Danh thắng & Di tích Hà Nội

Di tích An toàn khu cây gạo chợ Bỏi và Quán cơm bà Tấc (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 01/10/2023 07:46

An toàn khu Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám được xây dựng trên địa bàn của nhiều xã ven đô từ năm 1941 đến tháng 8/1945. Xã Hải Bối là một trong 9 điểm của ATK ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Quán cơm bà Tấc cùng cây gạo ở chợ Bỏi chính là trạm đón tiếp cán bộ Trung ương Đảng. Hiện nay, chứng tích duy nhất còn lại của địa điểm liên lạc này chính là cây gạo có tuổi thọ chừng vài trăm năm, gốc già xù xì nổi khối, cành lá vươn cao xum xuê.

hai-boi-ngay-nay.jpg
Xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội ngày nay.

Với vị trí nằm ở ven đê sát kề sông, có chợ lớn và bến đò ngang đông người qua lại nên Hải Bối có đủ điều kiện thuận lợi để trở thành một địa điểm liên lạc của Đảng. Đối xứng qua sông còn có bến đò Phú Xá - Phú Thượng (bến Xù - Gạ), nơi đã được Xứ uỷ Bắc Kỳ, Tỉnh uỷ Hà Đông cho xây dựng cơ sở Đảng. Đây là địa điểm tiện lợi cho cán bộ bí mật, trong đó có những cán bộ cao cấp của Đảng như: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng... ra vào nội thành hoạt động, theo dõi chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hà Nội và cả nước. Hải Bối lúc đó có một vạn chài ven sông, thuyền bè đi lại nhiều nên rất an toàn và bí mật. Chợ Bỏi buôn bán sầm uất, nhiều khách qua lại bến đò thường nghỉ trọ qua đêm ở chợ.

Bà Tấc (tên thật là bà Nguyễn Thị Diềm) cùng gia đình là những người làm ăn lương thiện, hiền lành, phúc hậu. Quán cơm của bà được mở ở chợ, gần cây gạo, cây thị cạnh một miếu thờ nên có nhiều khách qua lại ăn uống. Nếu nhỡ độ đường, khách có thể nghỉ trọ lại qua đêm tại quán hoặc vào nhà bà. Triệt để khai thác những điều kiện thuận lợi đó, các cán bộ Đảng khi ra vào nội thành, qua bến đò Bỏi đã giác ngộ bà và gia đình, thường xuyên ăn uống, nghỉ ở quán cơm và trong nhà bà. Quán cơm bà Tác dần trở thành chỗ trú chân và thành một trạm liên lạc, trao đổi công tác, gặp gỡ của cán bộ Đảng. Cây gạo cao ở ngang ven sông cùng với cây gạo ở bến Xù - Gạ là những mốc tiêu dẫn đường cho các chuyến vượt sông đêm của các cán bộ. Họ đã cải trang thành những người đi bè, đi buôn chuyến để che mắt mọi người, nhất là bọn hào lý. Đồng chí Trần Độ khi ra tù bị ốm đã được gia đình chăm sóc nuôi dưỡng rất chu đáo. Cùng với gia đình bà Tấc còn có 6 gia đình khác ở Hải Bối cũng đã được giác ngộ để trở thành những cơ sở cách mạng trung kiên. Do có cơ sở vững chắc dựa vào dân nên vào những năm 1942 - 1943, đồng chí Trường Chinh, Trần Độ cùng các đồng chí khác đã thảo luận và nghiên cứu xây dựng bản “Đề cương văn hoá Việt Nam” ở Hải Bối. Tháng 2/1943, Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (cạnh Hải Bối) để thông qua bản Đề cương quan trọng này. Đây là một văn kiện đã đi vào lịch sử, mang tính chất định hướng trên mặt trận văn hoá tư tưởng, là kim chỉ nam đối với văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân.

Sau cách mạng, toàn huyện Đông Anh có 57 gia đình được tặng thưởng kỷ niệm chương và bằng có công với nước thì ở Hải Bối đã có tới 7 gia đình. Từ năm 1978 đến năm 1986, quán cơm bà Tấc đã 2 lần được gắn biển. Năm 1996, Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng cấp quốc gia đối với di tích An toàn khu cây gạo chợ Bỏi và quán cơm bà Tấc. Năm 2002, nơi đây đã được quy hoạch lại và dựng một tấm bia trang trọng để trở thành một công trình văn hoá, góp phần giáo dục truyền thống, đặc biệt là cho thế hệ trẻ ở quê hương Hải Bối./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)