Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Kim Quy với sự kiện treo cờ Đảng đầu tiên của huyện Phú Xuyên năm 1930

Sơn Dương (t/h) 26/09/2023 16:19

Đình Kim Quy thuộc thôn Kim Quy, xã Minh Tân, nằm ở phía đông nam của huyện Phú Xuyên, tiếp giáp với huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam - nơi sớm có tổ chức Đảng và phong trào đấu tranh cách mạng trong cao trào 1930 - 1931, nên ảnh hưởng của Đảng sớm tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến Phú Xuyên. Đầu năm 1930, ba thanh niên yêu nước thôn Kim Quy là anh Nghiêm Văn Điệp, Tô Văn Mục, Tô Văn Thiện đã được cán bộ Đảng ở Duy Tiên giác ngộ, tuyên truyền và tổ chức thành tổ Nông hội đỏ. Đây là tổ chức cách mạng, tổ chức quần chúng đầu tiên của Đảng ở Phú Xuyên.

dinh-lang-kim-quy.jpg
Di tích lịch sử đình Kim Quy

Được sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng ở Duy Tiên, trong khí thế của cao trào cách mạng 1930-1931, tổ Nông hội đỏ Kim Quy tích cực tuyên truyền nhằm gây ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng. Phối hợp với các lực lượng ở Duy Tiên, tổ Nông hội đỏ ở Kim Quy đã tham gia diễn thuyết ở chợ Lường (Duy Tiên - Hà Nam) nhằm giới thiệu sự ra đời của Đảng, rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh chống đế quốc phong kiến. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, tổ chức Đảng ở Duy Tiên đã chỉ đạo các cơ sở, tổ chức quần chúng tiến hành đợt đấu tranh tuyên truyền thật sâu rộng bằng các hình thức treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn ở những nơi đông người qua lại. Tổ Nông hội đỏ Kim Quy đã bàn kế hoạch treo cờ ở ba nơi ngay tại địa bàn của xã, phân công mỗi tổ viên chịu trách nhiệm thực hiện ở một địa điểm:

Địa điểm thứ nhất là tại cây đa ở đình thôn Kim Quy (thường gọi là đình Vân). Đây là một địa điểm dễ gây được tiếng vang, gây được ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân vì đình Vân nằm ở khu trung tâm dân cư giữa hai thôn Kim Quy - Thành Lập, đình nằm kề bên con đường chính nhân dân qua lại cây đa lớn ngay trước cửa đình đập vào mắt người qua lại.

Địa điểm thứ hai là trên khung (vỏ) một chiếc lò gạch hoặc khu Cầu Đá ở khu vực thường được gọi là Khu gốc cây đề, nơi tiếp giáp giữa Hà Đông - Hà Nam.

Địa điểm thứ ba là trước cửa nhà thờ Tầm Hạ (nhưng vẫn trên đất thôn Kim Quy), nơi có đồng bào Thiên Chúa giáo qua lại khi buổi sớm đi lễ nhà thờ.

Cờ được treo là cờ đỏ búa liềm bằng giấy, chỉ to bằng chiếc quạt nan, do tổ cử người đi nhận tại cơ sở đầu mối ở Chìa Xá, bí mật mang về. Việc treo cờ rất khó khăn, nguy hiểm khi bị Tuần phiên hoặc người lạ phát hiện. Song với tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, cả ba tổ viên đã bí mật, khéo léo treo cờ vào ban đêm thành công.

Ngoài các cuộc đấu tranh tuyên truyền nói trên, tổ Nông hội đỏ Kim Quy còn nhiều lần tiến hành rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, áp phích ở nhiều nơi trong làng, trong vùng. Ngay sau cuộc treo cờ nhân dịp ngày Quốc tế Lao động 1/5, bộ máy thống trị của phong kiến đế quốc ở Phú Xuyên, Duy Tiên hoảng sợ trước những hoạt động và ảnh hưởng của cách mạng ở vùng này, tên tri huyện Nguyễn Trinh Cát trực tiếp đem lính về thu cờ, khám xét. Song chúng không được nhân dân ủng hộ, đành phải rút lui.

Trước sự tuần phòng, theo dõi ráo riết của bọn thống trị, hoạt động của tổ Nông hội đỏ đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng do thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc hoạt động bí mật, thận trọng, khéo léo nên bọn thống trị không phát hiện được manh mối về tổ chức, không tìm ra được chứng cứ gì để bắt bớ, khủng bố.

Trong khi đó ở Duy Tiên và Hà Nam nói chung, nơi đầu mối chỉ đạo của tổ Nông hội đỏ Kim Quy bị khủng bố dữ dội, nhất là từ cuối năm 1930 trở đi, bằng nhiều thủ đoạn, bọn mật thám đã nhiều lần tìm ra một số cơ sở, manh mối về tổ chức rồi tiến hành vây bắt nhiều đợt trên quy mô rộng. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1931, ở Duy Tiên chúng đã tổ chức 6 cuộc lùng bắt ở 16 làng, 51 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng, trong đó có 2 Tỉnh uỷ viên, 3 Huyện uỷ viên sa vào tay mật thám. Cơ sở Đảng ở Chìa Xá, đầu mối chỉ đạo của tổ Nông hội đỏ Kim Quy cũng như các cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng khác ở Duy Tiên (như Lũng Xuyên, Tường Thuy, Hoà Mạc...) sau khi bị khủng bố nhiều lần, tổn thất nặng nề phong trào đã bị tan vỡ và tạm thời lắng xuống.

Nông hội đỏ Kim Quy là một tổ chức quần chúng do cơ sở Đảng ở Chìa Xá phát triển và chỉ đạo hoạt động. Nay đầu mối chỉ đạo không còn, đây là khó khăn lớn nhất đối với tổ Nông hội đỏ Kim Quy, là một tổ chức quần chúng mới được xây dựng, lực lượng còn mỏng. Không còn đầu mối lãnh đạo, chỉ đạo. Tổ Nông hội đỏ Kim Quy duy trì được một thời gian nhưng không có hoạt động đấu tranh nào đáng kể vì thiếu phương hướng hoạt động và phải lo đối phó với bọn thống trị. Đến cuối năm 1931, tổ Nông hội đỏ Kim Quy coi như ngừng hoạt động.

Thời gian tồn tại của tổ Nông hội đỏ Kim Quy tuy không dài, chỉ trong vòng hai năm (1930 - 1931), song có một vị trí, ý nghĩa lịch sử cách mạng đặc biệt không chỉ đối với quê hương Kim Quy - Minh Tân mà còn có vị trí, ý nghĩa đặc biệt ở phạm vi rộng hơn đối với lịch sử cách mạng của huyện Phú Xuyên khu vực lân cận.

Cờ đỏ búa liềm do tổ Nông hội đỏ Kim Quy treo tại ba nơi trong cùng một thời gian đã gây ảnh hưởng sâu sắc trong nhân dân. Nhiều người dân trong xã lần đầu tiên được trông thấy lá cờ, biểu tượng của cách mạng, được nghe thấy hai từ “Cộng sản” từ người này truyền sang người kia. Ý nghĩa của nó không chỉ giới hạn trong phạm vi làng, xã, huyện mà nó còn vang xa góp phần ảnh hưởng sâu sắc cùng phong trào cách mạng chung của cả nước. Vì đây là sự thức tỉnh toàn dân về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam làm nhiệm vụ lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam đánh đuổi đế quốc thực dân giành quyền độc lập tự chủ và lật đổ chế độ phong kiến tay sai bán nước, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân.

Sự kiện lịch sử này, là sự kiện đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Đảng Cộng sản lãnh đạo, ảnh hưởng của Đảng đã gây mầm, bén rễ, làm cơ sở xây dựng phong trào cách mạng quần chúng và cơ sở Đảng trên đất Phú Xuyên nói chung và xã Minh Tân, Kim Quy nói riêng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, từ năm 1947 đình Kim Quy là nơi đón tiếp bộ đội và cán bộ về đóng quân hoặc tạm trú đến năm 1951, khi địch chiếm đóng. Năm 1947, xã thành lập đội kích, rào làng để chống Pháp về càn, đồng thời thành lập Hội mẹ chiến sĩ để vận động nhân dân ủng hộ lương thực cho bộ đội và cán bộ về nằm vùng hoạt động ở đình. Đình còn là nơi đón tiếp bộ đội và nhận tập kết lương thực, thực phẩm để từ đó chuyển xuống Hà Nam tiếp tế cho bộ đội.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngôi đình đã được tu sửa nhiều lần nhưng chứng tích duy nhất minh chứng cho sự kiện lịch sử ngày 1/5/1930 và gắn với những hoạt động của tổ Nông hội đỏ Kim Quy còn tồn tại đến ngày nay là cây đa trước cửa đình Kim Quy, nơi treo cờ đỏ búa liềm vẫn xanh tươi toả bóng xuống sân đình, sừng sững bên con đường giao thông, chính giữa các khu dân cư trong nội xã như muốn nhắc nhở mỗi người dân Minh Tân nói chung, Kim Quy nói riêng: Hãy nhớ, và giữ gìn một bằng chứng lịch sử cách mạng rất đáng tự hào của mảnh đất này! Đình Kim Quy và cây đa ở sân đình được gắn biển DTCMKC./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)