Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 02/10/2023 11:38

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Xuân Dương thuộc địa phận thôn Xuyên Dương, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai. Đây là nhà của gia đình ông Nguyễn Huy Chúc người thôn Xuyên Dương. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thôn Xuyên Dương thuộc tổng Thuỷ Cam, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Hiện nay là một thôn của xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

nha-luu-niem-xuan-duwong.jpg
Những tư liệu được trưng bày tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Xuân Dương.

Cuối năm 1946, đầu năm 1947 sau khi phát động “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” tại Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển về ở và làm việc tại đây từ ngày 19/12/1946 đến ngày 13/1/1947. Nhà lưu niệm Bác Hồ xã Xuân Dương nằm ven đường đê sông Đáy (ở phía trong đê) sát đường rẽ vào làng. Quãng đê này xưa kia có cây đa 7 rễ nổi tiếng cả một vùng. Năm 1975, cây đa bị chặt do yêu cầu bảo vệ đê, nhưng nhân dân vẫn quen gọi địa điểm này là “Cây đa 7 rễ”.

Từ quận Hà Đông theo trục đường quốc lộ 6 tới Ba La, rẽ tay trái vào đường tỉnh lộ, qua Bình Đà, Kim Bài về tới ngã tư Vác. Từ đây rẽ tay phải qua địa phận xã Cao Dương, tới xã Xuân Dương, đến gốc đa 7 rễ, xuống dốc đê vào làng là tới di tích.

Xã Xuân Dương, với vị trí nằm ở phía tây nam huyện Thanh Oai, ven bờ sông Đáy, cách không quá xa con đường tỉnh lộ 22 chạy dọc tỉnh Hà Đông cũ. Từ đây qua phà Ba Thá có thể chuyển tiếp lên Sơn Tây, Hoà Bình hay vào Thanh Hoá đều thuận lợi. Nhân dân Xuân Dương lại có truyền thống yêu nước lâu đời, sau khi giành được chính quyền, cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng ở đây đều hoạt động khá. Vì vậy, trong khi đi tìm các địa điểm ở Hà Đông để chuẩn bị đón cơ quan Trung ương và Bác Hồ về làm việc khi Hà Nội xảy ra chiến sự, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc, đội viên Ban công tác đội Trung ương đã chọn nhà ông Nguyễn Huy Chúc ở Xuân Dương làm nơi ở và làm việc của Bác những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Gia đình ông Chúc thuộc số ít gia đình giàu có ở làng nhưng lại là một gia đình yêu nước, tuy cụ thân sinh ra ông Chúc từng bỏ tiền ra mua chức Phó lý để có vai vế trong làng. Sau ngày ta giành chính quyền, ông Chúc đã hăng hái tham gia các tổ chức cách mạng và được giao nhiệm vụ xã đội trưởng xã Xuân Dương.

18h45 phút ngày 19/12/1946, sau khi họp Ban thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ rời xã Vạn Phúc chuyển về ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Huy Chúc, xã Xuân Dương, Thanh Oai.

Từ Vạn Phúc tới Xuân Dương chỉ hơn hai chục cây số, song do đường xấu, trời tối nên khoảng gần 2 giờ xe mới đưa Bác Hồ về tới đê Xuân Dương. Các đồng chí bảo vệ giấu xe ở gốc cây đa 7 rễ và đưa Bác đi bộ vào nhà.

Từ đêm 19/12/1946, Bác Hồ ở và làm việc trong gian buồng nhỏ của ngôi nhà “trần” cho tới tối 13/1/1947. Hai mươi lăm ngày sống và làm việc tại Xuân Dương, Bác Hồ đã có nhiều hoạt động phong phú trên các lĩnh vực, từ đối nội tới đối ngoại, từ việc đại sự quốc gia đến quan hệ với những người xung quanh.

Trong thời gian này, máy bay Pháp hoạt động khá dữ. Khi có máy bay bay đến gần, Người phải rời bàn làm việc, theo lối cửa sau, men theo bờ ao ra hầm trú ẩn ở phía góc vườn. Ở Xuân Dương, Bác không tổ chức những cuộc họp quan trọng của Thường vụ Trung ương hoặc Chính phủ, nhưng 25 ngày đêm Bác Hồ làm việc ở đây thực sự là những ngày Bác làm việc căng thẳng, để chỉ đạo cuộc kháng chiến vĩ đại vừa nổ ra trên cả nước. Nhiều cuộc họp của Người với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt như đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng... thường diễn ra đến khuya bên ngọn đèn dầu, trong căn phòng nhỏ của Người.

Chập tối ngày 13/1/1947, Bác Hồ cho mời vợ chồng ông Chúc vào gặp. Bác bồng cháu nhỏ, hỏi han tình hình nhà cửa, làng xóm. Bác hỏi thăm sức khoẻ bà Chúc sau khi sinh cháu gái đầu lòng và dặn uống đều chai rượu Cankina Bác cho, để nhanh chóng lại sức. Bác còn tặng quà cho ông Chúc và cháu gái. Cảm động trước sự quan tâm của Bác, vợ chồng ông Chúc khẩn khoản xin Bác đặt tên cho cháu bé. Bác đồng ý và đặt tên đệm là Kim - tên một đồng chí giúp việc hết sức gần gũi của Bác cũng có mặt lúc đó.

Trước đó vài ngày, đồng chí Trần Đăng Ninh đã dặn ông Chúc chọn hai chiếc đò tốt và người lái tốt. Tối 13/1/1947, sau khi tạm biệt gia đình, các anh đưa Bác ra xe ô tô, qua phà Ba Thá sang đất Chương Mỹ, rồi đến xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, Thạch Thất nghỉ lại. Hai con đò cũng lặng lẽ rời bến, chở theo một số đồ đạc của Chính Phủ, ngược dòng sông Đáy.

Nghe theo tiếng gọi cứu nước thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, nhân dân Xuân Dương hăng hái gia nhập dân quân tự vệ, luyện tập quân sự, đào đắp công sự, rào làng chiến đấu, ai ai cũng tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, triệt để thực hiện phòng gian, giữ bí mật. Từ năm 1947 đến 1954, dân quân du kích xã Xuân Dương đã phối hợp với lực lượng vũ trang của huyện, của tỉnh bẻ gãy nhiều cuộc tấn công càn quét của giặc, trừng trị đích đáng bọn ác ôn phản động làm tay sai cho địch, góp phần cùng quân dân cả nước lập nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Xuân Dương hăng hái thi đua lao động sản xuất, làm tốt nghĩa vụ cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Không ít những người con của quê hương Xuân Dương đã hy sinh anh dũng hoặc để lại một phần xương máu trên các chiến trường. Trong nhiều năm, Xuân Dương được công nhận là đơn vị quyết thắng, nhiều cán bộ và nhân dân đã được Đảng, Chính phủ tặng thưởng Huân chương, Huy chương vì những thành tích đã cống hiến cho đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới, Xuân Dương là một xã có nhiều phong trào khá của huyện Thanh Oai.

Nhận thức rõ được công lao to lớn của Bác Hồ và niềm vinh dự lớn lao là xã đã vinh dự đón Bác Hồ và Trung ương về ở trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Xuân Dương cùng với các cấp, các ngành có liên quan đã tiến hành khôi phục lại ngôi nhà Bác Hồ đã ở làm việc tại Xuyên Dương nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Khuôn viên nhà lưu niệm Bác Hồ xã Xuân Dương đã được tu bổ lại nhiều lần khang trang và đẹp hơn nhưng vẫn giữ nguyên kết cấu kiến trúc các hạng mục chính như thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc. Từ cổng chính đi vào là ngôi nhà 5 gian, làm bằng gỗ, lợp ngói, xung quanh xây tường. Ngôi nhà khách 7 gian và ngôi nhà trần 5 gian tạo với nhau thành hình chữ U khá rộng rãi và khang trang với cảnh quan cây cối xung quanh tạo cho di tích thêm phần cổ kính.

Hiện nay trong di tích còn một số hiện vật ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại đây như: chiếc bàn gỗ, một số ghế gỗ, máy chữ, chiếc giường đô, đèn bão và một số hiện vật phục chế như quần áo, chăn màn của Bác.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Xuân Dương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận là Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp quốc gia theo Quyết định số 3699/VH-QĐ ngày 18/12/1996./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)