Danh thắng & Di tích Hà Nội

Làng Trung Mầu, địa điểm An toàn khu thời kỳ tiền khởi nghĩa (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 01/10/2023 14:42

Trung Mầu thuộc huyện Gia Lâm, ngoại Thành Hà Nội, trước tháng 8/1945 là đất của hai làng Trung Mầu và Thịnh Liên, tổng Dũng Vi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, do có chủ trương sáp nhập liên xã, hai làng trên đã hợp làm một và được đặt tên là xã Trung Hưng.

xa-trung-mau-gia-lam.jpg
Xã Trung Mầu ngày nay

Sau hoà bình lập lại (1954) do việc mở rộng ngoại vi Hà Nội, ngày 20/4/1961 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra quyết định chuyển giao xã Trung Hưng về huyện Gia Lâm. Với ý nghĩa là một xã có truyền thống cách mạng, ngày 1 tháng 1 năm 1965 Trung Hưng được trở lại tên cũ là xã Trung Mầu.

Từ khi có ánh sáng của Đảng soi dọi, do có nhiều thuận lợi về mọi mặt, Trung Mầu đã thực sự trở thành an toàn khu của Trung ương, của Xứ uỷ Bắc Kỳ và là nơi trọng tâm hoạt động của Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh.

Đầu năm 1941, đồng chí Nguyễn Duy Thân về Trung Mầu dạy học. Đồng chí Thân tham gia cách mạng từ đầu năm 1939 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940, lúc đó đã là cán bộ bán thoát ly của Đảng.

Cùng với đồng chí Thân, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương kiêm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí Lê Quang Đạo - Bí thư Ban cán sự Đảng Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Chấn, đồng chí Nguyễn Ly cán bộ Đảng cấp trên... đã bí mật về Trung Mầu.

Trung Mầu đã trở thành mảnh đất mầu mỡ, nẩy sinh ra các tổ chức cách mạng và phong trào đấu tranh sâu rộng của quần chúng.

Khi đặt chân tới đây đồng chí Văn Tiến Dũng là Xứ uỷ viên Bắc Kỳ kiêm Bí thư Ban cán sự Đảng Bắc Ninh. Sau khi nhận bàn giao các tổ chức cách mạng, đồng chí Văn Tiến Dũng đã hoạt động và tuyên truyền mở rộng vào những anh em tốt trong làng.

Tháng 1 năm 1944 nữ đồng chí Nguyễn Thị Tiêu, giao liên của Xứ ủy bị bắt. Trung ương cử đồng chí Nguyễn Thị Bắc về thay, phụ trách giao thông giữa Xứ ủy và Trung ương. Đồng chí Bắc được cụ Nguyễn Thị Điển (mẹ đồng chí Yên) che chở nhận làm em và được chăm sóc ở ngay tại nhà. Riêng đồng chí Yên nhận trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hai đồng chí.

Tháng 2 năm 1944, đồng chí Hoàng Quốc Việt mở một lớp nghiên cứu chính trị cho cán bộ của Xứ uỷ Bắc Kỳ tại nhà ông Nguyễn Xuân Lộc, có các đồng chí Văn Tiến Dũng, Lê Quang Đạo, Đặng Kim Giang, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Hữu Hiệt, Nguyễn Khang, Bùi Quang Tạo và các nữ đồng chí Khuất Thị Bảy, Nguyễn Thị Bắc, Lê Thị Châu cùng nhiều đồng chí cán bộ cao cấp khác của Đảng đã tham dự. Lớp học này đã nghiên cứu về “Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin”, thời gian kéo dài hơn một tuần lễ, đồng chí Hoàng Quốc Việt trực tiếp hướng dẫn mọi người thảo luận. Cuối đợt, đồng chí Hoàng Quốc Việt giải đáp. Tiếp theo phần nghiên cứu chuyển sang cuộc họp xem xét tình hình chung phong trào cách mạng ở địa phương và nêu lên triển vọng phát triển của cách mạng, đồng thời đề ra những vấn đề phải tiến hành gấp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền mở rộng các tổ chức cứu quốc trong mặt trận Việt Minh, phát triển lực lượng tự vệ sẵn sàng đón thời cơ Tổng khởi nghĩa.

Đến tháng 4 năm 1944, Xứ uỷ Bắc Kỳ cử đồng chí Đặng Kim Giang làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bắc Ninh thay đồng chí Văn Tiến Dũng chuyển lên nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ thay đồng chí Hoàng Quốc Việt. Đồng chí Đặng Kim Giang trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Trung Mầu.

Trung Mầu đã thực sự trở thành một cơ sở cách mạng vững vàng, một trung tâm hoạt động của tỉnh, của xứ và của cả Trung ương. Đây chẳng những là an toàn khu của Trung ương, của Xứ uỷ Bắc Kỳ mà đã một thời là nơi đóng cơ quan thường trực của Ban cán sự Đảng Bắc Ninh. Nhiều đầu mối giao thông liên lạc, nhiều cơ quan báo chí và ấn loát, lớp huấn luyện chính trị và quân sự, nhiều cuộc gặp gỡ và hội họp quan trọng đã được tổ chức trên mảnh đất này, biết bao tài liệu quý giá đã được lưu trữ ở đây.

Khi về cắt băng khánh thành nhà truyền thống xã Trung Mầu ngày 9 tháng 5 năm 1982, đồng chí Trường Chinh đã nói: “Về thăm Trung Mầu gặp lại các đồng chí, đồng bào địa phương, chúng tôi vô cùng xúc động nhớ lại những ngày hoạt động bí mật được các cụ, các bác, các anh chị em hết lòng giúp đỡ, nhường cơm sẻ áo, che chở, đùm bọc như anh em con cháu trong nhà. Do đó chúng tôi mới vượt được mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ do Đảng giao cho.”

Ghi nhận công lao đóng góp với cách mạng của cán bộ và nhân dân Trung Mầu, Đảng và Nhà nước đã tặng Trung Mầu bằng “Làng có công với nước” và kỷ niệm chương. 18 gia đình được tặng bằng “Gia đình có công với nước”.

Ủy ban nhân dân Thành phố đã gắn biển di tích cách mạng - kháng chiến tại trụ sở của xã. Việc làm có ý nghĩa lịch sử này đã khơi dậy truyền thống yêu nước cách mạng của nhân dân địa phương, tạo thêm quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới của cách mạng./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)