Danh thắng & Di tích Hà Nội

Bắc Bộ phủ, nơi diễn ra cuộc đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, nơi Hồ Chủ tịch và Chính phủ làm việc; trận địa chống Pháp năm 1946

Sơn Dương (t/h) 26/09/2023 16:31

Bắc Bộ phủ còn có tên gọi là phủ Khâm sai, nay là Nhà khách Chính phủ, ở số nhà 12 phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bắc Bộ phủ nằm ở trung tâm Thủ đô, cách Hồ Gươm 500m về phía đông, bên trái là vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) và phía sau là Bưu điện trung tâm Thành phố.

bac-bo-phu.jpg
Bắc Bộ phủ trên phố Ngô Quyền, Hà Nội ngày nay

Bắc Bộ phủ được xây dựng năm 1918, là phủ Thống sứ của chính quyền thực dân Pháp dành cho viên thống sứ người Pháp trông coi các tỉnh phía bắc Việt Nam, từ Ninh Bình tới biên giới Việt - Trung.

Sau khi đảo chính Pháp (9/3/1945), Nhật lập chính phủ tay sai bù nhìn thân Nhật do Trần Trọng Kim đứng đầu, đặt một viên khâm sai ở phía nam, một viên khâm sai ở phía bắc đóng tại Bắc Bộ phủ. Vì vậy, nơi đây được gọi là phủ Khâm sai.

Trong những ngày đầu tháng 8 năm 1945, phủ Khâm sai là tượng trưng cho quyền uy của chính phủ bù nhìn thân Nhật.

Ngày 19/8/1945, cuộc mít tinh của gần 20 vạn người từ Quảng trường Nhà hát Lớn Thành phố có các đơn vị tự vệ chiến đấu dẫn đầu đã vượt tường rào sắt, đánh chiếm được phủ Khâm sai.

Ngày 20/8/1945, tại Bắc Bộ phủ, quần chúng cách mạng đã tập hợp chào mừng lễ ra mắt của Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ và Hà Nội.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Bắc Bộ phủ trở thành nơi làm việc của Hồ Chủ tịch và một số Bộ của Chính phủ lâm thời.

Tại đây, Hồ Chủ tịch đã điều hành bộ máy Chính phủ, ký nhiều sắc lệnh quan trọng, là nơi nhận và phát đi những bức điện chỉ đạo cách mạng cả nước.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực dân Pháp điều động lực lượng quân sự lớn tiến công Bắc Bộ phủ.

Bảo vệ khu vực Bắc Bộ phủ, có một đại đội Vệ Quốc đoàn do đại đội trưởng Mộng Hùng và chính trị viên Lê Gia Định chỉ huy. Hai trung đội nhận nhiệm vụ bảo vệ ngôi nhà Bắc Bộ phủ, ngoài vũ khí cá nhân được trang bị thêm hai quả bom ba càng và hai quả bom 150kg đặt ở hai đầu cầu thang gác.

24 giờ ngày 19/12/1946, Pháp dùng xe tăng tấn công, yểm hộ cho bộ binh xung phong. Ngày 20, xe tăng địch húc đổ hàng rào sắt, bộ binh địch tràn vào, quân ta chiến đấu quyết liệt, một xe tăng địch bị đâm bom ba càng bốc cháy ngay trong sân, nhiều lính Pháp bị tiêu diệt. Địch tràn vào Bắc Bộ phủ, chính trị viên Lê Gia Định chỉ huy anh em rút sang hầm Bưu điện, một mình ở lại chờ địch đến, đập kíp một quả bom lớn, tiêu diệt một xe tăng và hàng chục lính Pháp. Anh đã được truy tặng danh hiệu: “Người quyết tử quân số 1 của Liên khu”.

Trận Bắc Bộ phủ là trận đánh ác liệt nhất, kéo dài nhất trong những ngày đầu kháng chiến. Ta đánh lui 6 đợt tấn công, diệt 122 lính Lê dương, 4 xe tăng và thiết giáp, 3 xe vận tải, 45 chiến sĩ ta đã hy sinh anh dũng.

Bắc Bộ phủ bị Pháp chiếm nhưng tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt của Lê Gia Định và các chiến sĩ Vệ Quốc đoàn đã trở thành bất tử.

Từ sau hoà bình lập lại, Bắc Bộ phủ được sử dụng là Nhà khách Chính phủ, do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý.

Di tích Bắc Bộ phủ, một công trình kiến trúc tiêu biểu, chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp có tổng diện tích 11.180m2 gồm toà nhà 3 tầng cũ có diện tích 900m2 và toà nhà mới xây dựng năm 1976, 5 tầng, diện tích hơn 700m2, còn lại là sân, vườn và các công trình phụ trợ.

Toà nhà cũ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc, gồm 2 tầng chính, 1 tầng hầm. Tầng trên là phòng ở và làm việc của Hồ Chủ tịch và các vị trong Chính phủ.

Cảnh quan kiến trúc, kiểu dáng trang trí ở mặt phố Ngô Quyền cũng còn nguyên gốc. Đó là hàng rào sắt, cổng, khung mái, sảnh. Khung mái che trước phòng tiền sảnh, chỉ thay đổi chất liệu tấm lợp (từ kính màu thay bằng kính có lưới thép hình hoa dâu). Phía hàng rào giáp phố Lê Thạch được trồng nhiều cây cảnh quý như bách tán, hoàng lan, xoài, nhãn...

Hàng rào sắt phía phố Ngô Quyền và cánh cổng chính hiện còn rất nhiều vết đạn ghi dấu những cuộc chiến đấu ác liệt tại đây.

Các di vật còn lại trong di tích có tấm bình phong gỗ 10 cánh, dài 2,7m, rộng 1,6m, trang trí hai mặt sơn khắc, mặt trước cảnh cung đình Huế, mặt sau 6 ô thơ chữ Hán và hình hoa quả. Một bàn gỗ rộng 1,2m, dài 2,4m, cao 0,8m, mặt khảm trai, ốc, sơn mài hình rồng phượng chầu mặt trời. Hai chiếc tủ đứng, 1 tủ 3 buồng, cánh giữa đã mất gương, một tủ lim đã bạc màu véc ni, có nhiều vết đạn - dấu tích những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Di tích Bắc Bộ phủ là nơi diễn ra cuộc đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, nơi Hồ Chủ tịch và Chính phủ làm việc, hội họp, ban hành nhiều quyết định quan trọng trong những ngày đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cũng là nơi ghi dấu những chiến công của Trung đoàn Thủ đô những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Di tích Bắc Bộ phủ đã được xếp hạng và gắn biển năm 1985. Năm 2005, di tích được thay bằng một tấm biển đồng kích thước lớn hơn, có chân bằng kim loại inox và ghi đủ 3 nội dung (thêm nội dung: Nơi Hồ Chủ tịch và Chính phủ làm việc, nơi ghi dấu những chiến công của Trung đoàn Thủ đô)./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)