Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà cụ Nguyễn Thị An, di tích lưu niệm Bác Hồ (quận Tây Hồ)

Sơn Dương (t/h) 01/10/2023 14:47

Nằm cạnh trục đường An Dương Vương - khi đi qua di tích nhà bà Hai Vẽ ta sẽ gặp di tích “nhà cụ An” - hay còn được gọi là “Di tích lưu niệm Bác Hồ”, thuộc làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

nha-cu-nguyen-thi-an(1).jpg
Nhà cụ Nguyễn Thị An hay còn được gọi là “Di tích lưu niệm Bác Hồ”.

Phú Gia và Phú Xá là hai thôn thuộc xã Phú Thượng, nơi có phong trào cách mạng mạnh mẽ, nhất là trong cao trào tiền khởi nghĩa, lực lượng cách mạng gần như làm chủ tại địa phương. Do đó, Đảng ta đã quyết định chọn nhà cụ An thôn Phú Gia là một trong những cơ sở “An toàn khu” Trung ương, làm nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ trước khi về Hà Nội.

Tại ngôi nhà này, trong 2 ngày (từ chiều 23/8 đến ngày 25/8/1945) Bác đã làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh... về kết quả tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc khánh - ngày tuyên ngôn độc lập.

Sau lần đó gia đình và nhân dân địa phương còn vinh dự được đón Bác về thăm vào ngày 24/11/1946 sau khi Bác đi dự khai mạc hội nghị văn hoá toàn quốc. Ngày 31/1/1957, Bác cùng đồng chí Trần Danh Tuyên - Bí thư Thành uỷ Hà Nội về thăm xã Phú Thượng. Đầu tiên, Bác đến thăm nhà cụ Công Văn Ái - cơ sở in báo Cờ giải phóng của Đảng năm 1941, sau đó Bác thăm nhà bà Hai Vẽ, cơ sở cách mạng của xã Phú Thượng và đến thăm nhà cụ An, cùng một số gia đình nông dân khác.

Di tích nhà cụ An gồm có các hạng mục công trình: cổng, sân, nhà lưu niệm Bác Hồ, công trình phụ...

Những di vật có trong di tích: 01 tủ đứng cao, một sập gỗ chân quỳ (làm giường nằm và là nơi làm việc cho Bác), 01 va ly mây (mới làm lại), 01 chiếc giường nhỏ, cùng một số hiện vật về quá trình hoạt động cách mạng của Bác.

Nhà cụ An là nơi Bác Hồ ở trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng những tình cảm yêu thương sâu nặng của Bác đối với nhân dân địa phương còn lắng đọng mãi mãi qua nhiều thế hệ.

Với những giá trị nêu trên, năm 1984 di tích nhà cụ An được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển di tích cách mạng - kháng chiến.

Năm 1996, chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh (thuộc Bảo tàng Hà Nội) đã cùng với các ban, ngành chức năng thành phố, quận Tây Hồ, phường Phú Thượng vận động gia đình cụ An chuyển nhượng toàn bộ ngôi nhà, sân và công trình phụ cũ để tu sửa tôn tạo, trưng bày bổ sung phục vụ nhân dân. Hiện nay, di tích nhà cụ An do chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh (Bảo tàng Hà Nội) quản lý trực tiếp.

Năm 2002, di tích nhà cụ An được tu sửa lớn, nên cảnh quan khang trang, thoáng mát, rất thuận lợi cho tham quan học tập của học sinh./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)