Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai)
Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (trước đây thuộc quận Hai Bà Trưng), hiện nay thuộc phường Tương Mai, quận Hoàng Mai - Hà Nội.
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, hơn nửa thế kỷ qua có biết bao người con ưu tú đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vẻ vang cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Tiêu biểu như các đồng chí: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ...
Đồng chí Hoàng Văn Thụ, người dân tộc Tày, sinh ngày 4/11/1909 tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Thuở nhỏ theo học tại trường tiểu học Pháp - Việt ở Lạng Sơn.
Sau phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925) và để tang Phan Chu Trinh (1926), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tham gia thành lập nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn. Năm 1928 tham gia Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí. Năm 1929 được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.
Là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên. Năm 1938, đồng chí tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ. Năm 1939 là Bí thư Xứ uỷ, kiêm chủ bút báo Giải phóng. Với cương vị là Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí đã chỉ đạo củng cố Thành uỷ Hà Nội trong thời kỳ bị địch khủng bố gắt gao (1939 - 1940). Từ Hội nghị Trung ương lần thứ VII (tháng 11 năm 1940), đồng chí là Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng. Tại hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5 năm 1941) đồng chí được giao làm công tác mặt trận và binh vận, được cử vào Tổng bộ Việt Minh, tham gia sáng lập báo Cờ giải phóng.
Tháng 8/1943, trong khi đang làm nhiệm vụ chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hà Nội, đồng chí bị giặc Pháp bắt và giam tại nhà lao Hoả Lò. Mặc cho đòn roi và những nhục hình tra tấn dã man, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, luôn vững tin ở ngày toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong toà án đại hình của thực dân Pháp, đồng chí đã nói thẳng vào mặt kẻ thù bằng những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước, và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”.
Ý chí gang thép ấy làm quân thù khiếp sợ. Sáng ngày 24/5/1944, kẻ thù đã hèn hạ sát hại đồng chí tại trường bắn Tương Mai.
Sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh, nhân dân làng Tương Mai đã bí mật tổ chức an táng, bảo vệ giữ gìn hài cốt của đồng chí ngay tại cánh đồng Tương Mai. Sau hoà bình lập lại năm 1954, nhà nước ta đã xây lại mộ đồng chí. Năm 1958, di hài đồng chí được chuyển về nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội. Với mục đích giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ công lao của một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Quận uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã xây dựng nhà bia đồng chí Hoàng Văn Thụ và long trọng tổ chức lễ khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của đồng chí (24/5/1944 - 24/5/1994). Nhà bia đồng chí Hoàng Văn Thụ, vừa là di tích cách mạng, vừa là công trình văn hoá, nhà bia được xây dựng theo kiểu phương đình, 2 tầng 8 mái, lợp ngói ta. Kết cấu nhà bia được trang trí màu sắc hài hoà, hợp lý, như trong các kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ có một tấm bia lớn (170cm x 90cm). Hai mặt tấm bia chạm nổi hình tượng búa liềm trong lá cờ Đảng. Mặt trước bia khắc tóm tắt tiểu sử, cuộc đời hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Mặt sau khắc nội dung bài thơ “Nhắn bạn” nổi tiếng của đồng chí Thụ.
Nhân kỷ niệm lần thứ 55 ngày mất của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và quận Hoàng Mai đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài Hoàng Văn Thụ trong Khu tưởng niệm. Tượng đài bằng đá xanh Thanh Hóa, cao to, được tạo tác công phu thể hiện chí khí của người cộng sản hiên ngang trước kẻ thù...
Toàn bộ Khu di tích đã được gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, kỳ họp thứ 18, khóa XIII đã ra Nghị quyết đặt tên Vườn hoa Hoàng Văn Thụ (tháng 7 năm 2009), bao gồm khuôn viên cây xanh và di tích tưởng niệm Hoàng Văn Thụ.
Hiện nay tại bệnh viện Quân chủng không quân còn giữ lại được những dấu vết của trường bắn mà kẻ thù đã sát hại đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đó là: 2 bệ bắn, 2 cọc định vị chiếc máy chém của giặc, chiếc hầm “con én” là nơi nhốt tử tù trước khi hành quyết. Ban giám đốc bệnh viện đã cho xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí và khánh thành vào ngày 22/12/1988, gồm có: tượng bán thân đồng chí Hoàng Văn Thụ, bồn hoa, cây cảnh. Tại các bệ bắn, các nhà điêu khắc đã dựng lên hình tượng con đại bàng dứt xích bay lên, biểu tượng của một ý chí quật cường dứt khỏi gông xiềng, vút bay vào bầu trời tự do.
Với giá trị lịch sử của di tích, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ra Quyết định số 4265/QĐ-UB ngày 13/10/1999, công nhận di tích cách mạng Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02