhà cũng được đục thông sang các nhà lân cận dẫn đến những điểm chiến đấu. Chính từ ngôi nhà 86 Hàng Bạc, Ban chỉ huy Trung đoàn đã chỉ đạo nhiều trận đánh có tiếng vang lớn như trận đánh chiếm nhà Xôva đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện khen: “Xứng đáng là một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô, của Vệ quốc đoàn Việt Nam”. Tiếp theo là trận Trường Ke, trận Hàng Thiếc, đặc biệt là trận Đồng Xuân, gây tổn thất lớn cho giặc Pháp. Đến ngày 15/2/1947, tình hình Liên khu I rất nghiêm trọng: Mỗi khẩu súng chỉ có 7-8 viên đạn, lương thực chỉ còn đủ trong 5 ngày nữa. Thực hiện chủ trương của Liên khu uỷ, Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô quyết định vượt vòng vây, ra vùng kháng chiến tiếp tục xây dựng lực lượng để đến ngày Trung đoàn sẽ trở về giải phóng Thủ đô. Cuộc chiến đấu dũng cảm và cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô đã được Hồ Chủ tịch khen ngợi: “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi lớn, đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”.

Ngôi nhà 86 Hàng Bạc được xây trên một diện tích khá rộng, khoảng 200m, mặt nhà rộng 5m, sâu 20m. Ngôi nhà hiện còn khá tốt với đầy đủ kiến trúc cũ, nhưng do có nhiều gia đình chung sống (13 hộ) nên việc sửa chữa, cơi nới, thay đổi là không tránh khỏi.

Tầng 1 phải ngăn ra cho 8 gia đình sinh sống, nên cửa vào căn hầm cũng bị lấp lại, sửa thành phòng ở.

Đáng quý là căn phòng rộng ở tầng 2, trước đây Ban chỉ huy Trung đoàn thường họp, nay vẫn còn nguyên, trong đó còn cả hiện vật gốc, có ảnh chụp chiếc bàn Ban chỉ huy Trung đoàn từng họp và một chiếc bàn dài nơi trước đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường đến học tập, trao đổi với Giáo sư sử học Phạm Huy Thông (con trai cụ Chấn Hưng). Ngoài ra, còn 10 chiếc ghế gỗ để Ban chỉ huy ngồi họp vẫn được giữ gìn tốt.

Tuy hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử còn lại không nhiều, nhưng cũng đủ chứng minh cho tấm lòng của gia đình cụ Chấn Hưng đối với cách mạng, minh chứng cho lời tuyên dương của Chính phủ về Trung đoàn: “...Trung đoàn Thủ đô đã làm cho Liên khu I ngày nay thành một liên khu lịch sử. Đặt tên cho Trung đoàn ấy, không có một tên nào oanh liệt hơn là Trung đoàn Thủ đô”.

Nhà 86 Hàng Bạc đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội gắn biển di tích cách mạng - kháng chiến./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)