Chùa Tứ Xã (huyện Mỹ Đức)
Chùa Tứ Xã hiện nay tọa lạc tại xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Chùa Tứ Xã là tên gọi của một ngôi chùa cổ mà xưa kia thuộc địa phận của 4 xã Bột Xuyên, Lại Tảo, Phú Hữu và Tảo Khê, huyện Mỹ Đức. Ngôi chùa còn có tên là Thuỷ Vân tự, hoặc chùa Khổ.
Ngôi chùa thuộc địa phận thôn Lai Tảo, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức nhưng là ngôi chùa chung của 4 thôn. Chùa có kết cấu kiểu “Tiền thần, hậu Phật”. Ngoài thờ Phật theo phái Đại thừa, chùa còn thờ các vị thần có sự tích gắn với làng.
Theo cuốn thần phả niên hiệu Bảo Đại thứ 12 (1937) còn lưu giữ trong chùa thì chùa Tứ Xã thờ vị thần có tên là Vân Mộng. Ngoài chùa Tứ Xã, bà còn được nhân dân thôn Giáp Bốn, xã Tuy Lai lập đền và động phụng thờ.
Vân Mộng sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm 1042 triều Lý Thái Tông (1028-1054), người quê ở xã Sơn Lãng, huyện Sơn Ninh. Năm 16 tuổi, bà đến chùa Tứ Xã đi tu. Đến năm 1069, Chiêm Thành đem quân sang xâm lược nước ta, bà dời chùa đi lánh nạn. Trên đường chạy loạn, bà đã học được cách chữa bệnh. Khi đất nước thanh bình, bà đã trở lại chùa và trị bệnh cho nhiều dân làng trong vùng. Khi bà hoá, nhân dân đã cảm phục ân đức mà lập ban thờ bà tại gian Tiền đường của chùa.
Trải qua thời gian, ngôi chùa bị hư hỏng nhiều. Nhân dân đã đem tâm sức, hàng sản để sửa chữa ngôi chùa, lần trùng tu lớn nhất là năm 1942.
Hệ thống tượng được bài trí theo trật tự: trên cùng là 3 pho Tam thế, tiếp theo là Di Đà Tam tôn với A Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, dưới là Di Lặc và Tuyết Sơn, hàng tiếp theo là Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, hàng thứ năm là Ngọc Hoàng Thượng đế và Nam Tào, Bắc Đẩu hai bên, cuối cùng là Thích Ca cửu long. Hai bên toà Tiền đường có pho Khuyến Thiện, Trừng Ác, tượng Đức Ông và Thánh Hiền, lui vào đốc Tiền đường có tượng của Bát bộ Kim cương trong tư thế đứng và tượng các vị thiền sư. Các pho tượng này có niên đại thời Lê, Nguyễn.
Chùa còn lưu giữ được đôi rồng đá có niên đại thời Lý, bát hương thời Trần, bia đá thời Mạc, ngựa gỗ thời Lê, quả chuông thời Tây Sơn...
Trước năm 1945 tại chùa này có ông Lê Tôn Trung đã từng giúp đỡ, ông Văn Tiến Dũng, ông Bùi Quang Tạo... gây dựng phong trào cách mạng, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở phía nam tỉnh Hà Đông (cũ). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa còn là nơi làm việc của Uỷ ban hành chính kháng chiến, nơi trú ngụ của nhiều cán bộ trong huyện.
Chùa Tứ Xã đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02