Danh thắng & Di tích Hà Nội

Số nhà 90 - di tích cách mạng (quận Hà Đông)

Sơn Dương (t/h) 28/09/2023 15:32

Nhà số 90 phố Lê Lợi, là nơi tổ chức Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Hà Đông (cũ). Ngôi nhà nằm ở góc phố Lê Lợi - Lê Hồng Phong thuộc phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội có hai tầng, mỗi tầng 5 gian kéo dài từ phố Lê Lợi sang phố Lê Hồng Phong.

nha-so-90-pho-le-loi-hd.jpg
Nhà số 90 phố Lê Lợi, Hà Đông ngày nay

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, phố này mang tên là Nguyễn Hữu Độ, phố Lê Hồng Phong hiện nay chỉ là một lối rẽ vào làng Cầu Đơ. Chủ ngôi nhà trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là ông Lê Phúc Thành - một nhà doanh nghiệp giàu có ở làng Vạn Phúc, đã cho một số người thuê ngôi nhà để làm ăn buôn bán.

Đến trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền, lực lượng cách mạng ở Hà Đông hình thành nhiều lực lượng do nhiều mối phát triển, chỉ đạo từ các làng xung quanh phát triển vào nội thị, còn có lực lượng Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc trong thanh niên, học sinh do các trường từ Hà Nội sơ tán vào phát triển và hoạt động theo sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, lực lượng của Đảng dân chủ, một thành viên trong Mặt trận Việt Minh, có cơ sở chủ yếu trong giới viên chức.

Xứ ủy Bắc Kỳ trong phiên họp ngày 17/8/1945 tại Vạn Phúc đã phân công đồng chí Đặng Kim Giang, lúc ấy là Xứ ủy viên dự khuyết (sau này Đặng Kim Giang phạm sai lầm và đã bị kỷ luật), chịu trách nhiệm lãnh đạo giành chính quyền tỉnh Hà Đông - nơi đầu não của bộ máy bù nhìn tay sai phát xít, có trại lính Nhật, có trại Bảo an binh do tên quản Dưỡng chỉ huy âm mưu chống lại cách mạng.

Một yêu cầu cấp bách lúc này cần thống nhất các lực lượng cách mạng ở thị xã, trên cơ sở đó thống nhất kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc họp được dự kiến vào chiều ngày 19/8/1945 tại chùa làng Mỗ Lao. Song đại diện các lực lượng chưa đầy đủ do liên lạc khó khăn, các lực lượng trước đây hoạt động có tính độc lập, đơn tuyến nên chưa hiểu biết tổ chức của nhau. Cuộc họp được quyết định lui lại vào đêm tối và được chuyển địa điểm về ngôi nhà ông Lê Phúc Thành, tại phố Nguyễn Hữu Độ (số nhà 90 phố Lê Lợi hiện nay).

Tối ngày 19/8/1945, tại đây cuộc họp được tiến hành do đồng chí Đặng Kim Giang và đồng chí Phan Văn Kính (tức Ái) - Bí thư các lực lượng; đồng chí Lê Trọng Tấn - cán bộ quân sự ủy; Nguyễn Văn Lễ - cán bộ của Đảng phụ trách lực lượng Đảng Dân chủ; Nguyễn Vinh, Nguyễn Văn Cẫm - đại diện lực lượng Thanh niên Cứu quốc trong thanh niên học sinh... Hội nghị đã nghe báo cáo và phân tích về sự phản bội, chuẩn bị đối phó lại cách mạng của tên chỉ huy Bảo an binh, sau đó quyết định phát động quần chúng vũ trang biểu tình giành chính quyền vào chiều 20/8/1945 theo phương án: Vũ trang biểu tình chiếm dinh Tỉnh trưởng, bắt Tỉnh trưởng phải ra lệnh cho Bảo an binh đầu hàng, nộp vũ khí. Ngoài lực lượng quần chúng từ các huyện: Thanh Trì, Thanh Oai, Ứng Hòa lên tham gia hỗ trợ, phân công các cán bộ tham dự, hội nghị phụ trách từng công việc, từng lực lượng...

Hội nghị mở đầu cho kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Hà Đông.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), ngôi nhà 90, phố Lê Lợi bị giặc chiếm giữ và trở thành một phần của Căng 41. Phần chính của Căng 41 là khu vực trụ sở của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây. Ngôi nhà 90 phố Lê Lợi là nơi bộ máy chỉ huy Căng 41 làm việc, địch còn xây dựng một số phòng giam, phòng tra tấn, phòng hỏi cung... Các cán bộ, chiến sĩ bị giam tại đây đã tổ chức phá Căng, một số đồng chí thoát khỏi trở về tiếp tục hoạt động. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, bộ đội địa phương đã luồn sâu vào thị xã, tập kích Căng 41, giải thoát được một số cán bộ, chiến sĩ...

Với những sự kiện và giá trị lịch sử trên, nhà số 90 phố Lê Lợi - di tích cách mạng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)