Chùa Trạm (quận Long Biên)
Chùa Trạm hiện nay thuộc tổ 13, phường Long Biên, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội (trước đây thuộc xã Long Biên, huyện Gia Lâm). Chùa toạ lạc ở địa bàn thôn Trạm xưa.
Cuối thế kỷ XIX, thôn Trạm thuộc xã Cổ Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Cổ xưa, Trạm có lúc được gọi là trang, hương Cổ Linh. Khảo cứu truyền tích ở địa phương tên “Trạm” có lẽ xuất hiện vào thời Trần (thế kỷ XIII) liên quan đến sự tích “Đường Nghè” - Viện Gia Viễn - là nơi triều đình giải quyết các vụ khiếu kiện cửa quan, nơi xử kiện của Đô Ngự sử.
Chùa Trạm được xây dựng bắt đầu từ thời gian nào thì chưa có cơ sở để khẳng định thật chính xác. Căn cứ vào các cổ vật của chùa còn giữ được đến nay như quả chuông đồng có niên hiệu: “Vĩnh Thịnh thập tứ niên, thập nhị nguyệt, nhị thập nhất nhật ngọ thời cốc”. Tức là Bài minh trên chuông được khắc vào giờ Ngọ ngày 22 tháng 12 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718).
Bia có dòng niên đại: “Hoàng triều Cảnh Hưng vạn vạn niên chi tam thập trọng thu cốc đán”, tức là: dựng bia vào ngày tốt giữa thu (tháng 8) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769). 1 ngai thờ hậu theo phong cách nghệ thuật thời Lê mạt thế kỷ XVIII. Qua các cổ vật này có thể đoán định chùa Trạm được xây dựng ít nhất cũng từ thời Lê mạt, thế kỷ XVIII.
Kiến trúc cổ của chùa Trạm đã bị hư hỏng, hiện chỉ có các công trình kiến trúc mới được khôi phục tu bổ lại. Chùa hiện gồm các hạng mục: Tam quan, chùa chính hình chữ “đinh” là toà Tiền đường và Thượng điện, điện Mẫu, nhà Tổ, nhà khách... Xung quanh các công trình kiến trúc có nhiều cây ăn quả lưu niên xanh mát.
Chùa chính đã được tu sửa vào năm 1996 - 1997.
So với chùa các nơi khác thì chùa Trạm tương đối đầy đủ các tượng chính của một điện Phật. Chùa Trạm còn có các di vật đồ thờ khác đáng quan tâm như cửa y môn, hoành phi, câu đối, bia đá, chuông đồng (quả chuông đồng và tấm bia đá có niên đại vào thời Lê mạt, thế kỷ XVIII). Bài minh tên các cổ vật này là những tư liệu quý về lịch sử xây dựng, tu bổ chùa. Trong văn bia ghi lại khá rõ vào năm Canh Thân 1740, chùa cổ bị hư hỏng, kiến trúc bị cháy trong binh biến, đến năm 1759 nhờ sự hằng tâm, hằng sản công đức của vị hậu Phật đã đại tu lại kiến trúc của chùa. Vị hậu Phật hiện vẫn được thờ tại chùa, lấy ngày giỗ làm giỗ Tổ. Lễ giỗ của chùa được tổ chức vào ngày 5 tháng chạp âm lịch, đó là ngày giỗ của vị hậu Phật Đàm Thị Tình - người có công lớn trong việc duy trì, tu bổ chùa.
Chùa Trạm đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02