Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà ông Tạ Đình Tán ở Dịch Vọng, nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đầu tiên ở Hà Nội

Sơn Dương (t/h) 25/09/2023 11:48

Cơ sở cách mạng nhà ông Tạ Đình Tán ở Dịch Vọng là nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí đầu tiên tại Hà Nội. Hiện di tích ở tổ 26, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí được thành lập ở Quảng Châu năm 1925 và tới năm 1926 thì xây dựng được cơ sở ở trong nước. Hội có Kỳ bộ ở cả ba kỳ, đặc biệt Kỳ bộ ở Bắc Kỳ mà trụ sở bí mật nằm tại Hà Nội, có một vai trò quan trọng trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương sau này.

Ông Tạ Đình Tán tên thường gọi là Trưởng Đậu, sinh ra trong một gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước. Ông giỏi chữ Hán và chữ Quốc ngữ, có khả năng viết lách và làm thơ, đã từng đi học ở nhiều nơi. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, các phong trào yêu nước của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc, cách mạng tháng Mười Nga đã ảnh hưởng và khơi dậy lòng yêu nước của ông Tán. Để tuyên truyền tư tưởng cách mạng và tập hợp lực lượng, ông đã mở rộng quan hệ và giao du với những người có tư tưởng tiến bộ yêu nước. Đồng thời ông cũng tham gia dịch hai cuốn sách Trung Hoa là Quang phục và Hồng phấn địa ngục. Ban đầu là các bản chép tay để tuyên truyền sau đó trao cho em trai là Tạ Chu Tân làm ở Thực Nghiệp dân báo ở phố Hàng Gai in. Cuốn sách đó bị thực dân Pháp cấm lưu hành. Nhưng nó đã gây được tiếng vang nhất định.

Nhờ có việc làm yêu nước đó mà dịch giả và người đứng ra in sách đã được các đồng chí: Nguyễn Công Thu, Mai Lập Đôn trong tổ chức Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí tìm đến để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và nhà ông Tán đồng thời cũng được đặt làm cơ sở đi lại ăn ở, hội họp.

Sau một thời gian tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho những thanh niên yêu nước, cuối năm 1926 hội nghị thành lập chi hội đầu tiên của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội của Hà Nội được tổ chức ở nhà ông Tạ Đình Tán, chỉ hội có 11 hội viên trong đó Dịch Vọng có 2 hội viên do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư.

Từ năm 1927, các cơ sở Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí ở Bắc Kỳ và Hà Nội phát triển mạnh, ngôi nhà ở thôn Trung của ông Tạ Đình Tán vẫn là nơi đi lại ăn ở hội họp của các đồng chí lãnh đạo Kỳ bộ và Tỉnh bộ, nơi in truyền đơn bí mật, nơi đón các cán bộ cử sang Trung Quốc học tập v.V...

Cũng trong những năm này những cán bộ hội thường qua lại, ngoài đồng chí Nguyễn Công Thu, Mai Lập Đôn còn có các đồng chí Đặng Châu Tuế, Trịnh Đình Cửu và nhiều đồng chí khác. Chính từ các cơ sở cách mạng này phong trào cách mạng đã được nhân rộng trong cả vùng và các vùng lân cận.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, các ngôi nhà phụ của cụ Tán và nhà của cụ Hai Tân bị đốt trụi, chỉ còn ngôi nhà chính, nơi hội họp của các vị cách mạng tiền bối là còn tồn tại cho đến ngày nay.

Hiện nay ngôi nhà của cụ Tạ Đình Tán do các con cụ ở và trông nom. Nhà có dạng cổ, gồm 5 gian, mái lợp ngói ta, phía trước là một hàng hiện rộng khoảng 1,3m, hàng cột hiên cũng đã cũ mục khá nhiều. Nhà mở hệ cửa bức bàn, nội thất mặt bằng 5 hàng chân và tường hậu. Gian giữa là nơi đặt ban thờ của gia đình, trước đây cũng là nơi cất giấu tài liệu. Tuy nhiên hai gian hồi đã biến dạng, một bên đã bị dỡ để xây nhà gạch, một bên đã bị ngăn thành một phần của căn hộ khác. Trong ngôi nhà chính cũng có sự thay đổi nhất định, đồ thờ cúng bị thu hẹp lại. Tài liệu của hội được cất giữ ở một số nơi trong nhà như cái rương cất giữ tài liệu cũng bị mất trong thời gian chống Pháp. Chỉ còn lại khán thờ là nơi giấu súng, giấu truyền đơn của hội, cái bàn lim nơi các cụ ngồi họp vẫn còn nhưng đang xếp lại một góc.

Năm 2004, nhà ông Tạ Đình Tán đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội gắn biển lưu niệm di tích cách mạng - kháng chiến./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)