Chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ)
Chùa Trăm Gian có tên chữ là Quảng Nghiêm tự, toạ lạc trên núi Sở, thôn Tiên Lữ xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội.
Chùa có quy mô lớn, thuộc loại “trăm gian”. Vì thế chùa có tên gọi dân gian là chùa Trăm Gian, chùa Sở, chùa Núi hay chùa Tiên Lữ. Xa xưa nơi đây là xã Tiên Lữ, tổng Tiên Lữ, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, sau chuyển sang huyện Chương Mỹ.
Theo các vị bô lão truyền kể, núi Sở vốn là con ngựa, cạnh đó có núi So là con hổ, các gò đồi xung quanh có các tên là con Mộc, con Hoả, con Long... tất cả đã tạo cảnh quan du xuân trẩy hội nơi đây. Các hạng mục kiến trúc của chùa dàn trải trên quả đổi theo hướng nam, song Tam quan lại toạ hướng đông nam giáp đường liên thôn. Tam quan được cổ nhân xây dựng hai trụ lớn tạo một lối đi ở giữa, hai bên là hai tường nối với hai trụ nhỏ. Với lối kiến trúc này, Tam quan đã mang tính chất như cổng đình, đền. Qua Tam quan là một sân gạch có hai dãy hành lang ở hai bên. Cuối sân là con đường lên chùa uốn khúc chữ “chỉ” nâng dần độ cao lên đỉnh đồi. Ở giữa con đường này là rặng thông cổ thụ như một rừng thông sót lại. Cuối đường gạch rẽ phải lên nhà bia, rẽ trái đến gác chuông.
Gác chuông nằm trên trục tâm của khu Tam bảo, song hơi xoay lệch về phía tây một chút. Phía dưới Tam quan là nhà Giá ngự (còn gọi là Giá roi) để ngày lễ rước kiệu thánh ra địa điểm này như cùng với nhân dân xem các trò chơi dân gian tổ chức ở hồ bán nguyệt dưới chân núi, gợi khúc sông cong tụ phúc.
Gác chuông chùa Trăm Gian là một trong số ít các gác chuông cổ nhất hiện còn trên đất Hà Nội ngày nay. Về điêu khắc, gác chuông này có nhiều hình chạm rồng xen lẫn mây lửa mang phong cách thế kỷ cuối XVII đầu thế kỷ XVIII. Đây là kiến trúc mặt bằng vuông, hai tầng tám mái với nhiều hoa đao uốn hắt lên tạo cho gác chuông như một bông sen thanh khiết. Phần cổ diêm lắp lan can chấn song con tiện, tạo bên trong thoáng mát. Ở đây treo quả chuông lớn có đề chữ Hán “Quảng Nghiêm cổ tự” được đúc vào thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh 2 (1794).
Gác chuông có lối kiến trúc “nhất biến tam, tam biến cửu”, bốn bộ vì được đặt trên 16 cột bằng gỗ lim, nhưng tập trung trên bốn cột cái. Từ gác chuông qua khoảng sân hẹp chừng 7m, vượt 27 bậc đá lên sân chùa. Giữa sân kê chiếc sập đá có đặt một bát hương. Lên tiếp 7 bậc đá thì thềm, hoặc rẽ ra đầu sân bên trái rồi theo dọc hành lang để vào sân trong của chùa với các khu nhà phụ, rồi lên khu Tam bảo từ phía nhà Hậu đường. Trung tâm chùa là một tổng thể kiến trúc khép kín, trong đó toà Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện kết hợp với nhau thành chữ “công”. Hai bên có hai dãy hành lang dài ăn thông với toà Tiền đường và Hậu đường, tạo thành chữ “quốc”. Khoảng sân sau Thượng điện là Phương đình treo trống, khánh, được xem như một nốt son điểm, ngoài ra còn có vườn tháp mộ sư và miếu trấn ở bốn góc đồi.
Các công trình ở hai khu chính và phụ gắn kết với nhau theo không gian đạo và đời. Nếu tính gian theo kiểu truyền thống được phân ra bởi các vì, thì toà Tiền đường bảy gian, nhưng Hậu đường cũng cùng chiều dài nhưng lại bố trí thành chín gian. Thượng điện chỉ có ba gian nhưng mái trước kéo dài, có tường bên kéo thẳng sang Tiền đường như kiểu chữ “đinh”, tuy nhiên phần mái chìa ra khoảng nhỏ ở hai bên Thiêu hương để duy trì truyền thống chữ “công” và cũng là để ánh sáng lọt vào nơi Phật điện trong nội thất.
Về hiện vật, chùa Trăm Gian còn lưu giữ được nhiều di vật quý, trong đó đáng kể là đôi rồng đá thời Trần làm lan can thành bậc cửa chùa, đôi rồng này có thân dài, mập nhưng lại ghép đầu rồng thời Nguyễn. Đó còn là những viên gạch thời Mạc xây bệ tượng Tam thế, nhiều viên chạm chim thần và các con thú rất sinh động, đó cũng là bộ tranh La Hán và Thập điện Diêm vương được chạm nổi có kết hợp vẽ. Theo tấm bia Quảng Nghiêm tự bi ký dựng năm Hoằng Định 4 (1603), thì ngôi chùa này đẹp nhất phủ Quốc Oai, ở đây Bồ tát đã tu thành chính quả và sau đó Bảo Sơn tiên sinh xây dựng Đà cung. Năm Đinh Sửu (1577), trùng tu các toà Tiền đường, Thiêu hương, bộ khung gỗ hiện còn thuộc lần tu bổ vào thời Nguyễn. Những thập niên gần đây, ngôi chùa liên tục được tu bổ, tôn tạo nhưng về cơ bản vẫn theo mẫu cũ.
Hệ thống tượng ở chùa đầy đủ cho một Phật điện, từ Tam thế cho đến Hộ pháp. Đặc biệt pho Tuyết Sơn mang phong cách Tuyết Sơn chùa Tây Phương, song các đường gân, mạch máu lại nổi lên rõ hơn. Trong số tượng hậu ở chùa, nổi lên pho tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông, một quan võ nổi tiếng thời Tây Sơn với chiến thắng quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu (1789) đã về quê đóng góp vào việc tu bổ chùa nên được nhân dân tạc tượng thờ ngay khi còn sống. Tương truyền khi rước vào chùa, người xem khó phân biệt được kiệu người hay kiệu tượng. Chùa Trăm Gian ngoài thờ Phật còn thờ đức Thánh Bối, cung thánh bên trái Thượng điện và chỉ có nhà sư mới được vào hành lễ. Nơi đây còn ghi: “Đại thánh khai sơn bình đẳng hành nghĩa tín Bồ tát”. Đức thánh Bối tên tục là Nguyễn Bình An đã tu luyện ở đây thành thánh với chức danh Bồ tát bình đẳng hành nghĩa, khi sống, ngài có tài đi mấy bước về Bối Khê (Thanh Oai ngày nay) lấy cà muối và nấu niêu cơm mà cả trăm thợ ăn không hết, khi hoá còn làm mưa máu để đuổi giặc Minh. Tương truyền năm ngài 95 tuổi, ngày rằm tháng chạp, nhân dân làm lễ thành đạo, ngài vào khám ngồi nhập tịch, đến mùng 4 tết, nhân dân ngửi thấy mùi thơm mới mở ra. Từ đấy, hàng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng được tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến thánh Nguyễn Bình An.
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 1962. Đây là di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02