Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà số 101 phố Trần Hưng Đạo, trụ sở Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội (quận Hoàn Kiếm)

Sơn Dương (t/h) 01/10/2023 11:36

Ngôi nhà 101 Trần Hưng Đạo, trụ sở Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

nhung-dia-danh-gan-voi-cmt8-o-ha-noi-2-1598947939085190734411.png
Nhà số 101 phố Trần Hưng Đạo ngày nay

Tháng 8/1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển, tạo thuận lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của dân tộc ta. Phát xít Đức bị tiêu diệt. Nhật đầu hàng Đồng minh. Chính quyền bù nhìn và các đảng phái tay sai của Nhật tan rã. Cả nước đã sẵn sàng xông lên. Cả Hà Nội sôi sục khí thế cách mạng.

Đến 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa. Tối 15/8, Thành uỷ Hà Nội triệu tập Hội nghị bất thường gồm các cán bộ và đội trưởng đội thanh niên xung phong, công nhân xung phong tại chùa Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy) để rà soát lực lượng và bàn công việc cấp bách chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

Sáng 16/8, tại số nhà 101 phố Gambetta, (nay là phố Trần Hưng Đạo), đồng chí Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ uỷ, triệu tập họp với Thành uỷ Hà Nội để phổ biến nghị quyết của Xứ uỷ về thành lập Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội (tức Uỷ ban khởi nghĩa) gồm 5 đồng chí: Nguyễn Khang, Uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ, Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy), cán bộ Ban công vận Xứ uỷ, Nguyễn Quyết, Bí thư Thành uỷ, Nguyễn Duy Thân, Thành uỷ viên và Lê Trọng Nghĩa, cán bộ Xứ uỷ. Đồng chí Trần Đình Long được cử làm cố vấn cho Uỷ ban.

Theo Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, lúc này toàn Thành phố có 3 đội tự vệ chiến đấu, hàng nghìn hội viên các đoàn thể cứu quốc vừa chuyển sang tổ chức tự vệ. Súng đạn còn quá ít và rất thô sơ, nhưng điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi.

Ngày 17/8, các tổ chức cứu quốc ở nội ngoại thành và cả một số phủ huyện thuộc Hà Đông, được lệnh của Uỷ ban quân sự cách mạng đã bí mật huy động hàng vạn quần chúng đến tham dự cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Lớn, biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình tuần hành. ngày 17/8, tại nhà bà Hai Nhã (Dịch Vọng, Cầu Giấy), Thành uỷ khởi nghĩa họp mở rộng, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa dự kiến vào ngày 19/8.

Sáng sớm 18/8, Uỷ ban quân sự cách mạng chuyển vào nội thành, đóng tại số nhà 101 Gambetta để kịp thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội ngày 19/8/1945.

Ngày 19/8, 20 vạn người từ cuộc mít tinh khổng lồ đã biến thành cuộc biểu tình thị uy, có các đơn vị tự vệ, tuyên truyền xung phong dẫn đầu đi chiếm các vị trí trọng yếu của Thành phố. Cuộc khởi nghĩa tháng Tám ở Hà Nội diễn ra với một sức mạnh quật khởi và tốc độ phi thường, giành thắng lợi nhanh gọn, giòn giã, ảnh hưởng vang dội.

Trong những ngày tiếp sau đó, kế hoạch của Uỷ ban quân sự cách mạng đã được thực hiện thành công. Uỷ ban nhân dân cách mạng đã được thành lập.

Tại ngôi nhà 101 Trần Hưng Đạo, Thành uỷ, Uỷ ban quân sự cách mạng đã có những ngày giờ làm việc khẩn trương, ban hành những chỉ thị, chủ trương, mệnh lệnh đúng đắn, kịp thời, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội thành công rực rỡ.

Nhà 101 Trần Hưng Đạo được xây vào khoảng năm 1910 - 1911, trên diện tích 150m, nhà gồm 3 tầng (cả tầng hầm) theo lối kiến trúc Pháp. Xung quanh có các giậu sắt gắn lên tường, cao 3m. Cổng cao 5m, rộng 7m, 2 bên xây trụ bê tông vuông, có lắp 2 cánh cửa sắt.

Ngoài ngôi nhà chính trên, hiện nay có ngôi nhà bê tông 5 tầng ở phía sau (xưa kia là nhà ngang, chỗ ở của gia nhân, con cháu) và ngôi nhà 2 tầng đều do Viện Khoa học giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo) xây dựng những năm sau này dùng để làm việc.

Theo sự khảo sát của Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội, chỗ Uỷ ban quân sự cách mạng làm việc có thể ở tầng hầm của ngôi nhà, vì nó được xây kiên cố và cao tới 1,2m lên xuống dễ dàng.

Ngôi nhà 101 Trần Hưng Đạo đã đi vào lịch sử vẻ vang của thủ đô Hà Nội như một mốc son, đánh dấu sự thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội.

Ngôi nhà 101 Trần Hưng Đạo đã được gắn biển di tích cách mạng kháng chiến: “Ngày 18/8/1945, nơi đây là trụ sở Uỷ ban quân sự cách mạng (Uỷ ban khởi nghĩa)”.

Để phát huy giá trị của di tích, cần thiết phải bảo tồn ngôi nhà chính, làm lại tấm biển đá quá nhỏ và đã mờ chữ, đồng thời tuyên truyền giới thiệu cho nhân dân trong phường, quận và đông đảo mọi người biết./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)