Hoạt động hội

Tọa đàm “Sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo thông qua tục thờ nữ thần ở Việt Nam”

Thụy Phương 22/09/2023 20:04

Sáng 22/9, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo thông qua tục thờ nữ thần ở Việt Nam” với sự tham gia của đông đảo các hội viên trong Hội.

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Thu Dung, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giới thiệu một số nội dung xoay quanh nguồn gốc tục thờ nữ thần ở Việt Nam; vai trò của tín ngưỡng thờ nữ thần trong đời sống xã hội; sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo qua tục thờ nữ thần.

z4716934904020_e8ec5f5e2e746528623a7e39b04f7731.jpg
PGS.TS Trần Thị An - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Dung, nguồn gốc tục thờ nữ thần ở Việt Nam được xác định dựa trên 4 cơ sở, đó là: lịch sử văn hóa, kinh tế xã hội, tâm lý ý thức và lối sống Mẫu hệ.

Về vai trò của tín ngưỡng thờ nữ thần trong đời sống xã hội, TS. Nguyễn Thị Thu Dung khẳng định: Khi hình ảnh người phụ nữ được tôn vinh, tôn thờ như bậc thánh thần trong thế giới tâm linh cho thấy tinh thần bình đẳng giới. Tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt cũng phản ánh tính phong phú trong đối tượng thờ cúng của các loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt; tính khoan dung cởi mở của người Việt; đồng thời thể hiện vai trò của Mẫu/ Mẹ trong đời sống tinh thần của người Việt. Phía sau sự tôn vinh, ngưỡng vọng, tôn thờ ấy chính là khát vọng phong đăng, phồn thực, no đủ, phồn vinh mà Mẫu/ Mẹ đã là biểu trưng điển hình cho khát vọng đó.

z4716903750386_3e57f984902b03492851e1bc58fe00e0.jpg
TS. Nguyễn Thị Thu Dung - Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

Đề cập tới sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo qua tục thờ nữ thần, TS. Nguyễn Thị Thu Dung cũng đã đưa ra các ví dụ cụ thể trong lễ hội; trong phong tục thờ cúng và nghi lễ; trong nhận thức, tư tưởng để minh chứng.

“Quá trình hình thành và phát triển của tôn giáo, Phật giáo và tục thờ nữ thần (Mẫu Giáo) có quan hệ mật thiết với nhau và tác động lẫn nhau; hỗ trợ, điều hòa và bổ sung cho nhau. Bởi vì Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc và phát triển ở Việt Nam dựa trên một hệ thống tín ngưỡng nông nghiệp bản địa (hay hệ thống tín ngưỡng dân gian) nên chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tương đồng, đồng nhất. Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu rất phù hợp với đặc trưng của Phật giáo Việt Nam đó là tính tổng hợp, tính hài hòa âm dương, tính linh hoạt. Nhờ sự dung hợp này đã tăng niềm tin với số đông tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu”, TS. Nguyễn Thị Thu Dung khẳng định.

z4716932565992_1c9c9f44651d32dd023bc67d1c707ed7.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Trao đổi xoay quanh nội dung đã được diễn giả đề cập trong buổi tọa đàm, nhiều văn nghệ sĩ cũng đã góp thêm những góc nhìn về tín ngưỡng dân gian Việt Nam đồng thời gợi mở những hướng tiếp cận mới.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thị An - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết, để tiếp tục lan tỏa giá trị của văn hóa dân gian, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục tổ chức các tọa đàm chuyên sâu, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến văn hóa phi vật thể với phần trình bày của các diễn giả là hội viên của Hội./.

Thụy Phương