Triển lãm về dấu tích làng nghề trong khu phố cổ
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 17:20, 19/12/2020
Hà Nội là nơi xuất hiện những ngôi đình thờ tổ nghề sớm nhất và nhiều nhất. Theo thống kê, khu Phố cổ Hà Nội hiện có 14 đình thờ tổ nghề. Qua thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, các đình thờ tổ nghề - dấu tích làng nghề xưa cái còn cái mất nhưng phần nào cũng phản ánh được sức sống bền bỉ của những phường nghề, phố nghề trong lòng Hà Nội.
Triển lãm "Phố cổ Hà Nội dấu tích làng nghề xưa" thu hút nhiều công chúng.
Tại triển lãm, qua các tài liệu trưng bày của Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, công chúng sẽ hiểu thêm về lịch sử, dấu tích của một số ngôi đình trên phố cổ Hà thành. Đó là: đình Hành Tích ở phố Lò Rèn thờ vị tổ nghề và những người có công khai sáng phát triển nghề rèn; đình Hàng Thiếc ở phố Hàng Nón thờ thánh sư là vị thần đã sinh ra nghề thiếc; đình Hà Vỹ ở phố Hàng Hòm thờ ông tổ của nghề sơn; đình Nhị Khê ở phố Hàng Hành thờ ông tổ nghề tiện; đình Trúc Lâm ở phố Hàng Hành thờ ông tổ nghề da giầy; đình Trương Thị thờ đức tổ sư nghề vàng bạc; đình Hài Tượng ở ngõ Hài Tượng thờ các vị tổ nghề giầy da; đình Hàng Da ở phố Hàng Da thờ ông tổ nghề lọng; đình Kim Ngân ở phố Hàng Bạc thờ ông tổ nghề kim hoàn; đình Tú Thị ở phố Yên Thái thờ ông tổ nghề thêu; đình Hoa Lộc ở phố Hàng Đào thờ tổ nghề nhuộm; đình Xuân Phiến ở phố Hàng Quạt thờ ông tổ nghề quạt họ Đào…
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, bàTrần Mai Hương -Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I nhấn mạnh: “Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành nơi thu hút các hiền tài, kẻ sĩ, thợ giỏi về sinh cư lập nghiệp tạo các phường nghề, phố nghề. Quá trình dựng làng, lập phố đã tạo nên nét độc đáo của mảnh đất kinh kỳ với Ba mươi sáu phố phường - nơi hội tụ những cửa hiệu buôn bán. Thợ thủ công từ các tỉnh lân cận không chỉ giới thiệu hàng hóa, họ còn mang tới cả kỹ nghệ sản xuất, rồi lập đình thờ vị tổ nghề đã có công sáng lập và mở mang trí thức ngành nghề cho họ. Qua các tư liệu sẽ giúp công chúng hiểu hơn về hành trình từ làng nghề ra phố nghề của thợ thủ công, về tín ngưỡng thờ tổ nghề của họ tại đất Thăng Long xưa”.