Tác giả - tác phẩm

Góc nhìn đa chiều về lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội

Yến Ly 23/09/2023 06:27

Từ buổi ban sơ dựng nước đến ngày nay, Thăng Long - Hà Nội mang trong mình bao trầm tích văn hóa, lịch sử. Góp thêm những góc nhìn đa chiều, cuốn sách “Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội” (Nxb Hà Nội, 2023) giúp người đọc khám phá những giá trị văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc của mảnh đất kinh kỳ.

Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội do tác giả Trần Văn Mỹ chủ biên, tập hợp 111 bài viết của 45 tác giả hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội. Như nhan đề cuốn sách, nội dung của các bài viết tập trung vào các lễ vật trong hội làng Thăng Long xưa - Hà Nội ngày nay.

Với bố cục gọn gàng, cuốn sách dẫn người đọc đến với các lễ hội theo trình tự thời gian trong năm. Bắt đầu từ bài viết Lễ phẩm thờ thành hoàng làng của tác giả Đặng Thiêm, cũng là một cách đặt vấn đề, một dẫn luận cho cả cuốn sách… và cuốn sách được khép lại bằng bài viết Miếu Trung Hiền Kẻ Mơ của nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán.

Người đọc sẽ được “tham gia” hội làng Thăng Long - Hà Nội qua từng trang sách, từ các huyện ngoại thành như Mê Linh, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thạch Thất, Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thanh Oai, Đông Anh, Gia Lâm… đến Hoàng Mai, Đống Đa, Tây Hồ.

Điều thú vị là, phần lớn các lễ vật xuất hiện trong các hội làng đều là nông sản, đó là các loại xôi, bánh chưng, bánh dày, cơm nắm muối vừng, cốm, oản…; bên cạnh đó là các sản vật chăn nuôi như lợn, gà, trâu, bò hay là các phong tục rước lợn sống, trống gọi cỗ, đuổi lợn đêm, chạy lợn…; và các loại cây cối gần gũi với đời sống người dân như trầu cau, tre, mía… Qua các lễ vật trong hội làng bạn đọc có thể thấy được sự phong phú của sản vật tại các vùng đất, nền nông nghiệp lúa nước với lịch sử lâu đời...

Quá trình chuẩn bị lễ vật cũng như lễ vật hoàn thiện được dâng lên ban thờ trong hội làng cũng phản ánh sự tinh tế, khéo léo của người Thăng Long hào hoa và thanh lịch.

Xen trong từng câu chuyện kể về các lễ vật là những giai thoại gắn liền với tên tuổi của các vị Thành hoàng. Đó là các nhân vật có công với vùng đất sở tại, những danh nhân lịch sử hay những tên tuổi được tôn thờ chỉ có trong dã sử dân gian, và đôi khi lại là một hình tượng thần thánh trong ước vọng được bảo vệ bình yên của bà con nhân dân…

le-vat-trong-hoi-lang-thang-long-ha-noi.jpg
Cuốn sách "Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội".

Trong cuốn sách này, các địa phương được đề cập tới chủ yếu thuộc vùng ngoại thành Hà Nội. Có thể đây là một sự cố ý, bởi như trong “Lời mở đầu” của cuốn sách, tác giả Trần Văn Mỹ có đề cập tới bộ sách Lễ hội Thăng Long - Hà Nội do PGS. Lê Trung Vũ khởi xướng năm 1998. Tới năm 2008, sách được bổ sung hội làng thuộc Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và các xã của tỉnh Hòa Bình khi những vùng này sáp nhập Hà Nội. Và tới năm 2011, sách được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam in thành 3 tập với tên gọi Hội làng Thăng Long - Hà Nội.

Theo tác giả Trần Văn Mỹ, “252 lễ hội in trong bộ sách Hội làng Thăng Long - Hà Nội được các tác giả miêu tả tỉ mỉ từ sự tích vị thần, kiến trúc đình đền, đội hình rước, tế lễ đến các trò chơi trò diễn trong hội… Nhưng nếu đọc kỹ, bạn đọc thấy phần miêu tả lễ vật trong sách còn ít ỏi. Từ đó, một vấn đề được đặt ra là chúng ta sẽ phải làm một việc gì đó để bổ sung phần còn thiếu của những người đi trước…”.

Như chia sẻ của PGS.TS. Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội thì “Lễ vật, theo cách của các tác giả cuốn sách này, như là một cánh cửa để mở về quá khứ, nhìn vào lịch sử như một dòng sông khi êm đềm khi ghềnh thác, mang chở biết bao phù sa của các trầm tích văn hóa đang chảy vào hiện tại. Với tất cả ý nghĩa đó, bằng cuốn sách này, các hội viên của Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội đang tiếp bước các bậc tiền bối để tiếp tục mở thêm các cánh cửa giúp độc giả hậu thế thêm hiểu về bản sắc văn hóa mà cha ông đã dày công kiến tạo, thêm yêu và thêm tự hào về truyền thống văn hóa mà cha ông đã không ngừng tạo lập cho hôm nay và cho muôn đời sau”./.

Yến Ly