Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Yên Nội (huyện Quốc Oai)

Sơn Dương (t/h) 24/09/2023 10:40

Chùa mang tên địa danh của làng Yên Nội, nay thuộc thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Trước Cách mạng tháng Tám (1945) thuộc tổng Hoàng Xá, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

chua-yen-yen-noi-qo.jpg
Chùa Yên Nội

Di tích cách trung tâm Hà Nội chừng 22km về phía tây. Từ Hà Nội, qua Hà Đông theo quốc lộ 21B đi Quốc Oai, đến cây số 16 là tới làng. Chùa ở trung tâm của làng, bên cạnh đình. Chùa nhìn về hướng tây nam, có tên chữ là Báo Ân tự, bố cục không gian mặt bằng kiến trúc hình chữ “đinh”. Ngoài cùng là cửa Tam quan, tiếp theo là sân chùa và khu vực chính của chùa Tiền đường và Thượng điện. Sau Thượng điện là vườn chùa, nhà Tổ và khu vực vườn tháp.

Toà Tiền đường dài 15,4m, rộng 7,8m có 4 hàng chân gỗ, bộ vì kết cấu kiểu chồng rường, giá chiêng, 3 gian 2 dĩ. Kỹ thuật thiên về bào trơn đóng bén, duy ở các xà dọc có vài mảng chạm hoa lá. Gian chính có một Y môn lớn, chạm rồng ngậm chữ Thọ, hai bên là hai hình cá hoá rồng. Rồng được thể hiện cách điệu hoa lá. Phía hai đầu nhà có hai hàng bia gồm 21 chiếc có niên đại từ cuối thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX.

Niên đại được ghi trên thượng lương là năm Đinh Hợi triều Nguyễn (1887) và trên chuông chùa là năm Thành Thái 4 (1892). Tuy nhiên, đây là niên đại tu tạo chùa. Dấu tích cổ xưa của chùa và giá trị nghệ thuật chính là ở hệ thống tượng Phật được bài trí thành 5 lớp trong Phật điện. Trên cùng là tượng Tam thế có kích cỡ tương tự nhau: cao 0,55m, rộng (thân) 0,31m, (vòng đùi) 0,41m. Tượng ngồi trên toà sen hai lớp cánh xen kẽ tạo thành bệ đỡ. Tượng mặc áo cà sa, gấp nếp cuộn bay, tà áo thân chùm lên chân. Tượng A Di Đà tạo bởi đất luyện với giấy dó, phía ngoài bả sơn ta, và sơn son thếp vàng. Tượng nghìn mắt nghìn tay khá đồ sộ: cao 2m, cánh tay dang rộng 1m. Đầu đội mũ tì lư, phía trước có hình mặt trời và hoa lá cách điệu, tai chảy, vẻ mặt hiền hậu. Tượng Tuyết Sơn thể hiện ở tư thế ngồi; một chân xếp vòng tròn, một chân co lên; tay dài mặt cúi, cằm chạm đầu gối, người gầy nét mặt khắc khổ. Những pho tượng trên đều có phong cách thế kỷ XVIII. Ngoài ra, có những pho tượng Quan Âm Thị Kính ngồi trên quả núi, tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ... có phong cách thế kỷ XIX. Ngoài Tiền đường có ban thờ Đức Ông và Thánh Hiền.

Chùa Báo Ân là một tổng thể các hạng mục công trình khép kín. Chùa đã trải qua nhiều lần xây dựng, sửa chữa, song hiện còn giữ được nhiều di vật quý ở thời Lê.

Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)