Chùa Xuân Nộn (huyện Đông Anh)
Chùa Xuân Nộn có tên chữ là Giao Quang tự hay gọi theo ngôn ngữ hàng ngày của người dân địa phương là “chùa Cả” để phân biệt với ngôi “chùa Con” cùng làng. Chùa hiện ở thôn Xuân Nộn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Vùng quê Xuân Nộn có lịch sử phát triển và tạo dựng từ rất lâu đời. Từ xa xưa đây đã là nơi có cảnh đẹp nổi tiếng với dòng sông Cà Lồ uốn lượn vây bọc, lại nằm trong địa bàn quan trọng của nhà nước Văn Lang trong tâm thức của người dân Xuân Nộn những dấu ấn về một quá khứ vàng son vẫn còn in đậm nét với sự hiện diện của các di tích kiến trúc truyền thống của làng mà chùa Xuân Nộn là một trong những di tích đó.
Theo hồi ức của những người dân địa phương thì chùa Xuân Nộn được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1071). Tuy nhiên về quy mô, diện mạo của ngôi chùa thời kỳ mới hình thành thì hiện không còn tư liệu thành văn nào ghi chép lại được, chỉ biết rằng vào thời điểm cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII có quy mô bề thế và là một danh lam cổ tự nổi tiếng ở trong vùng, cho đến đời vua Cảnh Hưng chùa được trùng tu và mở rộng bao gồm 100 gian, sang thời Nguyễn chùa còn được trùng tu, sửa chữa nhiều lần.
Bên cạnh việc thờ Phật chùa Xuân Nộn cũng thờ các vị nữ thần của tín ngưỡng dân gian đó là Mẫu Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử của thần điện Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp chùa còn là nơi sinh hoạt Đảng, kết nạp đảng viên trong thời kỳ hoạt động bí mật. Cũng tại chùa Xuân Nộn đội du kích xã đã tích cực tập luyện chuẩn bị đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945.
Chùa Xuân Nộn toạ lạc trên một khu đất cao giữa cánh đồng, hiện nay chùa không còn bảo lưu được vẹn nguyên diện mạo như trước nhưng nó vẫn mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hoá khoa học và nghệ thuật lớn đủ để người dân Xuân Nội tự hào và trân trọng gìn giữ. Quy hoạch mặt bằng gồm khu nhà Tiền tế, chùa chính chữ “đinh” ở phía sau. Đặc biệt trước cửa chùa có tấm bia trụ lớn cao 170cm, cạnh 60 x 60cm được làm bằng đá màu xám xanh hạt mịn.
Chùa Xuân Nộn hiện còn lưu giữ được 3 pho tượng Tam thế và 18 pho tượng tròn, cùng với 3 tấm bia trong đó có một tấm bia trụ niên hiệu Chính Hoà lục niên (1685), cùng 2 tấm bia đá niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783).
Chùa Xuân Nộn gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá tinh thần của dân làng Xuân Nộn, đồng thời cũng là một di tích cách mạng kháng chiến có ý nghĩa của người dân nơi đây. Với địa thế cảnh quan đẹp, các nếp nhà được quy hoạch hợp lý tạo ra sự hài hoà, ăn nhập với môi trường tự nhiên, lối kết cấu kiến trúc truyền thống vẫn được bảo tồn, đặc biệt là các pho tượng trong chùa được tạo tác tỉ mỉ, công phu.
Chùa Xuân Nộn đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1999./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02